Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Phải xin lỗi vì chê tiệc Việt Nam

Phải xin lỗi vì chê tiệc Việt Nam

Trang blog của Mai Mislang trên Twitter đã bị xóa

Người viết diễn văn cho Tổng thống Philippines phải xin lỗi sau khi chê bai bữa tiệc của chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

Hãng tin ABS-CBN của Philippines Bấm cho hay cô Mai Mislang đã viết trên trang mạng xã hội Twitter "Rượu dở ẹc" sau bữa tiệc do Chủ tịch nước Việt Nam khoản đãi phái đoàn Philippines.

Cô cũng viết trên trang cá nhân Twitter: "Tiếc là quanh đây chả có anh chàng nào đẹp trai cả."

Cô lại bình phẩm tiếp: "Băng qua đường phố đầy xe máy ở Hà Nội là một trong số những cách chết dễ nhất."

Hiện tại tài khoản của cô ở Twitter không còn thấy hoạt động.

Người phát ngôn cho Tổng thống Philippines, Ricky Carandang, nói với báo chí rằng cô Mai Mislang đã bị cảnh cáo phải cẩn thận hơn.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có buổi tiếp đãi phái đoàn 52 người của tổng thống Benigno Aquino.

Phủ tổng thống Philippines cố gắng giảm nhẹ vụ việc, nói đã giải quyết xong vấn đề, và rằng cô Mislang đã xóa các câu nói trên trang Twitter.

Một viên chức trong chính phủ, Manolo Quezon III, sau đó viết trên trang Twitter của ông rằng cô Mislang đã xin lỗi ở trang Facebook của cô.

Theo đó, cô nói: "Tôi xin lỗi vì bình luận của mình...Tôi cảm thấy rất may mắn được ở tại một đất nước xinh đẹp có những người dân hiếu khách."

Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố với báo giới rằng trong buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kêu gọi Miến Điện thả nhà dân chủ Aung San Suu Kyi đang bị quản thúc.

Đây là một chi tiết gây chú ý, nhưng truyền thông Việt Nam hoàn toàn không đề cập, mà nó chỉ được Bấm đăng trên một tờ báo của Philippines.

Gửi cho bạn bè In trang này
Chia sẻ với bạn qua:Cái này là gì?
Delicious Digg Google Facebo

Khi lời xin lỗi vẫn còn là... xa xỉ

Khi lời xin lỗi vẫn còn là... xa xỉ

Tác giả: TRẦN MINH QUAN

1
Ở nước ta, cái sự "xin lỗi" khi mắc sai lầm hình như vẫn là một hành vi rất nghiêm trọng của con người, như một thứ mà người ta không dễ dàng mang đến cho người khác.

"Im lặng không phải là... vàng" và câu chuyện xứ người

Một nét văn hóa, nói đúng hơn là một thói quen rất đơn giản tưởng như ai cũng có thể làm được, là nói "lời cảm ơn", "lời xin lỗi" lại tỏ ra khá xa lạ, nó như một món hàng xa xỉ của đa số người Việt Nam hôm nay.

Chắc có lẽ nhiều người biết rằng lời cảm ơn, lời xin lỗi như là câu nói cửa miệng của đa số người nước ngoài. Từ những chuyện lớn đến chuyện nhỏ, khi cần nhờ ai đó một điều gì, họ đều "xin lỗi" và sau khi nhận được câu trả lời thì họ nói "cảm ơn". Đó là một thói quen giản đơn nhưng cũng có thể xem đó là một nét văn minh mà cũng rất khiêm nhường, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người khác.

Trong một xã hội hiện đại, những khoảng cách về không gian đã được thu hẹp, người Việt Nam hôm nay đã bắt tay làm bạn với hầu hết các dân tộc trên thế giới. Sự giao thoa về văn hóa đã và đang diễn ra cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Văn hóa Việt Nam cũng đã du nhập nhiều tinh hoa văn hóa thế giới và văn hóa Việt Nam cũng được thế giới đón nhận, chia sẻ như mọi sự trao đổi bình thường khác. Vậy mà thói quen rất đơn giản như "lời cảm ơn", "lời xin lỗi" vẫn khó tiếp nhận đến lạ kỳ.

Trong cuộc sống hàng ngày, không ai tránh được những sai lầm, có những sai lầm do chủ quan, có những sai lầm khách quan. Nhưng chắc chắn một điều rằng, những sai lầm của mình sẽ làm tổn hại đến người khác dù ít hay nhiều, dưới bất kỳ hình thức nào.


Có lỗi thì phải xin lỗi. Đó không chỉ là dám thừa nhận cái sai, cái thiếu sót của bản thân mà còn thể hiện sự tôn trọng người khác. Ngoài ra, lời xin lỗi thể hiện tính trách nhiệm cao của mỗi con người, từ đó tìm cách khắc phục, sửa sai.

Một khi đã biết mình sai mà không nói lời xin lỗi, cứ lấy câu "im lặng là vàng" làm tấm bình phong, thì rất đáng bị lên án. Dân gian có câu: "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại" thể hiện tính nhân đạo, vị tha của con người. Nếu biết nhận lỗi và xin lỗi chân thành, chắc chắn sẽ được dư luận thông cảm và có những trường hợp, người ta rất kính nể thái độ cầu thị đó.

Mọi người chắc còn nhớ chuyện Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan đã công khai xin lỗi và quyết định từ chức vì có nhiều cáo buộc về việc đã tuyển dụng con gái ông cho một vị trí được trả lương cao trong Bộ Ngoại giao. Cũng tại xứ sở kim chi này, cựu Tổng thống Roh Moo Hyun đã tự sát khi có những nghi ngờ người gia đình ông liên quan đến một vụ tham nhũng lớn. Trước đó, ông đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc vì đã để những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan và Tổng thống Roh Moo Hyun được đánh giá là người rất có trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào sự thật. Họ sẳn sàng xin lỗi nếu thấy mình có lỗi với nhân dân, với đất nước. Họ sẵn sàng mất tất cả, kể cả mạng sống, chứ nhất quyết không để nhân dân mất lòng tin. Đó chính là những tấm gương sáng về lòng tự trọng.

...Và khi sự kiêu ngạo quá lớn

Còn ở nước ta, cái sự "xin lỗi" khi mắc sai lầm hình như vẫn là một hành vi rất nghiêm trọng của con người, như một thứ mà người ta không dễ dàng mang đến cho người khác. Nhưng những người quan niệm về cái sự "xin lỗi" kiểu đó, thực ra là những người không có lòng tự trọng. Hoặc họ có lòng tự trọng đấy, nhưng cái tôi, sự kiêu ngạo, tính tự cao tự đại của họ quá lớn khiến họ không thể vượt qua chính mình.

Lâu nay chúng ta hay nghe nhắc nhiều đến "văn hóa từ chức". Cụm từ này cũng đã được nhắc đến ngay trong nghị trường Quốc hội. Mới đây, theo VietNamNet, trong cuộcthảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội sáng ngày 22/10/2010, ông Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng viện KSND tỉnh Lâm Đồng, cầm trên tay báo cáo Chính phủ về Vinashin nói rằng "Tôi cho rằng những cá nhân liên quan đến vụ việc này phải từ chức. Đây có lẽ là một cơ hội để thể hiện văn hoá từ chức".
Dân gian có câu: "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại" thể hiện tính nhân đạo, vị tha của con người. Nếu biết nhận lỗi và xin lỗi chân thành, chắc chắn sẽ được dư luận thông cảm và có những trường hợp, người ta rất kính nể thái độ cầu thị đó.

Mọi người chắc còn nhớ chuyện Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan đã công khai xin lỗi và quyết định từ chức vì có nhiều cáo buộc về việc đã tuyển dụng con gái ông cho một vị trí được trả lương cao trong Bộ Ngoại giao. Cũng tại xứ sở kim chi này, cựu Tổng thống Roh Moo Hyun đã tự sát khi có những nghi ngờ người gia đình ông liên quan đến một vụ tham nhũng lớn. Trước đó, ông đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc vì đã để những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Những điều mà ông Nguyễn Bá Thuyền nói được xem là nỗi băn khoăn của không ít người. Trong đêm bế mạc Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam mới đây, trước hàng chục khách mời quốc tế, được sự chứng kiến của hàng triệu khán giả tại khán phòng và trước màn hình, người được mênh danh là "nói nhiều nhất Việt Nam"- MC L.V.S dịch sai lời phát biểu của diễn viên Hồng Kông Ngô Ngạn Tổ.
Hành động đó của MC L.V. S khiến dư luận xã hội bàn luận nhiều chiều. Chê trách có, biện minh có, và chê cười ông cũng có. Ý kiến khắt khe còn cho rằng ông làm mất thể diện quốc gia trước bạn bè quốc tế.

Giá như qua sự việc này, dư luận nhận được sự giải thích và lời xin lỗi công khai từ chính ông thì hình ảnh một MC "có nghề" vẫn giữ được ấn tượng tốt trong lòng công chúng. Tiếc thay, đã nhiều ngày trôi qua, khẩu hiện "im lặng là vàng" một lần nữa lại lặp lại...

Một nhà báo không biết nói lời xin lỗi chân thành, thì làm sao mong có được những lời xin lỗi từ những người có chức vụ cao hơn.

Khi những thói quen rất đỗi bình thường như nói "lời xin lỗi", đức tính tốt đẹp như "lòng tự trọng" không được sử dụng một cách hiển nhiên trong cuộc sống thì những thứ văn hóa quá cao siêu như "văn hóa từ chức" mãi mãi là một khái niệm xa vời.
7 lời khuyên hay nhất về sự thay đổi

Tác giả: THỦY NGUYỆT DỊCH (THEO BLOGS.HBR.ORG

Sau đây là 7 câu nói phổ biến có thể làm yên lòng và là “kim chỉ nam” cho những ai muốn xây dựng một hướng đi mới, tạo ra một cuộc cách tân, hình thành nên một nền văn hóa, hoặc làm thay đổi một hành vi.

"Thay đổi là một mối đe dọa nếu tôi là đối tượng thụ động của nó, nhưng sẽ là một cơ hội nếu tôi chủ động tạo ra nó."

Đây là câu tôi viết trong cuốn sách The Change Masters (Thay đổi chủ động - tạm dịch). Câu này tôi viết ra nhằm so sánh giữa hai nền văn hóa ủng hộ thay đổi và bóp nghẹt thay đổi; nhưng rồi tôi nhận thấy nó cũng áp dụng được trong cả các mối quan hệ cá nhân nữa.

Sự phản kháng sẽ đạt tới mức độ cao nhất khi áp đặt thay đổi đối với người khác, khiến cho họ cảm thấy sự thay đổi đó mang tính ép buộc hoặc kiểm soát.

Nếu có thể liên hệ nhu cầu thay đổi đó với những gì mà đối tượng cũng đang mong muốn, đồng thời tạo cho họ cơ hội hành động vì mục tiêu và khát vọng riêng của mình, họ sẽ nhiệt tình và quyết tâm thay đổi hơn. Thực ra, khi đó bản thân họ sẽ chủ động tìm kiếm sự thay đổi.

"Đi xa được ngàn dặm, khởi đầu một bước chân"

Các mục tiêu lớn đôi khi khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Phạm vi của vấn đề, sự khó khăn khi thực hiện các giải pháp, thời gian, và số lượng các công việc cần thực hiện có thể khiến "công cuộc" thay đổi trở nên quá phức tạp, không ai biết phải bắt đầu từ đâu, và kết quả là... chẳng có kết quả nào cả!



Câu nói trên của Lão Tử là một lời nhắc nhở chúng ta hãy không ngừng bước tới. Hãy làm việc gì đó, hãy bắt tay vào thực hiện công việc, hãy bước những bước đi đầu tiên, dù rất nhỏ - và dần dần, cuộc hành trình của bạn sẽ bắt đầu.

"Nếu không biết mình sẽ đi đâu, thì đi đường nào cũng vậy"

Trên hành trình dẫn tới sự thay đổi, cần phải có một đích đến rõ ràng. Nhiều nỗ lực thay đổi bị trì hoãn bởi vì mọi người đều lúng túng, không biết mình phải đi đến đâu.

Trong câu truyện thiếu nhi Alice ở Xứ sở Thần tiên, cô bé Alice đang trong trạng thái rối trí lên tiếng hỏi chú mèo Cheshire rằng cô nên chọn đi con đường nào. Chú mèo phép thuật liền đưa ra câu trả lời thông thái trên; và đây cũng là một lời nhắc nhở rằng chúng ta nên xác định mục tiêu của mình trước đã.

