Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Trích từ (Everywhere Land) .Tôi cũng có day dứt thế này khi rời nước Đức về sống ở Hà nội ...

Dude, where's my city?
Đọc vài bài viết về Hà Nội của một số bạn cựu du học sinh khi trở về Hà Nội trên Facebook tôi nghĩ: Tại sao tôi sống ở HN, tại sao tôi lại trở về. Nói chính xác thì tới giờ, tôi cũng không chắc là tôi muốn sống ở Hà Nội nốt quãng đời còn lại không. Hà Nội là một đô thị ngột ngạt và ngày càng ngột ngạt. Hầu như không có không gian riêng cho mỗi người. Khi về Hà Nội, cái làm tôi nhớ khi ở nước ngoài là những lúc không gian tuyệt đối yên tĩnh và những khi có thể dạo bộ trong công viên hay ven sông, ven hồ mà không bị ngột ngạt bởi tiếng ồn, bụi và người. Ở Hà Nội, con người không có không gian riêng. Nói đơn giản, cả ngày thứ bảy này, thay vì được yên tĩnh nghỉ ngơi trong một ngày cuối tuần thì những tiếng ồn từ công trình xây dựng hàng xóm cứ đập vào tai suốt cả ngày.

Hà Nội ngày càng xấu, ngày càng nhiều bụi và khói. Con người cũng dường như ngày càng trơ khấc hơn. Không gian đó cùng với sự giả dối, khệnh khạng và chụp giật ở khắp nơi khiến cho người ta cũng dễ trở nên bực bội, khó chịu và mệt mỏi hơn.

Vậy tại sao tôi trở về Hà Nội. Sau khi tôi về, có nhiều người hỏi tôi câu này và thực sự tôi cũng không biết trả lời ra sao. Có rất nhiều lý do để (tìm cách) ở lại nước ngoài, và cũng có không ít lý do để trở về Việt Nam và câu trả lời của tôi (nếu có) thường tùy thuộc vào ý nghĩ đập vào óc tôi lúc đó hoặc là một câu trả lời khuôn sáo đã có sẵn (nhưng có những lúc tôi chán trả lời câu này đến nỗi phải đề nghị không trả lời). Một phần có lẽ vì gia đình nhưng cũng không phải quá quan trọng vì tôi không phải là người quá gắn bó với gia đình, hơn nữa gia đình tôi cũng hoàn toàn tôn trọng quyết định về hay ở của tôi (dù vẫn thích tôi về hơn).

Tôi nghĩ lý do sâu hơn là cảm giác thuộc về. Dù sao đi nữa, tôi vẫn có cảm giác là tôi thuộc về Việt Nam và sẽ cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn khi sống ở Việt Nam. Kiếp người ngắn ngủi và vốn dĩ cô độc. Nếu sống ở nước ngoài, làm việc ở một công sở nào đó, sáng đi chiều về, lập gia đình, nuôi dạy con cái cho tới lúc về hưu, tận hưởng sự yên bình và những dịch vụ sẵn có của xã hội đó, tôi cảm thấy một cuộc sống như thế thật buồn tẻ. Như một nơi ở trọ mà mình sẽ phải ở tới hết đời. Tôi không phải là một công dân thế giới để có thể tìm thấy niềm vui, sự tự do và sự thoải mái ở bất cứ nơi nào. Sống ở nước ngoài, tôi sẽ có yên tĩnh, có tự do cá nhân, có sự thoải mái và tiện nghi vừa đủ, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người và người, và có nhiều cơ hội cho con cái. Nhưng chắc chắn, đi kèm với nó sẽ là một nỗi buồn melancholy và nostalgia, là sự mờ đi của các ký ức, sự dần dửng dưng với quá khứ và quê hương, là mâu thuẫn và cố gắng cân bằng giữa khép và mở, là cố gắng hòa nhập rồi lại mỏi công tìm kiếm identity và nơi bạn thuộc về. Bạn thuộc về đâu? New York hay Hà Nội? Where’s your city? Where’s your country? Are you Chinese? No, Japanese?

Tôi không phải là người mê say tri thức và có tinh thần cạnh tranh quyết liệt để lựa chọn sống ở những nơi có môi trường tri thức cao nhất. Cũng không phải là người giàu giá trị gia đình để lựa chọn sống ở những nơi tốt nhất cho sự phát triển của con cái (giấc mơ Mỹ, Harvard, Obama, Sarkozy...).
Đến bây giờ tôi cũng không biết là quyết định về nước có đúng không. Và càng sống ở Hà Nội, tôi càng thấy không ưa Hà Nội. Và trong tương lai, cũng chẳng biết rồi tôi có bỏ cái thành phố “năm cổng chào” chộn rộn này không- nơi trí tuệ nhìn vào chắc sẽ phải nhún vai và cái đẹp thì cười nửa miệng?