Hãy tập trung vào một điểm đến rõ ràng trong bản đồ tư duy của bạn, rồi sau đó suy nghĩ lựa chọn con đường tốt nhất để đi tới đó.

"Thay đổi là một chiến dịch, không phải là một quyết định"

Bao nhiêu người đã từng hạ quyết tâm sẽ cải thiện chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao, để rồi sau đó lại cảm thấy sung sướng và tự hào vì đã có được quyết định sáng suốt ấy tới mức họ lại tự thưởng cho mình một cây kem và ngồi xuống đọc một quyển sách thay vì chạy bộ?

Các vị CEO và các quản lý cấp cao không ngừng tuyên bố về những thay đổi họ sẽ thực hiện, và rốt cuộc họ phát động những chương trình đầu voi đuôi chuột.

Để thay đổi hành vi, cần phải có cả một chiến dịch cụ thể với những hoạt động giao tiếp thường xuyên, các công cụ và tài liệu hỗ trợ, các bước ngoặt, các yếu tố nhắc nhở, và phần thưởng.

"Khi tới ngã ba, hãy quyết định"

Huyền thoại bóng chày Yogi Berra từng nổi tiếng vì những câu nói kỳ quặc nhưng ý nghĩa. Một phần của sự thay đổi là quá trình thử-và-sai.

Nỗi sợ mắc sai lầm đôi khi có thể khiến chúng ta để tuột mất cơ hội khám phá những con đường thú vị.

Hãy chớp lấy những cơ hội bất ngờ. Một số con đường nhánh chỉ là đường cụt, song cũng có những con đường tắt, giúp bạn đạt tới mục tiêu của mình nhanh hơn.

"Khi tới giữa dòng, dường như thất bại sắp chụp xuống đầu bạn đến nơi"

Tôi quan sát được hiện tượng này thường xuyên tới mức tôi nghĩ mình đã phát hiện ra một định luật mới và gọi nó là Định luật Kanter.

Trên hành trình thay đổi, có vô số những chướng ngại vật, cản trở, và những bất ngờ không mấy thú vị, và tất cả chúng đều như xui chúng ta bỏ cuộc.

Nếu bạn bỏ cuộc quá sớm, nỗ lực thay đổi sẽ tự động thất bại. Hãy tìm cách đi vòng qua những vật cản đường đó - có thể bằng cách thay đổi một vài chi tiết trong kế hoạch ban đầu - rồi tiếp tục cuộc hành trình.

Kiên trì và bền bỉ là yếu tố tối cần thiết đảm bảo cho thành công của công cuộc thay đổi.

"Nếu muốn thay đổi thế giới, thì trước tiên hãy thay đổi bản thân mình"

Người lãnh đạo phải là hiện thân cho những giá trị và nguyên tắc mà họ muốn nhân viên tuân theo.

Câu nói nổi tiếng này của Gandhi có tác dụng nhắc nhở tất cả chúng ta trong mọi mối quan hệ - từ quan hệ giữa lãnh đạo và cộng sự, giữa thủ lĩnh chính trị và người ủng hộ, cho tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái - rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất lại liên quan tới cá nhân mỗi người: hãy là một tấm gương thể hiện những mặt tích cực nhất mà sự thay đổi có thể đem đến.

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Những con nhện khổng lồ bò khắp Hà Nội

Những con nhện khổng lồ bò khắp Hà Nội
Cập nhật lúc 11:24, Thứ Năm, 28/10/2010 (GMT+7)
,
- Những chùm dây điện như những con rắn khổng lồ cuộn trên cột, tỏa ra các con phố, đôi chỗ búi lại thành những mạng dày che kín cả mặt trời.

Nữ nhà văn Đức Juli Zeh gửi bài viết thứ 3 cho VietNamNet để kể về những điều tiếp theo khiến chị kinh ngạc khi tới Hà Nội sau khi ấn tượng với màn "xiếc tập thể" và "đội quân cướp nhà băng sặc sỡ"....



Những chùm dây điện như những con rắn khổng lồ cuộn trên cột.
Ở kia, giữa đám giao thông hỗn loạn, đan giữa những rừng người và xe máy, là những chiếc BMW cáu cạnh, những chiếc Maserati kiêu hãnh, những chiếc Mercedes bệ vệ: những linh vật của thế kỉ hai mốt.

Những chùm dây điện như những con rắn khổng lồ cuộn trên cột, tỏa ra các con phố, đôi chỗ búi lại thành những mạng dày che kín cả mặt trời. Như thể đêm đêm có những con nhện khổng lồ bò khắp Hà Nội, dệt cả thành phố thành những mạng nhện điện. Đây đó, những chiếc đèn canh gác quẹt qua chúng tôi, những người đi đường lững thững.

Những ma-nơ-canh cầm ô đứng trong tủ kính, những chiếc ghế nhựa chân ngắn và những cái chổi cán cũn cỡn: liệu cứ phải cúi thấp khi quét có dễ chịu lắm không? (Ý tưởng kinh doanh: xuất khẩu cán chổi dài hơn 20 cm), dịch vụ kinh doanh có thể mua bán bất kì giờ giấc nào.

Đi xích-lô với độ cao vừa tầm ống khói xe máy: Không khí là bằng chứng mạnh mẽ chống lại sự hô hấp. Đi bộ, chậm như rùa, lúc nào cũng như thể sắp đứt hơi. Với thời tiết hầm hập kiểu này, người ta phải học lại tất cả từ đầu: học đi, học đứng, học ngồi xuống và học đứng lên (đặc biệt là học đứng lên).

Tôi cứ thấy người man man, lúc mệt lúc khỏe. “Luật giao thông của thực tế!”, đột nhiên D. thốt lên, và như vậy anh đã tìm ra được một từ thích hợp để miêu tả màn xiếc tập thể trên đường phố Hà Nội.



Chú rể và cô dâu đứng như ma-nơ-canh.
Món hàng xuất khẩu lớn nhất của văn hóa Tây Âu: đám cưới váy trắng. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, những chú rể và cô dâu đứng như manơcanh, vây quanh là các thợ ảnh với đạo cụ lỉnh kỉnh. Thỉnh thoảng họ mới nhúc nhích một tí: đầu nghiêng sang trái một chút, nào!
Thì đúng rồi, để có một ngày đẹp nhất trong đời chịu ra tấm ra món, người ta phải chịu khổ thôi, nhưng không sao, bởi vì trong cuộc đời, khoảnh khắc không có ý nghĩa gì cả, có chăng chỉ là kí ức được lưu giữ bằng hình ảnh (nhờ kĩ thuật nhiếp ảnh).

Hà Nội được trang hoàng bằng giấy màu, đèn lồng và những lẵng hoa cao ngất: 1000 năm, quả là một sự kiện! 10 ngày lễ hội theo kế hoạch của Chính phủ. Những sân khấu được dựng. Đèn chiếu, máy phun hơi màu được đặt vào vị trí. Những phố trung tâm chìm trong những dải đèn màu nhấp nhánh. Dân chúng chấp hành nhiệm vụ treo cờ: trước cửa nhà nào, ở khắp các tầng, đều treo cờ đỏ sao vàng.

Trên các đại lộ có gắn các biển hiệu chỉ dẫn để đoàn duyệt binh có thể đi qua. Nhưng ai có thể đến xem diễu binh đây? Khi mà việc chặn đường sẽ khiến cho giao thông tắc nghẽn và không ai có thể chen chân vào để xem cả. Tối hôm trước, khu trung tâm thành phố đã bị tắc nghẽn toàn bộ vì người đi xe máy tụ lại ở các ngã tư, rút điện thoại di động để chụp ảnh các dây sáng được treo lên. Thôi kệ, nhìn cảnh này tôi chỉ còn có cách thốt lên: Việt Nam vô địch muôn năm!

“Họ không lo sợ nhiều về cái chết…”, chị bạn cầm lái, một người Đức sống ở thành phố này, nói với tôi qua mũ bảo hiểm. Dĩ nhiên, chị ám chỉ những người lái xe máy ở Hà Nội, những người luôn làm tôi kinh ngạc. Có thể chị nói đúng. Việc bốn người ngồi trên một chiếc xe máy, trong đó có 2 trẻ em, một phần nói lên sự bó buộc kinh tế, một phần nói lên thế giới quan của những người này - nhưng chắc chắn điều đó không nói lên điều gì về một sự mạo hiểm có thể đo được một cách khách quan.



Hà Nội có quá nhiều điều khiến nhà văn Đức kinh ngạc.
Người ta có thể nhìn vào người Đức với hệ thống biển chỉ đường dày đặc, với những mặt đường nhựa phẳng lì, những vạch phân luồng thẳng băng. Chúng ta di chuyển êm du trong những chiếc xe lớn bọc thép chắc chắn bên ngoài, ngồi ghế bọc da vững chãi bên trong. Chúng ta di chuyển trật tự, trên những con đường trật tự, qua những thành phố trật tự.
Chúng ta được kiểm soát bởi những máy đo khoảng cách điện tử, những máy bắn tốc độ. Chúng ta buộc chặt trẻ em vào ghế riêng theo đúng chỉ dẫn. Nhưng chính người Đức chúng ta lại sợ toát mồ hôi khi người ngồi cạnh châm thuốc lá, hay một con chó không buộc rọ mõm đi qua. Định mệnh buộc chúng ta sống trong kỷ luật và kiểm soát, cho tới khi một người nào đó tin rằng, anh ta còn có quyền tự do mạo hiểm...

Như thể cái chết như một con thú mà chúng ta có thể kiểm soát trong cũi và thả nó ra, khi một chuyên gia với ba chứng chỉ quốc gia quyết định rằng, thời khắc đã đến. Có điều thực tế chứng minh rằng, không phải vì trật tự hay kiểm soát mà chúng ta trở nên hạnh phúc hơn hay vừa lòng với cuộc sống hơn. Có lẽ hàng năm, mỗi chúng ta nên đến Hà Nội để đi xe máy một lần.

Juli Zeh

Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ của Hà Nội

Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ của Hà Nội
Cập nhật lúc 00:46, Thứ Ba, 12/10/2010 (GMT+7)
,
- "Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, kéo mũ che kín mặt, lại còn thêm cả khẩu trang sặc sỡ, kính râm và mũ bảo hiểm bọc vải hoa".

Nhà văn Đức Juli Zeh tiếp tục câu chuyện trên VietNamNet với bài viết thứ hai mang tên "Phụ nữ đi xe máy. Phố cổ"


Juli Zeh vô cùng ấn tượng với trang phục ra đường của phụ nữ ở đô thị.
Đừng quên bấm còi:

Mặc dù ở đây người ta có thể làm mọi việc khi đi xe máy, dễ dàng y như ở trên tàu điện ngầm vậy, nào là đọc báo, ăn uống và trò chuyện, nhưng người ta vẫn luôn còn thừa một ngón tay nào đó để nhấn còi: tiếng còi là âm thanh tự nhiên của dân đi xe máy ở đây, giống như tiếng hót là âm thanh tự nhiên của loài chim vậy.

Tiếng còi xe kết hợp với sự mệt mỏi, say máy bay và sốc khí hậu (không phải là không khí nữa, mà là một nồi súp nóng!) khiến tôi rơi vào trạng thái mê man, trạng thái mà ở đó sự khác biệt giữa sống chết chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nó giúp một khách du lịch như tôi có thể tham gia vào giao thông ở đây, nói rõ hơn: bị tham gia vào, mà không đến nỗi phát hoảng lên vì sợ. Tôi giống như khúc gỗ trôi trên sông, và tôi cứ để mình trôi đi như thế. Dòng nước sẽ tự biết cách chảy mà không nghiền nát tôi.

Những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, kéo mũ che kín mặt, lại còn thêm cả khẩu trang sặc sỡ, kính râm và mũ bảo hiểm bọc vải hoa. Như một ánh chớp, ngôn ngữ chụp ngay lấy hiện tượng, nuốt trôi, tiêu hóa và bắn ra thành khái niệm chính xác: Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ. Tôi hoan hỉ ngắm nghía khái niệm này từ mọi hướng: tuyệt diệu, chuẩn không cần chỉnh.

Và: đội quân cướp nhà băng sặc sỡ như là lực lượng gìn giữ hòa bình trong cuộc xung đột giữa các nền văn hóa: Chúng tôi sẽ kể cho những người Tây Âu điều đơn giản là, mặc dù chiếc khăn chùm trong đạo Hồi, không nghi ngờ gì, là một biểu tượng tôn giáo, nhưng chiếc khăn chùm ấy, cũng như hầu hết các biểu tượng tôn giáo khác, còn có một giá trị sử dụng khó đánh giá hết được: Nó giúp chống tia mặt trời (ung thư da)...

Dẫn chứng: Hà Nội! Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ đang đi tiên phong (và châu Âu hỡi, bạn đừng quên rằng, châu Á luôn hiểu biết hơn bạn, đúng như bấy lâu bạn từng lo sợ!): Khẩu trang toàn thân như là mốt thời trang của những nhà vệ sinh sức khỏe cuồng tín. Đột nhiên thế giới Hồi giáo đánh mất biểu tượng độc nhất vô nhị của mình, còn thế giới Thiên chúa giáo cũng mất đi biểu tượng thù địch. Adieu, Clash of Civilizations. (Không phải tôi đang nói đâu, mà là hậu quả của say máy bay, Jetlag.)

Sắp đặt đâu ra đấy, người Việt Nam: Mỗi ngôi nhà là một cửa hàng, còn những cửa hàng thì lại giống như thời tiết: Thống kê cho thấy, dự báo thời tiết chắc chắn nhất là nói rằng thời tiết này mai sẽ giống như hôm nay. Dự báo chắc chắn nhất cho việc làm ăn của các cửa hàng người Việt Nam là, hãy bán những mặt hàng giống hệt như anh hàng xóm của bạn. Bởi thế mới có phố Hàng Thùng, phố Hàng Cân, phố Hàng Đồng, phố hàng Khay, phố hàng Điếu; bởi thế mới có những con phố bán toàn khăn, mũ: phía bên này bán toàn khuy áo, phía bên kia bán toàn cặp tóc. Có phố bán toàn đồ chơi trẻ em, có phố bán toàn nồi cơm điện, có phố bán toàn túi xách. Lại có phố bán toàn mành, và thậm chí (đến đây thì tôi hứa sẽ không kể thêm nữa) có phố bán toàn băng dính. Mới biết, ngay cả sự hỗn loạn khổng lồ nhất cũng chỉ là sự thu nhỏ của quy luật.

Tôi đã luôn nghĩ rằng, những thứ kitsch Việt Nam chỉ được sản xuất riêng cho thị trường Đức. Tuy nhiên những cửa hàng ở Hà Nội rõ ràng đã giúp tôi hiểu ra sự thật hơn: Những người Đức chúng ta mới chỉ nếm một mẩu kitsch nhỏ của cái bánh kitsch khổng lồ mà thôi. Chẳng hiểu sao tự nhiên tôi thấy nhẹ cả người.


Nhà văn hài hước gọi những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa, kéo mũ che kín mặt, lại còn thêm cả khẩu trang sặc sỡ, kính râm và mũ bảo hiểm bọc vải hoa là "Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ".
Nỗi sợ làn sóng châu Á: Mới đây tôi có đọc một cuốn sách rất hấp dẫn nói về việc, tại sao người Tây Âu luôn nhìn lục địa châu Á như một ổ dịch bệnh. Cuốn sách trước hết phân tích những diễn ngôn (lệch lạc) của truyền thông đương đại phương Tây, đến nay vẫn luôn miêu tả những tên cộng sản (Nga-Á), những tên khủng bố (Hồi-Á) và những tên tài phiệt mới (Trung Quốc - châu Á) như những con bọ, những vi trùng gieo bệnh, xâm nhập, đổ bộ vào xã hội phương Tây.

Những vi trùng này lập căn cứ (Al Quaida) hoặc mở rộng lãnh địa (Hiểm họa da vàng) ở châu Âu. Cuốn sách phân tích tại sao “châu Á tự nó” đối với người châu Âu luôn có gì đó giống như một đàn kiến, rằng tính bầy đàn đã luôn nằm trong “bản chất châu Á”. Tôi đọc cuốn sách mà cảm thấy nó rọi sáng, như thể mình được khai minh, và tôi thấy tự tin hơn với ý thức (tự) phê phán bản thân…

…còn bây giờ tôi đang ngồi đây trong một quán ăn ở phố cổ Hà Nội. Chúng tôi đã phải cần đến hai tiếng đồng hồ tỉ mẩn lựa chọn mới tìm được quán ăn này, bởi chúng tôi không muốn tới một quán chuyên dành cho dân du lịch Tây balô, nhưng nó vẫn phải có một bảng thực đơn bằng tiếng Anh (nếu không, làm sao tôi biết mình ăn thứ gì vào bụng?). Nó cũng phải là quán ăn đông khách (đồ ăn sẽ tươi hơn) và cũng phải sạch sẽ một chút (khi đi qua cửa bếp, bạn đừng nhìn vào vì đồ ăn được sửa soạn trên nền đất), và thực tế chúng tôi cũng tìm được một địa điểm phù hợp và đặt được món ăn mình muốn.

Tôi cẩn thận nuốt mấy viên thuốc chống tiêu chảy, và bây giờ tôi đang săm soi mấy viên đá trong cốc cola của mình (chỉ những viên đá có lỗ ở giữa là được sản xuất công nghiệp), tôi lật lật món rau luộc trên đĩa (luộc có chín không?), cảnh giác nhấp một ngụm trà (nước có nóng già không?) và nghi ngờ săm soi đĩa ăn (có được rửa bằng nước máy không?) và tách mấy món rau quả sống (cái này chắc phải được rửa nước máy rồi ) thành từng loại khác nhau, và tự nhủ với trời đất rằng, nhất định tôi phải gọt vỏ món quả…

- Bởi vì tất cả những người hướng dẫn du lịch, bạn bè, và toàn thể các chuyên gia về châu Á của phương Tây đều cảnh báo rằng, hiểm họa không đến từ bão lụt hay căn bệnh viêm phổi do những cái máy điều hòa lạnh cóng gây ra, mà là: giun, sán, khuẩn, vi trùng sẽ xâm nhập, sẽ lây nhiễm, thậm chí sẽ đổ bộ vào thân thể dân Tây Âu. Trước khi lùa đũa ăn vào miệng, tôi đã cảm thấy ruột gan mình đã đảo lộn hết lên vì sợ.

Hỡi ôi, hỡi tinh thần khai sáng, hỡi ý thức phê phán, về lý thuyết thì các ngươi luôn hấp dẫn đấy, nhưng đi vào thực tế thì các ngươi lại khá vô dụng.

Juli Zeh
(Ảnh sử dụng trong bài của tác giả David Fink)


,
Chia sẻIn tin nàyGửi cho bạn bè
Ý KIẾN CỦA BẠN
Họ và tên: (cần phải nhập) Địa chỉ:
Email: (không hiện lên trang)

Người Hà Nội đang làm 'xiếc tập thể'?

Người Hà Nội đang làm 'xiếc tập thể'?
Cập nhật lúc 16:08, Thứ Hai, 11/10/2010 (GMT+7)
,
- "Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có nhiều xe máy đến thế xếp lọt trên đường, như thể nước chảy trên sông vậy".


Juli Zeh tại buổi giao lưu với độc giả Hà Nội tại Viện Goethe tháng 10/2010.
Cùng thế hệ với Daniel Kehlmann và Judith Herrman, Juli Zeh (sn 1974) được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ tài năng nhất của Đức hiện nay. Lần đầu tiên tới Việt Nam, Juli Zeh sẽ đi dọc từ Bắc tới Nam. Chị sẽ dừng chân ở Mai Châu, Hà Nội, Hạ Long, Hoa Lư, Huế, Hội An, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh. Dọc đường hành trình, chị đã viết ra những trải nghiệm của mình dưới dạng nhật kí du lịch và gửi cho VietnamNet.




Xin giới thiệu bài viết đầu tiên của Juli Zeh với tựa Khởi hành. Ấn tượng đầu tiên về Hà Nội với bản dịch của Viện Goethe Hà Nội.
Khắp Berlin, những con ngựa chùm áo mưa đứng dầm chân trên những cánh đồng, tai rủ xuống. Ở Hà Nội cũng thế, theo tin từ Internet, cũng mưa, mà mưa còn được dự báo sẽ kéo dài đến hết tuần sau nữa. Nhưng nhiệt độ ở đó không phải 8 độ C, mà là 35 độ C. Khi chuẩn bị đồ đạc, tôi mới chợt phát hiện ra rằng mình không có cái áo mưa nào cả. Ôi, không lẽ trong suốt 36 năm qua, tôi chưa từng cần đến áo mưa hay sao - mà lại ở Đức nữa cơ đấy?

Mệt nhừ tử: Cái mẹo cho mỗi chuyến ra đi là: những tuần trước đó, bạn có cả núi việc phải làm, đến nỗi sau đó bạn mệt tới mức thực sự muốn nghỉ ngơi. Một loạt các nhà cung cấp hợp đồng đột nhiên thấy rằng, họ cần tôi gửi gấp một bài viết, một chương trình, một cuộc phỏng vấn, hoặc họ muốn tôi phải đưa ra một quyết định nào đó. Như thể có nguy cơ tôi sẽ không trở về nữa. Với cảm giác khoái trá, tôi đặt một hộp thư điện tử tự động, nói rằng, trong thời gian tôi đi vắng tất cả E-mail gửi đến sẽ, thứ nhất, không được đọc, và thứ hai, sẽ tự động bị xóa (một việc chẳng khó khăn gì). Nhưng thực ra cả hai đều không đúng, bởi tôi nghe nói, ở Việt Nam người ta có thể truy cập Internet công cộng còn dễ hơn ở Brandenburg nhiều. Nhưng dù sao, một hộp thư tự động như thế ít ra cũng có tác dụng như một rào chắn vậy.

Cẩm nang du lịch Việt Nam, Cẩm nang du lịch Thái Lan, Cẩm nang du lịch Trung Quốc, Cẩm nang du lịch Campuchia đặt cạnh nhau tại quầy châu Á tại khu vực Check-in của Sân bay quốc tế Frankfurt. Ấn tượng đầu tiên về đất nước và con người: những phụ nữ xinh xinh, những đứa trẻ ngoan ngoãn, những người đàn ông chất phác. Tất cả đều khiến bạn có thể bật cười, mặc dù hàng người đứng xếp hàng trước quầy kéo dài như thể đến Hà Nội vậy.

Có cảm giác thủ tục xuất cảnh cho mỗi hành khách kéo dài cả nửa tiếng: Quang cảnh xung quanh hàng người trông giống như ở một công ty vận tải vậy. Những hành khách Việt Nam đi cùng chuyến mang theo đủ thứ về Hà Nội, nào là lò vi sóng, máy trộn, máy hút bụi, máy in laser, thậm chí cả nồi cơm điện nữa. Một vị còn mang theo nguyên cả bộ hộp tắm, bao gồm bệ, thành và phụ kiện, đựng trong năm thùng các-tông khổng lồ.

Made in Vietnam: Có lẽ một nửa số quà tặng cồng kềnh này đang trên đường trở về quê hương của nó, đắt hơn hai mươi lần, nhờ được cấp nhãn hiệu chất lượng hàng hóa Đức theo một cách nào đấy, qua cửa hải quan Frankfurt. Như thể tai tôi nghe được những lời này từ những người thân ở Hà Nội: „Quạt máy miễn chê. Ông anh tớ vừa mang từ Đức về đấy!“. Tôi nhìn xuống trang phục của mình: Áo khoác hiệu Jack-Wolfskin, dép quai hậu hiệu Nike – tất cả đều made in Vietnam.

Trên thực tế: Bạn có thể nhận ra ngay dân Tây Âu du lịch châu Á khi nhìn vào những ba lô nhựa, quần nhựa, áo nhựa, giày thể thao nhựa, túi buộc bụng nhựa và túi xách tay nhựa. Đàn ông hay đàn bà – mỗi người du lịch đều mang trên mình ít nhất năm thứ của các hãng „Jack Wolfskin“ hoặc „The Northern Face“. Cứ như thể thế giới bên ngoài khối Liên hiệp Châu Âu là một cuộc leo núi Himalaya duy nhất vậy.