Nhưng tôi nghĩ là tôi không tiếc về quyết định này (nhưng kể ra đôi khi cũng thấy tiếc tiếc hehe). Ít nhất việc đó cũng giúp tôi đỡ phải băn khoăn trong chuyện là nên đi hay về, hay lúc nào thì nên về- những câu hỏi mà tôi sẽ phải suy nghĩ trong nhiều năm nếu tôi sống ở nước ngoài.

Trong cuốn tiểu thuyết All the Pretty Horses [bản dịch có tên Những con tuấn mã khá tệ] tôi vừa đọc xong có đoạn hội thoại giữa hai người bạn, hai chàng cowboy trẻ tuổi vừa trở lại Mỹ sau chuyến hành trình đầy nguy hiểm ở Mexico:

“I think I'm going to move on.
This is still good country.
Yeah, I know it is. But it aint my country”

Nhân vật chính trong cuốn sách lại ra đi, vì anh cảm thấy nước Mỹ của anh không phải là của anh. Đất nước của anh là đất nước của quá khứ, của ngựa chứ không phải ô tô, của những con chim lớn sải cánh bay trên hoang mạc chứ không phải những giàn khoan dầu hỏa dựng lên trên nền trời. Chừng nào bạn cảm thấy xa lạ với nơi bạn đang sống, thì bạn nên ra đi. Dù là để tìm kiếm một miền đất mới hay một thế giới quá vãng.

Với tôi thì điều đó chưa đến. Đất nước tôi đang ở hiện nay không phải là "good country”. Nhưng nó vẫn là “my country”. Còn có những đất nước mà tôi từng có dịp đến thì rõ ràng là “good country”. Nhưng tiếc thay, nó lại không phải là “my country”.

Thôi, tới giờ xem bóng đá, trận đấu giữa một nước giàu nhất thế giới và một trong những nước nghèo nhất thế giới. Dude, where's my countr

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Tướng Lưu có những suy nghĩ độc đáo, mạnh dạn, ngoài luồng của tư duy chính thống của đảng CS Trung quốc, đi ngược với đường lối cả đối nội và đối ngoại của Nhà nước Trung hoa, nói ngược với cơ quan tuyên huấn, với Nhân dân Nhật báo Bắc kinh, với Tân Hoa Xã.

Xin trích những ý tưởng nổi bật của tướng Lưu trong bài viết:

«… nếu một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, nếu hệ thống ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong ».

« … bí quyết thành công của Hoa Kỳ không nằm ở phố Wall hay ở thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và ở hệ thống chính trị gắn liền với nó ».

« … hệ thống của Hoa Kỳ được thiết kế bởi những thiên tài, và giúp cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành được ».

« …một hệ thống tồi khiến một người tốt cũng hành xử tồi, trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi cũng có thể hành xử rất tốt ».

« … Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững ».

Về con đường Trung quốc phát triển đi lên đạt dân giàu nước mạnh, tướng Lưu khẳng định:

« …một quốc gia chỉ chăm chú nhìn vào sức mạnh của đồng tiền của mình, đó chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt.
Điều chúng ta có thể đặt lòng tin là sức mạnh của sự thật.
Sự thật là kiến thức. Kiến thức là sức mạnh ».

Tướng Lưu kết luận:

« … Trong 10 năm tới, ở Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi ».

« … Liên Xô sụp đổ là vì cải cách chính trị tiến hành quá muộn, chứ không phải vì cải cách chính trị quá mức ».

Trong khi lãnh đạo đảng CS Trung quốc tập trung vào hướng độc chiếm Biển Đông nhằm khai thác tài nguyên dầu mỏ to lớn tại đó thì tướng Lưu khuyến cáo rằng hãy chuyển hẳn sang hướng lục địa phía Tây, nơi có những nguồn tài nguyên đa dạng dồi dào hơn nhiều.

Điều khá lạ lùng là tại sao một luận văn trái chiều, ngược chiều đến vậy viết từ lục địa lại được xuất hiện, được tán phát ra ngoài, được Google dịch ngay và tán phát ra hàng mấy chục thứ tiếng, chỉ sau vài giờ sau khi xuất hiện ở Hồng kông. Sau tờ Phoenix, tờ báo the Age của Úc cũng đưa ngay bài này với nhiều lời bình. Trung quốc lục địa vốn thực hiện biện pháp kiểm duyệt rất nghiệt ngã, tinh vi.

Điều lạ hơn nữa là ông Lưu Á Châu là một Trung tướng thuộc quân chủng Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc, là một chính ủy, từ phó chính ủy quân chủng Không quân, vừa lên chức Chính ủy Đại học quốc phòng ..

Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Hãy nghe và nói theo cách của mình !