Khi đi tôi có mang theo một câu, một câu chợt đến với tôi sáng nay khi tỉnh dậy, nhưng vì vội chuẩn bị nên tôi đã không ghi lại: „Cô cảm thấy như thể mình vừa bước ra khỏi một bữa tiệc thành công, để hít thở không khí trong lành ngoài cửa trong chốc lát, và khi cô quay trở lại thì đột nhiên một người đàn ông ngồi chắn cửa đòi cô phải trình giấy mời, nếu không sẽ không cho cô vào trở lại – thế là cuộc đời cô trở thành một xã hội khép kín, và cô là kẻ đứng ngoài.“

Cảm giác bay như thể nằm trong nhà thương vậy: Mắt nóng, tai nặng, mũi chảy, cổ rát. Co quắp chăn đệm, chúng tôi ngồi cứng đơ khi bữa ăn tối đã được tiêu hóa hết từ lâu, dài cổ đợi cô tiếp viên rầu rĩ trong bộ áo đỏ của Hãng hàng không Việt Nam đến dọn để chúng tôi có thể đứng dậy vào nhà vệ sinh. Dưới tấm đệm, cứ phải dậm chân cho máu đỡ dồn xuống. Thỉnh thoảng lại thèm thuồng ghen tị nhìn qua tấm chắn lên khoang hạng nhất dành cho các „con bệnh“ giàu có. Tivi cứ bật, cảm giác đau ê ẩm khắp người, không thể ngủ được. Thôi cứ kệ mọi sự: có lẽ mọi chuyện sẽ tốt và bạn sẽ sớm được giải thoát thôi.

Tiếng quẹt đường băng chát chúa kéo dài khi máy bay hạ cánh, và chấm dứt. Mở cửa: Hà Nội. Mệt nhừ người. Không khí nóng hầm hập. Những vệt sáng xẹt qua vùn vụt. Thực tế đó là những vệt sáng phát ra từ những đôi dày thể thao của những cậu bé, giống như những vệt sáng ở một sàn nhảy disco vậy.

Nhiều thành phố lớn trên thế giới nổi tiếng vì giao thông hỗn loạn, như thể một khi là người nước ngoài bị thả vào đó thì bạn sẽ khó mà sống nổi. Paris, Roma, Bắc Kinh, New York, Moscow, thậm chí ngay cả Berlin cũng vậy. Như thể tắc đường là chuyện đương nhiên ở các đại đô thị, giống như một anh gác cửa đương nhiên phải có đôi bắp tay lực lưỡng vậy. Ở những nơi ấy, tất cả đều có phần quay cuồng. Nhưng mà ở đây, mong Chúa làm chứng cho tôi! Mọi thứ còn quay cuồng gấp đôi, không, gấp cả mười lần như thế! Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có nhiều xe máy đến thế xếp lọt trên đường, như thể nước chảy trên sông vậy.

Tôi không hề biết rằng một gia đình gồm vợ chồng với hai đứa con có thể thoải mái ngồi lọt trên một chiếc xe Vespa. Tôi không biết rằng người ta lại có thể chở nguyên cả một cái tủ đá bằng xe máy. Tôi không hề biết rằng, người ta vừa có thể hút thuốc, vừa gọi điện thoại, vừa giữ một đứa bé trong lòng, trong khi vẫn đang lái xe máy. Mỗi chiếc xe chạy trên đường chỉ có vừa đủ chỗ bằng chính độ lớn của nó, bởi vì ngay sát cạnh chiếc xe đó là những chiếc xe khác. Thỉnh thoảng cũng có ôtô, vài người đi xe đạp và khách đi bộ (chúng tôi hay vài khách Tây balô khác).

Như thể một dòng sông, tác-phẩm-nghệ-thuật-tổng-thể này không chỉ chuyển động về một hướng, mà tràn ra đủ mọi hướng. Nó hòa vào, nó tách ra, nó quấn lấy nhau, nó đan cài nhau. Nó tự trôi chảy không ngừng nghỉ. Một hoạt cảnh thiên nhiên kì vĩ, hình thành từ quá trình cơ giới hóa nhanh chóng kết hợp với sự vắng bóng triệt để của tất cả các loại hình giao thông công cộng đô thị. Ở Hà Nội không có tàu điện ngầm, không có tàu điện trên mặt đất, không có tàu nội tỉnh, không có tàu trên không. Chỉ có một vài tuyến xe buýt gần như vô hình với những chuyến xe cứ như thể mất hút ở đâu đó vì tắc đường. Nếu một ngày nào đó mọi người dân ở đây đều đủ giàu có để có thể sắm ô tô riêng, hay một ngày kia Việt Nam bị WTO ép phải bỏ mức thuế 200% cho ô tô nhập khẩu, có lẽ mọi sự sẽ chấm dứt với giao thông ở đây.Bài sau: Đội quân cướp nhà băng sặc sỡ

Juli Zeh sinh năm 1974 tại Bonn (CHLB Đức cũ). Chị học ngành Luật tại Passau và Leipzig, đồng thời tốt nghiệp ngành ngữ văn tại Viện văn học Đức tại Leipzig. Sau đó, chị có nhiều chuyến lưu trú du học hoặc làm việc tại Mỹ, Ba Lan, Hungary và Bosnia-Herzegowina. Các trải nghiệm nước ngoài cũng như những kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều dân tộc khác nhau đã được thể hiện rõ nét trong những tiểu thuyết của chị. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Adler und Engel ( Thiên thần và đại bàng) của chị đã được dịch ra 29 thứ tiếng. Tiểu thuyết Spieltrieb đã được chuyển thể và dựng kịch tại Nhà hát Hamburger Schauspielhaus năm 2006.

Tác phẩm Alles auf dem Rasen. Kein Roman bao gồm các tiểu luận về xã hội, chính trị, luật pháp và văn học đã từng được đăng trên các báo, tạp chí lớn của Đức. Juli Zeh còn viết vở kịch Corpus Delicti, vở kịch đầu tay của chị, cho chương trình RuhrTriennale 2007. Cùng năm này, chị xuất bản cuốn tiểu thuyết trinh thám Shilf (Thám tử Shif). Năm 2009, chị cho ra mắt phiên bản tiểu thuyết của Corpus Delicti. Cùng với Daniehl Kehlmann và Judith Herrman, Juli Zeh được đánh giá là một trong những nhà văn trẻ tài năng ở Đức hiện nay.

Juli Zeh
,

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Lời khuyên về du học của 'người tha hương'

Lời khuyên về du học của 'người tha hương'
VnExpress - cách đây 42 phútGửiNhắn tinIn
Lời khuyên về du học của 'người tha hương'Thời gian qua có rất nhiều bạn quan tâm tới môi trường giáo dục tại Mỹ. Hôm nay tôi cố gắng dành thời gian viết lên một bài hy vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn, khi quyết định tương lai cho con cái mình.> Cuộc sống người tha hương ở Mỹ> Được và mất khi đi Mỹ định cư

Lần nữa xin cảm ơn VnExpress đã tạo cho chúng tôi một diễn đàn thật tuyệt vời. Trân trọng cảm tạ tất cả phản hồi của các bạn và thành thật xin lỗi các cô chú Việt kiều, vì tôi là kẻ "vạch áo cho người xem lưng".

Qua bài viết vừa rồi, có rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi. Tại sao ở Mỹ có cuộc sống vất vả như vậy, mà nhiều người lại bỏ rất nhiểu tiền của để được tới Mỹ? Thực ra là: "Cá trong lồng đỏ hoe con mắt, cá ngoài lồng nguất ngoắt chui vô". Và tôi thấy có rất nhiều bạn đã hiều sai vấn đề.

Trước hết, tôi lấy cuộc sống đời thường của bản thân tôi nói riêng và những người xung quanh tôi nói chung để mô tả cuộc sống ở Mỹ cho bài viết được phong phú hơn. Ngụ ý chính của TÂM tôi là muốn truyền tới cho các bạn đang sống tha hương hiểu được nguyên tắc của"dòng chảy tiền tệ" và giá trị của đồng tiền mà các bạn đã đổ mồi hôi và xương máu mới có được. Tôi hoàn toàn không muốn những đồng tiền xương máu của quý vị trở thành tiền thưởng khổng lồ của các giám đốc ngân hàng mà lẽ ra bản thân và thân nhân của quý vị ở Việt Nam rất đáng được hưởng. Tôi không than vãn cuộc sống khổ cực mà chỉ muốn nói lên công lao làm sao chúng ta có được những đồng tiền đó, cũng không có ý định bêu xấu xã hội Mỹ mà ngược lại rất cảm ơn xã hội này đã cho tôi không ít thành công trong cuộc sống.

Thời gian vừa qua có rất nhiều bạn thực sư quan tâm tới môi trường giáo dục tại Mỹ. Hôm nay tôi cố gắng dành thời gian viết lên một bài hy vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn, khi quyết định cho tương lai của con cái mình.

Năm 1996, tôi được tới Mỹ bằng con đường du học. Tôi không may mắn như các bạn của tôi đã được tới trường học hành đỗ đạt. Nhưng trong tôi lại tự động viên mình với câu danh ngôn "người thông minh không bao giờ có thời gian để tới trường, họ không dại gì lãng phí tuổi xuân học những thứ mà cả đời không bao giờ dùng tới". Nhưng khẳng định với các bạn rằng, tôi là người kém cỏi và không có điều kiện để tới trường. Có lẽ tôi mang kiếp con trâu nên sau khi tới Mỹ, học tiếng Anh căn bản, tôi đã đi cày liên tục cho tới ngày hôm nay.

Hiện tại tôi làm việc 72h cộng 14h lái xe/tuần. Thu nhập rất xứng đáng với công sức của tôi bỏ ra nhưng hơi vất vả. Chắc các bạn lại hỏi tôi, sao lại tự hành xác mình như vậy? Xin thưa rằng: Rất cảm ơn xã hội này là tôi còn có công việc để làm, muốn về hưu trước 40 tuổi, rút ngắn thời gian để về Việt Nam sớm hơn, một ngày làm việc ở Mỹ có thể đủ sống 2-3 tuần ở Việt Nam. Và đặc biệt là tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình làm việc vất vả một ngày có thể giúp đỡ được người thân, một em bé ngồi trên xe lăn, một cụ già không nơi nương tựa... đủ sinh hoạt cho 1-2 tháng. Để chứng minh cho những lời nói của tôi. Tôi đã từng tới rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam để trao những món quà nhỏ cho những mảnh đời mất mát lớn, gạo, bánh kẹo cho trại trẻ khuyết tật, trại chất độc da cam, trại trẻ mồ côi...

Khi bạn đã có suy nghĩ cho con mình đi du học ở nước ngoài thì tôi khẳng định bạn là một người rất tài giỏi. Với cuộc sống như vậy ở Việt Nam mà bạn đã có được số vốn như vậy là rất lớn. Và con cái bạn phải là một đứa con ngoan, giỏi. Chắc chắn khi cho con đi du học bạn phải chọn "con chim đầu đàn" mà con chim đầu đàn thì bất cứ môi trường nào nó cũng phát huy được khả năng tài hoa của mình, thì tôi nghĩ cần gì phải đưa nó ra nước ngoài. Ở đây tôi không đề cập đến vấn đế chảy máu chất xám hay tài sản quốc gia gì cho nó xa vời, mà bạn đã mang tội với ngay chính bản thân và gia đình bạn là: "Cống hiến nhân tài và tiền của cho nước bạn" có đứa con giỏi nhất trong gia đình cho nó ra nước ngoài làm giàu cho người ta. Nhưng nếu ra đi học hành thành đạt quay về phục vụ cho gia đình và đất nước thì lại là điều trên cả tuyệt vời.

Nhưng nếu các bạn đã quyết tâm cho con cái ra đi thì tôi có một vài kinh nghiệm xin chia sẻ với các bạn. Nếu bạn không muốn con mình đi học chỉ để lấy một mảnh giấy không có linh hồn về treo trên tường cho nó oai thì bạn phải chuẩn bị ít nhất là 200.000 USD và có thể hơn thế nữa để con bạn có thể học những trường tương đối có tên tuổi mà không phải lo gì đến vấn đề tài chính. Vì tôi thấy bạn bè của tôi sau khi tốt nghiệp nhận tấm bằng nhưng khi đi xin việc thì nó không có giá trị nên còn thất nghiệp dài dài. Ở Mỹ cũng như ở Việt Nam và các nước khác, trường, trung tâm giáo dục rất nhiều, học ở những trường này giá rẻ, dễ vào nhưng học xong thì khó lòng mà tìm được việc. Bằng chứng là mấy đứa bạn của tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ nhưng đang làm chủ tiệm nail. Thông thường, du học sinh của Việt Nam mình phải học 7-8 năm cho một chương trình 5 năm vì phải học Anh ngữ rất nhiều. Lấy ví dụ để các bạn dễ hình dung: nếu như một người ở Việt Nam nhưng nói tiếng Việt không rành mà vào một trường đại học để nghe giáo sư, tiến sĩ giảng về chuyên ngành thì người đó có thể hiểu được vấn đề hay không. Cho nên đối với du học sinh tiếng Anh đã là một cuộc chiến hết sức khốc liệt.

Cho dù con cái bạn vượt qua được những con đường đầy gian khổ đi chăng nữa, nhưng khi xin việc sẽ không thể không bị kỳ thị chủng tộc. Một người bản xứ và một người Việt chúng ta vào một công ty xin việc thì bạn nghĩ giám đốc nhân sự sẽ chọn ai? Và sa thải thì lại luôn được cân nhắc. Chỉ đơn giản việc thuê một căn hộ thôi cũng đã bị kỳ thị rồi.

Trước khi con cái lên đường thực hiện giấc mơ thì tôi chắc mọi người sẽ dặn dò: sang bên đó bằng mọi cách hợp thức hóa thường trú nhân. Con của các bạn thì bằng mọi giá lấy cho bằng được. Thật ra điều này hết sức nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nếu muốn định cư ở Mỹ thì có rất nhiều cách. Chẳng hạn, học giỏi như giáo sư Ngô Bảo Châu thì người ta sẽ mời ở lại, nhưng điều này không phải là đơn giản. Chỉ có cách đơn giản mà mọi người thường làm là bỏ ra 25-30.000 USD để kết hôn giả với một người có quốc tịch Mỹ.

Thông thường bạn bè cùng trang lứa sinh ra ở Mỹ không hợp, bạn du học thì đều có mục đích như nhau nên không thể, chỉ có nhờ bạn bè và người thân giới thiệu kết hôn với một người lớn tuổi đã có vợ hoặc chồng nhưng đã chia tay, nhiều khi 2-3 tua. Việc đầu tiên phải làm là đi xét nghiệm máu sau đó tới tòa án để đăng ký kết hôn. Sau khi quan tòa đọc tờ tuyên hôn, quan tòa thường có câu, trao nụ hôn cô dâu chú rể. Bạn thử tưởng tượng, một nụ hôn điêu luyện của người đàn ông 35-40 tuổi đặt lên đôi môi non nớt của người con gái thông minh xinh đẹp như con gái bạn thì sẽ ra sao? Người này còn có quyền sờ mó con gái bạn ngay trước mặt quan tòa. Trên đường về nhà kẻ này có thể hiếp dâm con gái bạn một cách hợp pháp. Gọi cảnh sát ư? Người ta còn thách nữa là khác. Lúc này con gái bạn đã dính "Hàn băng chưởng", cuộc đời cứ vậy từ từ mà tan nát. Và tất nhiên là con gái bạn phải phục vụ cho anh chàng này một nhiệm kỳ 3-5 năm nếu như muốn tiếp tục làm giấy tờ.

Ở Chicago có một cô bé người Hà Nội rất xinh, là bạn học cùng trường với tôi khi mới qua Mỹ. Thật lòng tôi rất thích cô bạn này nhưng đã không thể. Sau một thời gian dài du học ở Mỹ thì cô ấy đã bảo vệ một luận án tốt nghiệp rất xuất sắc - đó là 2 cậu nhóc. Đứa đầu thì thuần chủng giống Việt Nam còn đứa thứ 2 thì đúng nghĩa hợp chủng quốc, nửa Mỹ đen nửa Việt.

Ngay ở thành phố tôi đang ở, có một anh chàng người cùng quê với tôi, vừa mới qua Mỹ du học được 4 năm. Nhưng điều kiện kinh tế ở Việt Nam đã không thể cho phép cậu ta đến trường và cậu ta phải bỏ học ra ngoài làm việc để kiếm sống. Một lần vào vũ trường chơi đã xảy ra xô xát với bạn bè và cậu ta bị cảnh sát bắt nhốt 3 tháng nhưng được thả ra chờ xét xử. Trong lúc chờ xét xử thì cậu ta quen với con gái bà chủ. Một ngày, tòa gọi lên để trình diện nhưng không ngờ tòa đã chuẩn bị hồ sơ trục xuất ngay tại chỗ. Và đề tài nghiên cứu dở dang của cậu là một đứa bé 2 tháng tuổi với cô gái con bà chủ, thế là vợ chồng cách biệt Việt-Mỹ.

Thời gian gần đây tôi đọc tất cả các bài và phản hồi của các bạn nói về cuộc sống ở nước ngoài. Tôi thấy rất nhiều bạn có chung một ý tưởng là: "ra đi vì tương lai của con cái, vì tương lai con em chúng ta, hy sinh đời bố củng cố đời con....". Nhưng riêng tôi không biết có phải là mình đã sai hay là cá lội ngược dòng hay không mà trong lòng tôi lại có câu "về Việt Nam vì đứa con thân yêu của tôi". Tôi sẽ cho con tôi học từ lúc còn nhỏ ở Việt Nam đến đại học và sau đó có đi nước ngoài hay không thì để cho nó tự quyết định. Nghe không hợp lý chút nào phải không các bạn. Rõ ràng là nhiều người bỏ tiền của ra mà cũng không đi được, tại sao tôi lại quay về?

Vì sau khi sống ở Mỹ 14 năm và tôi đã sống và tiếp xúc không ít những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ nên tôi cũng có một chút hiểu biết về những đứa trẻ sinh ra ở đây. Trước khi đi vào vấn đề, thành thật xin lỗi các bác Việt kiều cho phép tôi được nói thật.

Vì mọi người phải làm việc 11-13h/ngày cho nên rất ít khi thấy mặt con. Sáng 7h con dậy đi học, mình còn ngủ, 3h30 chiều con đi học về mình đang ở chỗ làm, 9h30 mình về nhà con đã ngủ. Chỉ có chủ nhật là ngày duy nhất mà cả nhà sum vầy bên mâm cơm. Vậy thử hỏi bạn lấy đâu ra thời gian để truyền nội công tình cảm cho con cái? Cho nên tính cách của một đứa trẻ ở đây hoàn toàn do nhà trường giáo dục không chịu ảnh hưởng gì tới truyền thống giáo dục của gia đình. Không giống như ở Việt Nam, khi bạn đi làm về con cái chạy ùa ra quấn quýt bên bố mẹ, ríu rít khoe thành tích học tập. Mỗi tối cả gia đình quây quần bên mâm cơm, ngày qua ngày tình cảm chồng chất đến bao la. Cái này ở Mỹ có tiền cũng không mua được. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ mình không phải lo nó có hòa nhập được cuộc sống ở Mỹ hay không mà nó đã hòa tan rồi.

Qua một thời gian dài nhìn nhận và đánh giá tôi có một số nhận xét chung. Những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ hết sức ích kỷ, sống chỉ biết bản thân, bố mẹ đi làm về cũng không thèm chào hỏi vì mải chơi game, không có tình cảm với gia đình, không thích gần gũi và hòa nhập với cộng đồng người Việt, xấu hổ với bạn bè về nguồn gốc, cố lãng quên nguồn gốc. Học hành không tốt vì phải học hai ngôn ngữ một lúc hay bố mẹ không có trình độ nước sở tại để kèm cặp bài vở cho con. Khi tới trường luôn bị bạn bè chê cười kỳ thị dẫn tới mặc cảm. Bố mẹ quá bận rộn mải làm việc nên không có thời gian để dạy dỗ nên hỗn, không chịu nghe lời bố mẹ, hay chỉnh sửa khi bố mẹ lên tiếng, hay chê cười bố mẹ dốt nát không biết nói tiếng Anh. 11-12 tuổi sẵn sàng gọi cảnh sát bỏ tù cha mẹ khi bị giáo dục bởi roi vọt. Đã có rất nhiều người Việt chúng ta ở bên này ngồi tù vì tội đánh con. Ở Mỹ muốn la mắng con cái cũng không được vì mắng nó bằng tiếng Anh thì mình không biết, bằng tiếng Việt thì nó không hiểu, đánh nó thì bị đi tù, thật không biết làm sao. Hầu như những đứa bé ở Mỹ, đặc biệt là tiểu bang lạnh, không biết nói và viết tiếng Việt, quan hệ tình dục rất bừa bãi vì 12 tuổi nhà trường đã giáo dục giới tính và khuyên xài thuốc ngừa thai...

Theo tôi không có nền giáo dục nào là hàng đâu thế giới và cũng không có nền giáo dục nào là xấu cả. Chỉ có con người là không được tốt mà thôi. Hy vọng bài viết này sẽ là thông tin bổ ích cho quý vị trước khi quyết định cho con đi du học hay cùng con cái ra nước ngoài để ở.

Và cuối cùng, thời gian gần đây tôi thấy có rất nhiều người đau đầu để quyết định ra đi hay ở lại Việt Nam khi mình có điều kiện sống ở trong nước tương đối tốt mà lại có cơ hội được đi Mỹ, nên tôi đã vội sáng tác một bài thơ tặng quý vị:

ĐƯỢC MẤT

Ra đi ta được mất gì?Suy đi tính lại cũng vì các conBiết rằng tuổi chẳng còn son,Đến nơi đất khách vẫn còn chút hơi.Dặn rằng, này các con ơiHọc hành cố gắng ở nơi xứ người.Cha đây vất vả vẫn cườiNgại gì miệng lưỡi người đời dèm pha.Nhọc nhằn chớ có kêu caGian nan khổ ải mới là nên thân.

Nhưng ba mãi cứ phân vânĐược mất chưa biết sức thân hao mòn. Bỗng dưng ba nhớ Sài Gòn,Bà con chòm xóm có còn nhớ ba?Chiều chiều bạn gọi ớ aVỉa hè ăn nhậu mới là hạnh phúc.Qua đây đời sống sung túcX-O rượu ngoại cũng chúc một mình.

Ngày xưa ba cứ đinh ninh,Thiên đường nước Mỹ bình minh muôn màu.Ai hay nếm phải trái sầu,Suy đi nghĩ lại mà đau trong lòng.Bây giờ chỉ có chờ mongCháu con thành đạt cho lòng khoan thai...

Trân trọng kính chào.

Danny Nguyễn

Xếp hạng tham nhũng: Việt Nam tăng hạng, nhưng không 'sạch' hơn

Xếp hạng tham nhũng: Việt Nam tăng hạng, nhưng không 'sạch' hơn
Cập nhật lúc 20:40, Thứ Ba, 26/10/2010 (GMT+7)
,
- Ngày 26/10, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2010 (CPI). Việt Nam xếp hạng 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 2,7/10.

>> Xếp hạng tham nhũng thế giới 2008: Việt Nam lên 2 bậc
>> Cảm nhận tham nhũng 2007: Không mất điểm nhưng tụt hạng




Một cuộc đối thoại giữa các cơ quan Việt Nam và các đối tác phát triển. Ảnh: VietNamNet
CPI là chỉ số đo lường cảm nhận mức độ tham nhũng của khu vực công, cụ thể là tham nhũng liên quan đến các quan chức nhà nước, công chức và các chính trị gia, năm nay được thống kê ở 178 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thang điểm được đánh giá từ 0 (tham nhũng nặng) đến 10 (sạch).
Nghĩa là, các khảo sát xem xét cả khía cạnh hành chính và chính trị của tham nhũng. Theo kết quả của TI, đánh giá của các chuyên gia trong nước rất trùng hợp với đánh giá của các chuyên gia nước ngoài.

So sánh với năm ngoái, điểm số cho Việt Nam không thay đổi (2,7). Về thứ hạng, Việt Nam được tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng (năm ngoái là 120/180), nhưng theo "khuyến cáo" của đại diện Tổ chức Hướng tới minh bạch (cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam) thì thứ hạng tăng lên không có nhiều ý nghĩa, bởi mỗi năm sẽ có những quốc gia được đưa vào và đưa ra khỏi bảng xếp hạng.

Để được đưa vào danh sách đánh giá, mỗi quốc gia phải được ít nhất 3 nguồn khảo sát cho điểm. Riêng điểm số của Việt Nam được thống kê từ 9 nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Bertelsmann (BF), Cơ quan dự báo kinh tế (EIU), Tổ chức thấu hiểu toàn cầu (GI), Cơ quan tư vấn rủi ro chính trị và kinh tế (PERC). Điểm số thấp nhất của Việt Nam là 1,9 (do EIU chấm), còn mức điểm tốt nhất là 4 (do ADB chấm).

3 quốc gia "sạch" nhất năm nay cùng được 9,3 điểm là Đan Mạch, New Zealand và Singapore, tiếp theo là Phần Lan và Thụy Điển với 9,2 điểm. Đứng cuối danh sách các quốc gia bị cảm nhận về tham nhũng mạnh mẽ nhất là Iraq (1,5 điểm), Afghanistan và Myanmar (cùng 1,4 điểm) và cuối cùng là Somalia (1,1 điểm).

Trong top 20 quốc gia sạch nhất của năm 2010 chỉ có 3 quốc gia châu Á, ngoài Singapore đứng đầu bảng thì Hồng Kông (hạng 13) và Nhật Bản (hạng 17). Trung Quốc được xếp hạng 79/178, với số điểm 3,5.

Nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí trung bình. Trong đó, các quốc gia "sạch" hơn Việt Nam là Singapore (hạng 1), Brunei (hạng 38), Malaysia (hạng 56), Thái Lan (78) và Indonesia (110).

Điều đáng nói là có tới 3/4 quốc gia trong bảng xếp hạng có chỉ số dưới 5.

Khánh Linh

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Về quê để thấy còn nợ quê nhiều lắm! Trần kim Anh

Về quê để thấy còn nợ quê nhiều lắm


Bao nhiêu tình cũng chưa đủ để làm nên một tấm lòng thuần hậu dành cho quê. Bấy nhiêu lần về để thấy người ly quê vẫn còn cảm khái quê mình như gió sông và nắng trời. Thoáng đạt và tự nhiên, lòng yêu quê là một nhu cầu nguồn cội.

Nhẹ gót giày trong phố đã chục năm, nay chân trần cuốc bộ qua bến sông quê để về làng. Con đường mùa gặt thoang thoảng mùi rơm rạ. Không nồng nàn như hương hoa sữa của những phố giăng mắc tình yêu của trẻ thị thành. Không lác đác vàng rơi như Phan Đình Phùng san sát sấu mùa đổ lá.

Đường quê xuyên qua đồng bãi, chạy thẳng ra bến sông. Bắt gặp phù sa cho ngô khoai sinh trưởng, bắt gặp cả những thanh âm cầu kinh từ phía nhà thờ xóm đạo, bắt gặp những khuôn mặt mục đồng lấm lem bùn đất đang hò reo trên lưng trâu gặm cỏ...

Không gian rộng và thoáng đã làm vơi đi những chật hẹp vốn bám víu trong lòng mình trong những ngày mải miết sinh nhai giữa phố. Tiếng gió vút lên đủ gạt đi tiếng còi inh ỏi xe cộ. Hoa cỏ may đủ duyên dáng để xua đi nỗi thèm đồng nội. Trí nhớ gợi về một bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ tài hoa Xuân Quỳnh, trong đó rưng rưng câu thơ đẹp: "Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy...".

Gác phố, về quê, lòng đã mênh mang!


Gác phố, về quê để thấy mình còn nợ quê nhiều lắm!. Ảnh: vanthuongphoto.com
Bến sông bên lở bên bồi. Đục trong dòng nước bao đời vẫn thế. Những tổ ấm nghèo trôi dạt trên sông vẫn duy trì một hình thức phục vụ dạ dày: đánh bắt cá và đổi tiền mua gạo. Vẫn còn đó cậu bé đen nhẻm khát chữ, miệng bi bô hỏi chuyện người đi xa về mà tay không ghi nổi dòng địa chỉ. Hỏi nhỏ khi nào đến trường thì ánh mắt cụp xuống vì chưa tìm thấy câu trả lời chính xác, vì hổ thẹn với nỗi nghèo.

Đò đầy thì phải sang sông. Con sào tre nhà vạn cắm dốc đứng xuống lòng sông, làm điểm tựa để dịch chuyển một trọng lượng xe, người trước khi máy nổ xình xịch. Chen chúc và nhiều chuyện. Tiếng quê rộn rịp cả một khúc sông làm giao thông thủy lộ. Đối xứng hai bờ sông là hai phiên chợ. Dễ hiểu vì sao khách thường xuyên của nhà đò là những anh, chị đi buôn từ tinh mơ đến chập tối. Họ đã một phần làm nên lối mòn xuống bến quê, một phần từ lâu lắm rồi cất lên tiếng gọi "đò ơi" không đứt quãng, là một phần của tấp nập.

Gác phố, về quê để thấy lòng mình biết lắng nghe và còn nhiều rung cảm nguyên sơ như cái ngày đầu tiên ly quê nhập phố.


Gác phố, về quê, lòng đã mênh mang!. Ảnh: xaluan.com
Phải can đảm lắm mới nhìn sâu xuống giếng khơi trong khu vườn nhà cũ. Vẫn trong văn vắt và sâu thăm thẳm. Vẫn nằm trong lòng đất để đợi người về múc từng gầu nước lên. Mát và đầy vơi. Sạch sẽ và ngọt lịm.

Ở phố không ai dám uống nước máy. Về quê, tôi tha hồ uống nước giếng. Ở phố, nước là thứ mà cư dân có thể ăn cắp, đơn giản như vặn nhỏ cái vòi chảy để kim đồng hồ không quay.

Về quê, nước là thứ tài sản truyền đời, không ai đánh cắp. Những mạch ngầm chắt chiu trong lòng đất đã tích tụ một khả năng cung cấp nguồn sống cho gia đình phả hệ. Và những mạch ngầm đó còn là nơi mạnh mẽ cuốn đi bao uẩn khúc, ức chế của đời người.

Không tin bạn hãy suy ngẫm câu chuyện sau đây: khi cha tôi say mèm và bị kích thích bởi men rượu, mẹ tôi cằn nhằn tiếng bấc tiếng chì; khi giọng điệu của người đàn bà ngoa ngoắt thêm một chút, người đàn ông đang làm bạn với Chí Phèo quẫn chí phóng hỏa đốt nhà; khi mái nhà tranh bị cháy, khi tiếng kêu than thống khổ kịch tính thì nước ở giếng đã được hàng xóm múc lên để dập hỏa; khi nước đã cuốn trôi tro bụi thì mẹ tôi đã khóc ròng rã trong sự tỉnh rượu của cha.

Vài ngày sau, mái nhà được sửa sang, tôi thấy cha đứng cạnh giếng, múc nước cho mẹ gội đầu. Hương bồ kết, nước giếng trong đã gột sạch bao tức tưởi, lỗi lầm, thay vào đó là bao dung và bày tỏ tình cảm. Nếu ở phố thời nay, khi xảy ra một cuộc cãi vã giữa vợ và chồng, tôi quan sát thấy người chồng khá giả đi mua Iphone về tặng vợ. Tiện ích công nghệ bậc cao đã nằm trong ý nghĩ chiều chuộng nhau của các già nhân ngãi!

Về quê, cứ kiêu hãnh và can đảm nhìn vào giếng khơi để thấy mình còn quê để được an ủi, được gột rửa, được ngẫm nghĩ theo chiều kích nào đó của tâm tính người nhà quê mộc mạc.

Bao nhiêu tình cũng chưa đủ để làm nên một tấm lòng thuần hậu dành cho quê. Bấy nhiêu lần về để thấy người ly quê vẫn còn cảm khái quê mình như gió sông và nắng trời. Thoáng đạt và tự nhiên, lòng yêu quê là một nhu cầu nguồn cội.

Gác phố, về quê để thấy mình còn nợ quê nhiều lắm!

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

SỐNG CHẾT MẶC BAY Tác giả: PHẠM DUY TỐN Phạm Duy Tốn (1881 – 25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu t

SỐNG CHẾT MẶC BAY

Tác giả: PHẠM DUY TỐN
Phạm Duy Tốn (1881 – 25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở toà Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn Sống chết mặc bay! của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương của văn học Việt Nam. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An. Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy.

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!...
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo thủ lấy tánh mạng gia tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại, cùng ngồi chầu bài.
Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ
mẫu gọi: "Điếu, mày!" tiếng tên lính thưa: "Dạ"; tiếng thầy Đề hỏi: "Bẩm, bốc?" tiếng quan lớn truyền "ừ". Kẻ này:
"Bát xách... Ăn", người kia: "Thất văn... Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh...
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất... Mọi người giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
- Bẩm, đê có khi vỡ!
Ngài cau mặt gắt rằng:
- Mặc kệ.
Rồi ngài xếp lại bài, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề lại:
- Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
- Dạ, bẩm bốc.
Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà,
tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm... quan lớn... Đê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm...
- Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
- Thầy bốc quân gì thế?
- Dạ, bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
- Chi chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
- Đây rồi!... Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười, vừa nói:
- ù! Thông tôm, chi chi nẩy!... Điếu mày!...
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết!
Tạp chí Nam Phong,
Số 18, tháng 12 - 1918

SỐNG CHẾT MẶC BAY Tác giả: PHẠM DUY TỐN Phạm Duy Tốn (1881 – 25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu t

SỐNG CHẾT MẶC BAY

Tác giả: PHẠM DUY TỐN
Phạm Duy Tốn (1881 – 25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở toà Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn Sống chết mặc bay! của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối tây phương của văn học Việt Nam. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An. Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy.

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!...
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo thủ lấy tánh mạng gia tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại, cùng ngồi chầu bài.
Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ
mẫu gọi: "Điếu, mày!" tiếng tên lính thưa: "Dạ"; tiếng thầy Đề hỏi: "Bẩm, bốc?" tiếng quan lớn truyền "ừ". Kẻ này:
"Bát xách... Ăn", người kia: "Thất văn... Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh...
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất... Mọi người giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
- Bẩm, đê có khi vỡ!
Ngài cau mặt gắt rằng:
- Mặc kệ.
Rồi ngài xếp lại bài, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề lại:
- Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
- Dạ, bẩm bốc.
Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà,
tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm... quan lớn... Đê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm...
- Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
- Thầy bốc quân gì thế?
- Dạ, bẩm con chưa bốc.
- Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
- Chi chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
- Đây rồi!... Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười, vừa nói:
- ù! Thông tôm, chi chi nẩy!... Điếu mày!...
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết!
Tạp chí Nam Phong,
Số 18, tháng 12 - 1918

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

13280 79 /2010-10-22-pn-and-hd-vinashin-khong-the-dam-va-thu-gui-nhung-linh-hon-dau-kho PN&HĐ: Vinashin không thể đắm và thư gửi những linh hồn đau kh

*
*
*

"Con tàu trách nhiệm" Vinashin không thể chìm. Sự thờ ơ, vô cảm, thói vô trách nhiệm trước sinh mạng con người. Những công trình nghìn tỷ mừng Đại lễ vừa khai trương xong đã hỏng. Đó là những day dứt của nhà báo Trực Ngôn khi nhìn lại các sự kiện của tuần qua.

Không được để con tàu "Vinashin trách nhiệm" bị đắm

Cho dù đã có nhiều nỗ lực giải cứu, chưa thể nói con tàu Vinashin đã thoát khỏi nguy cơ bị chìm và mang theo khối tài sản hơn 4 tỷ đô la. Hay sự thật trần trụi như TS Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói thẳng ra rằng: "Chúng ta tiến hành tái cơ cấu lại Vinashin thì về mặt khoa học coi như chúng ta đã chấp nhận cho Vinashin phá sản, chỉ có vấn đề là mình tuyên bố hay không tuyên bố phá sản mà thôi". Ông Kiên gọi đây là "phá sản theo kiểu Việt Nam".

Chúng ta đã từng biết có những cuộc săn tìm những con tàu bị chìm xuống đáy đại dương để vớt của. Đó là những con tàu chở vàng bạc và các đồ vật quí giá trên những con tàu của bọn cướp biển, trên những con tàu của các đội quân xâm lược và trên những con tàu chở hàng hoá đặc biệt bị tại nạn. Theo những thông tin mà tôi được biết thì chưa con tàu nào trong "lịch sử đắm tàu" chìm xuống biển mang theo một khối tài sản lớn như con tàu Vinashin của chúng ta.

Cho đến bây giờ chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng: chúng ta thật khó còn cơ hội để "trục vớt" toàn bộ khối tài sản ấy lên được. Đã từng có những "con tàu" nhỏ hơn Vinashin bị đắm mang theo một khối tài sản nhất định nhưng chúng ta chẳng bao giờ tìm lại được.

Nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính về vụ đắm con tàu siêu khổng lồ Vinashin? Cho đến lúc này, chúng ta vẫn chỉ nhận được một nửa câu trả lời. Một nửa câu trả lời hay nói cách khác một nửa sự thật về vụ đắm tàu siêu khổng lồ ấy vẫn còn chìm trong "nước". Chúng ta vẫn nói: Một nửa chiếc bánh mỳ là chiếc bánh mỳ còn một nửa sự thật không phải là sự thật.

Con tàu trách nhiệm Vinashin đang bị chìm, Ảnh VietNamNet
Trả lời báo chí, ông Vũ Quang Hải (đại biểu Hưng Yên) nói: Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin, tôi đã gửi chất vấn tới tổng Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ hỏi rằng tại sao có tới 11 lần thanh tra, kiểm toán vào mà tình hình Vinashin vẫn như thế? Do năng lực thanh tra, kiểm toán yếu hay có tiêu cực gì ở đây?

Kỳ này Chính phủ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về Vinashin, tôi chờ đợi một bản báo cáo đầy đủ và trung thực nhất về tình hình Vinashin, nguyên nhân của sự đổ bể, hậu quả đến mức nào và nhất là ai phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc này. Cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý và trách nhiệm chính trị của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, không thể kết luận chung chung được, phải có cá nhân nhận trách nhiệm chính về việc này.

Có thể coi là tín hiệu đáng mừng khi trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đã nhận trách nhiệm về mình trong câu chuyện Vinashin:

"Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn"

Song, điều mà công luận mong mỏi hơn hết, là làm sao cái cơ chế quy trách nhiệm "công của tôi, tội của chúng ta" sẽ được sửa chữa một cách căn cơ. Để không còn những câu nói kiểu như: lỗi tại cơ chế...mỗi khi có chuyện.

Bởi, con tàu "Vinashin tài sản" có thể coi là mất tích vĩnh viễn, nhưng con tàu "Vinashin trách nhiệm" không thể để mất tích được. Nó phải được "trục" lên để chúng ta nhìn rõ trách nhiệm ấy thuộc về ai. Bởi nếu chúng ta không một lần dám dũng cảm để chỉ ra trách nhiệm và xử lý nghiêm minh vụ đắm tàu siêu khổng lồ này thì sự vô trách nhiệm sẽ mãi mãi bám theo chúng ta và càng ngày càng phình to. Nếu chúng ta không làm được điều ấy thì trong tương lai chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều "con tàu" nữa chìm xuống cái "đại dương không đáy". Đó mới là nguy cơ khổng lồ đối với đất nước này.

Ôi cái đầu của những con vịt!

Báo chí đưa tin: Chưa được 10 ngày sau khi đưa vào sử dụng, Công viên Hòa Bình (Từ Liêm, Hà Nội) một công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã trở có dấu hiệu xuống cấp.

Theo ghi nhận của Đất Việt, hầu hết đá xẻ được lát dưới nền, các bờ tường quanh công viên đã bị vỡ. Nhiều chỗ bị lốc lên từng mảng lớn chòi hết cả lớp xi măng phía dưới nền. Ở bậc lên xuống trước cổng chính của công viên, hàng chục viên đá lát đã bị bong tróc. Hàng dào bằng dây xích quanh hồ nhiều đoạn bị đứt khỏi cột, Cột đèn mất nắp để lộ những sợi dây điện ra ngoài rất nguy hiểm cho người ra vào công viên... Đặc biệt mấy ngôi nhà trên những mô đất hầu như đã bị nứt toác nền móng, các công trình phụ ở bên trở nên xiêu vẹo.

Nhiều đoạn dây xích hàng rào quanh hồ của Công viên Hòa Bình bị đứt. Ảnh Đất Việt
"Từ ngày công viên này đưa vào sử dụng chiều nào tôi cũng ra đây chơi, hóng mát cùng các cháu nhưng thấy công viên xuống cấp nhanh quá. Chỉ đi trên nền thôi mà đã thấy đá lát bung lên rồi. Không những thế, các bậc lên xuống được lát bằng đá sẻ để dư ra một đoạn chừng 5cm khi người dân đi, chạy, nhảy... hay vô tình va phải vào đó cũng sẽ làm cho đoạn đá lát dư ra bị vỡ nên hầu hết các bậc lên xuống ở công viên này đều bị sứt mẻ nham nhở cả", bà Nguyên Thị Mến, người dân gần công viên cho biết.

Chuyện các "công trình ngàn tỷ" mới làm xong đã xuống cấp như chuyện về công viên Hòa Bình nói trên chẳng hề làm cho người dân giật mình kinh hãi hay tròn mắt ngạc nhiên nữa. Người dân đã quá quen với thói làm ăn như thế này rồi.

Một con đường cao tốc vừa làm xong đã lún, một đường ngầm vừa làm xong đã rỉ nước rạt rào, một cây cầu "vĩ đại" vừa làm xong đã nứt dọc nứt ngang...Hỏi nguyên nhân vì sao thì những người chịu trách nhiệm "tung" ra đủ lý do và lý do nào cũng là tại.. mưa, tại gió cả thôi. Chưa một công trình nào như thế được một ai đó có trách nhiệm nhận lỗi về mình. Và điều làm cho người dân tròn mắt ngạc nhiên chính là việc họ không thể nào hiểu được vì sao những việc làm như thế bị người dân lên tiếng phê phán và Nhà nước nhắc nhở mà chẳng hề thay đổi một chút nào.

Hậu quả tồi tệ của các công trình nói trên có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm đã làm "thối" cái tai của những người chịu trách nhiệm, và thế là mọi phê phán, nhắc nhở, cảnh báo của dư luận và của chính Nhà nước chỉ như là nước đổ đầu vịt và thôi. Nước cứ đổ xuống đầu vịt hết ngày này, tháng nọ, năm kia mà chẳng làm cho một cái lông vịt nào thấm nước.

Nếu chúng ta cứ sống với lối sống này và làm việc với thói làm việc này thì biết bao tiền của đổ vào các công trình cho vừa. Đất nước ta mãi mãi chỉ là một công trường ngổn ngang gạch đá và mù mịt bụi bặm. Một công trường với những công trình không có ngày "khánh thành". Giống như những con đường của chúng ta cứ làm xong đến cuối con đường thì quay lại đào bới sửa chữa đầu con đường. Cái vòng tròn ấy như những vòng trong ma quỷ không bao giờ chấm dứt. Nghĩa là, chúng ta đang trong nguy cơ rơi vào cái vòng luẩn quẩn mà chưa tìm thấy đường ra.

Ôi những con vịt, biết đến bao giờ cái đầu của các người mới thấm "nước" đây ???

Chiếc xe khách gặp nạn đang được vớt lên, Ảnh VietNamNet

Thư gửi những linh hồn đau khổ:

Hỡi linh hồn khổ đau của những người đã chết trên chuyến xe bất hạnh.

Nước lũ đã rút đi một chút trên dòng sông Lam, nhưng cơn lũ của đau thương đang dâng ngập trên xứ sở này. Bao nhiêu niềm vui mà chúng tôi dành dụm trong những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long giờ như tan biến tất cả. Kể từ khi nghe tin chiếc xe khách bị dòng lũ cuốn xuống sông Lam, hàng triệu người Việt Nam đã hướng về dòng sông ấy. Có biết bao người không cầm được nước mắt. Trong dòng nước lạnh và chảy xiết kia, những người đàn ông, đàn bà, những cô gái và những đứa trẻ bất hạnh đang ở đâu. Tất cả những người Việt Nam có lương tâm đều thấy mình có lỗi. Hỡi các linh hồn đau khổ, xin hãy tha tội cho những người đang sống.

Những con người ấy đang trên đường trở về ngôi nhà của mình. Nhưng họ đã không về được nhà mình nữa. Trong những ngày này và mãi mãi về sau trên dòng sông ấy, đêm đêm trong mưa gió buồn bã, chúng tôi còn nghe mãi lời kêu cứu sặc nước của các linh hồn. Có những người trong chúng tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi nghĩ rằng trong một ngày nào đó, chúng tôi phải đi qua khúc sông ấy và chúng tôi không chịu được nỗi buồn đau và ân hận. Chúng tôi sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi của các linh hồn: "Các người hãy trả lời đi, vì sao chúng tôi phải chết như thế? Vì sao các người không chặn chiếc xe ấy lại? Vì sao người lái xe cứ lao thẳng chiếc xe đưa chúng tôi vào cái chết?"

Nước sông Lam có bao giờ buốt lạnh như những ngày này không? Gió đôi bờ sông Lam có bao giờ gào thét bi thương như những ngày này không? Trong tâm trí đau buồn của biết bao người đang sống, những đứa trẻ vẫn lang thang dọc đôi bờ sông tìm mẹ. Chúng không bao giờ lớn lên được nữa. Chúng bỏ lại những đồ chơi rẻ tiền mà ông bà, cha mẹ, chú bác đã giành dụm tiền mua tặng chúng trong mùa Trung thu vừa qua. Những người đàn ông, đàn bà chết oan uổng vẫn ngơ ngác với câu hỏi "Vì sao chúng tôi phải chết?". Họ lang thang dọc hai bờ sông Lam. Họ mãi mãi không bao giờ về tới nhà mình. Và những người sống chúng ta mãi mãi không bao giờ được tha thứ.

Đưa xác nạn nhân ra khỏi ô tô gặp nạn, Ảnh VietNamNet

Trong những ngày này, chúng ta lại nghe tin những hành khách trên một chuyến bay của Vietnam Airline đi Pháp bị thương. Rất nhiều người đặt câu hỏi: vì sao chuyến bay đó không quay lại Việt Nam hay tìm cách hạ cánh xuống một sân bay nào đó để cứu chữa những hành khách bị thương và để trấn an tinh thần họ hay để kiểm tra lại những gì cần thiết cho chặng bay tiếp theo rất dài. Cũng như những người làm nhiệm vụ trên tuyến đường có chuyến xe khách bất hạnh đi qua và cả người lái xe nữa sao không dừng lại. Sao người ta lại có thể để một chuyến xe chở hàng chục mạng người đi vào nơi mà cái chết đang rình rập họ?

Chúng ta đang thờ ơ với mạng sống con người. Chúng ta đang nghĩ đến lợi ích vật chất hơn mạng sống của những hành khách trên chuyến xe kia và trên chuyến bay kia. Chúng ta đang đầu độc những dòng sông,đang đầu độc những nguồn nước, đang đầu độc thực phẩm...Bởi thế chúng ta có những làng ung thư. Tất cả những gì chúng ta đang làm giống như những trò độc ác của ma quỷ là vì những đồng tiền. Chúng ta còn bao nhiêu phần trăm nhân tính trong trái tim mình?

Cho dù chúng ta đã làm lễ cầu siêu bên bờ sông Lam, những tôi biết linh hồn của những người chết oan uổng vẫn không thể ra đi. Họ vẫn đứng trong gió và nước lạnh bên bờ sông nhìn chúng ta và hỏi: " Vì sao chúng tôi phải chết như thế này?" Những linh hồn chỉ thực sự siêu thoát khi hàng ngày trong từng hành động, những người còn sống phải làm với lương tâm và tình thương yêu con người thực sự. Nếu chúng ta thực sự thương yêu đồng loại mình, chúng ta sẽ luôn luôn dõi theo họ và bảo vệ họ. Nhưng chúng ta đã bỏ mặc họ. Chúng ta xây đủ loại công trình để kinh doanh lấy tiền và lấy thành tích, nhưng chúng có bao giờ tỉnh giấc trong đêm nghĩ đến những công trình cho những đứa trẻ và những người già chưa? Một rạp chiếu phim giành cho trẻ con được xây lên nhưng chúng ta chẳng nghĩ được phải làm gì cho những đứa trẻ trong cái rạp chiếu phim ấy.

Chúng ta bày ra các loại trường không phải để làm ra những thế giới kỳ diệu cho những đứa trẻ mà để "ra giá cao" đối với cha mẹ chúng. Chúng ta lợi dụng những đứa trẻ một cách gián tiếp để kiếm tiền. Chúng ta thờ ơ với những hệ thống dây điện để dòng điện giết chết những đứa trẻ. Chúng ta để cả những máy ATM hở điện như những cái bẫy của thần chết đợi con người. Chúng ta không thể biện minh cho trái tim vô cảm, lối sống ích kỷ và ác độc của chúng ta. Chúng ta thực sự chưa vì con người.

Những ngày này nơi tôi đang ở mùa thu thật đẹp. Nhưng mùa thu ấy đã chết khi chiếc xe chìm xuống dòng sông buốt lạnh và vang lên lời kêu cứu thảm thiết của những con người bất hạnh. Có bao nhiêu người trong đêm nay nghe được tiếng kêu đau khổ ấy?

Hỡi những linh hồn khổ đau,

Chúng tôi cầu xin sự tha thứ. Nhưng xin đừng tha thứ cho chúng tôi. Hãy để trái tim chúng tôi phải đau đớn. Hãy để tiếng kêu thảm thiết trong nước xiết đêm đêm dội vào những căn nhà của chúng tôi. Hãy trở về đêm đêm và đứng trước cửa nhà chúng tôi và đặt vào những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của chúng tôi câu hỏi về tình yêu thương và trách nhiệm với con người. Hãy làm cho chúng tôi không được ngủ ngon bởi sự vô cảm và vô trách nhiệm. Mọi tai nạn có thể xẩy ra trên mặt đất này, nhưng nếu chúng ta đã thực sự vì con người thì dù có chuyện gì bất hạnh xẩy ra với con người, chúng ta vẫn còn một chốn nhỏ trong trái tim mình để tự an ủi rằng: chúng ta đã làm hết trách nhiệm và với tình yêu thương chân thành giành cho con người.

Hỡi những linh hồn đau khổ,

Chúng tôi, những người có lương tâm đang sống xin cúi đầu nhận tội!

Xem cứu trợ lũ lụt ở Thái lan nghĩ về Việt nam

Kami


Đợt bão lũ trung tuần tháng 10 ở miền Trung Việt nam là cú bồi sau khi nước lũ đợt trước vừa rút được vài ngày, làm cho dân quê choa, quê bọ thân thiết của mình đã khổ lại càng khổ hơn. Đã đành rằng thiên tai khó mà tránh được, bão lũ là tại ở ông Trời không muốn cũng không được, nhưng giá như có sự phối kết hợp giữa nhà nước và các tổ chức xã hội trong vấn đề cứu hộ, trợ giúp nhân dân ở các vùng bị nạn ở các tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình… những ngày vừa qua thì dân quê choa đâu có khốn khổ khốn nạn như hôm nay.

Mình ở xa quê nhưng những ngày này vẫn nghĩ tới bà con miền Trung, công việc chưa xong chưa thể về chia sẻ cùng họ được, nên tranh thủ viết mấy dòng cho nguôi nỗi niềm thương xót họ, những bà mẹ già, những em bé đang ở giữa biển nước mênh mông nhai trệu trạo mỳ tôm sống. Đã vậy mà đang ngồi viết thì anh bạn cùng phòng (đảng viên hẳn hoi nhé) đi đến ngồi xuống bên cạnh xem và bảo ” thôi ông viết làm cái đ’.. gì, kệ mẹ chúng nó. Nhà nước ngu mà dân cũng ngu theo thì cho chúng nó chết”.

Nghe vậy nghĩ buồn quá, người Việt mình đấy.

http://www.komchadluek.net/media/img/size1/2010/10/21/6ca8b7ebajahbg85ihb5d.jpg

Thủ tướng Thái Abhisit Vẹajivar (chắp tay vái dân) khi thị sát lụt tại tỉnh Corat(Ảnh Khomchatluk.net)


Những ngày này mình đang công tác ở Bangkok Thái lan, tuy xa miền Trung Việt nam nhưng vẫn cảm nhận được không khí của lũ lụt. Có lẽ một vài ngày nữa nước lũ mới về tới Bangkok vì các đập bắt đầu mở cửa xả lũ, vậy mà chính quyền thành phố Bangkok chuẩn bị chống lụt ghê quá. Chẳng là miền Trung nước Thái những ngày này cũng lụt nặng không kém gì Việt nam, 17 tỉnh vùng Đông bắc và miền Trung nước Thái đang chìm trong biển nước, có những nơi nước ngập trong thị xã đến 2,7 m nói gì đến nông thôn. Chương trình thời sự trên TV của họ tất cả các kênh đều dành tới 2/3 thời gian để truyền tải các phóng sự về hậu quả của nước lụt, công tác trợ giúp ở các vùng bị gặp nạn, thông báo cho dân chúng biết tỉnh A, vùng B họ thiếu cái gì để dân cả nước Thái hỗ trợ quyên góp theo nhu cầu.

Buồn cười nhất là bên Thái lan chỉ thấy chính quyền nhà nước họ lo cung cấp thuyền cá nhân, nhà xí di động (tàu dã chiến), lo thu nhặt rác thải, chất thải của người trong vùng lũ đưa đi xử lý bên ngoài, chứ đâu họ phải lo cái ăn cái uống cho dân cho dân các vùng lũ. Cái đó dân họ có thừa, nghe trả lời phỏng vấn của một người dân vùng lũ họ nhắn rằng “Đừng gửi đồ ăn, nước uống nữa quá thừa rồi gửi thuyền, thuốc chống nước ăn chân, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc xoa chống muỗi v.v..”. Thế đấy nhu cầu dân vùng lũ của họ như thế chứ làm gì có cái cảnh ngồi trên nóc nhà nhai trệu trạo mấy gói mỳ tôm Hảo hảo như dân quê choa, quê bọ ở xứ mình.



http://www.krobkruakao.com/kkncms/store/img_1287655134.jpg

Phu nhân của Đệ nhất Hoàng Thái tử Thái lan Xom Chaovali trực tiếp làm cơm hộp cho nhân dân vùng bão lụt tại một trạm cung ứng.



Chuyện ăn uống thì mỗi xã vùng lụt họ có một bếp ăn di động do các tổ chức xã hội (phi chính phủ), các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Chùa nấu cơm hộp để phát đến từ hộ gia đình còn ở lại trong vùng bị ngập từng bữa, chuyện nước uống hay thuốc chữa bệnh thì đương nhiên nhà nước đã chịu trách nhiệm. Ở đây muốn nói tới cách tổ chức mang tính chuyên nghiệp của một chính quyền nhà nước của dân – Vương quốc Thái lan.

Làm gì có cảnh Thủ tướng chính phủ mang từng gói quà phát cho dân để chụp ảnh tuyên truyền, vì đó đâu phải là trách nhiệm chính của chính quyền nhà nước. Sau khi lụt lớn 2 ngày ông Thủ tướng Thái lan cùng nhóm trợ lý xuống thăm vùng Corat (Nakhor Raschima) thủ phủ của lực lượng áo đỏ đối lập với chính quyền hiện tại thăm dân chúng. TV chiếu ông ta ngồi xuồng cao su có lính kéo đi thị sát tình hình và chỉ thị, không có chuyện gặp gỡ dân chúng kiểu tay bắt mặt mừng, có chăng là vái nhau (kiểu chào chắp tay trước ngực) từ xa. Việc chính của ông Thủ tướng Thái là thị sát và chỉ thị, ông chỉ thị:

1. Cho Cục phòng chống thiên tai của Bộ Nội vụ cho mỗi tỉnh 100 triệu baht (3.5 triệu $), giải quyết các nhu cầu cấp thiết của dân chúng và gợi ý nếu thiếu báo cáo sẽ cấp bổ xung.

2. Đối với nông dân thống kê diện tích canh tác bị ngập lụt để nhà nước trả tiền 100% đền bù theo giá nông phẩm mà nhà nước bảo hiểm (*).

3. Không thu tiền thuê nhà của nhà nước trong vòng 4 tháng.

4. Nhà cửa dân hư hỏng do lũ lụt thì chủ nhân chỉ cần tự chụp ảnh và làm thủ tục thanh toán tiền sửa chữa.

v.v..

Các thông tin đó công khai trên truyền thanh truyền hình cho toàn dân biết.

Cái mấu chốt chính của họ là chuyên nghiệp hóa mọi vấn đề, ví dụ dùng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, mà lực lượng nòng cốt là Bộ tư lệnh Lục quân kết hợp với Hải quân, Không quân và các tình nguyện viên. Những ngày này các lực lượng quân đội với các phương tiện hiện có tại các quân khu xảy ra lũ lụt đều vào cuộc với nhiệm vụ của những người đầy tớ tận tụy của dân. Đó là đưa người, tài sản của dân ra khỏi vùng bị ngập lụt, đảm bảo đưa cơm nóng, nước lạnh đóng chai và hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cần thiết cho những người còn ở lại từng bữa sáng trưa và chiều.

http://www.komchadluek.net/photogal/size1/2010/10/20/a55kb8h9abdgahe5d8aka.jpg

Một nhóm bạn trẻ tỉnh Jayaphum tự nguyện đóng gói quá cứu trợ cho dân vùng lụt


Vật phẩm cứu trợ cũng vậy, những ngày này các siêu thị ở trên toàn nước Thái, các đài truyền hình … là các điểm nhận trợ giúp, hàng hóa nhận được, được đóng túi để phát cho mỗi hộ gia đình vùng lũ. Các công ty, nhà máy xí nghiệp và các cá nhân thì ủng hộ hàng hóa, tiền bạc hoặc bằng phương tiện vận chuyện hàng hóa tới vùng lũ với tinh thần thương người như thể thương thân, cái mà Việt nam mình chưa có cần phải học họ.

Chỉ kể mấy chuyện tai nghe mắt thấy những ngày này cho bạn đọc nghe để so sánh cách thức làm ăn của họ, nhẹ nhàng như không vì toàn xã hội chung sức với điều kiện có thể của mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cộng đồng chia sẻ nỗi lo toan của nhà nước. Ngược lại ở xứ ta thì các bố (của dân) chúng nó ngu, cứ thích ôm rơm cho dặm bụng, cứ giữ khư khư cái độc quyền cứu trợ cho vùng bị nạn, và chỉ biết ca bài ca mì tôm Hảo hảo muôn năm muôn kiếp. Vì họ nghĩ rằng phải độc quyền ban phát, để dân chúng mày thấy rời các bố (của dân) mày ra thì chúng mày lấy c. mà nhét vào mồm. Cứ xem mấy đợt bão lũ vừa qua thì thấy, 87 triệu người Việt nam chỉ biết trông vào nhất cử nhất động của một ông tác giả của idea trái tim Thánh Dóng, thì làm gì dân vùng lũ miền Trung chẳng khổ sở, chẳng khốn nạn.

Họ đâu biết rằng tình thương của con người với con người không có biên giới, không có giới hạn nhất là lúc hoạn nạn. Ngàn đời nay trong máu người Việt đã biết thương người như thể thương thân chứ đâu phải mới có 65 năm kể từ khi mấy ông cộng sản cầm quyền mới có. May mà hôm nay trên trang VNNet có bài “Trí thông minh người Việt so với thế giới” có đoạn nói rằng trí thông minh của người Việt nam bằng 1/25 của người Thái thì tuy trong tâm tôi thấy nhục lắm, nhưng cũng không cãi nổi vì chỉ cần nhìn qua cái vụ cứu trợ bão lũ miền Trung những ngày này.

Các bọ, các mẹ, các em ở miền Trung ơi, cắn răng mà chịu, mà chấp nhận khổ sở và ghi nhớ câu:

Bão lũ là tại thiên tai
Dân nhai Hảo hảo (là do) thiên tài Đảng ta.

Bangkok, 21/10/2010

————-

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy

Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy

Đăng bởi bvnpost on 14/10/2010

Lưu Hiểu Ba

image Trần Quốc Việt dịch từ Popular Protest and Political Culture in Modern China, Second Edition, edited by Jeffrey N. Wasserstrom and Elizabeth J. Perry. Westview Press, 1994. (Bài viết được lưu hành trên mạng ở địa chỉ: http://tsquare.tv/links/LiuXiaobo.html)

Phần 1

Ở Trung Quốc cộng sản, không có từ nào thiêng liêng hơn hay phong phú hơn về sự phẫn nộ chính đáng và sức mạnh đạo đức cho bằng từ “cách mạng”. Nhân danh cách mạng, chế độ chuyên chế độc đảng và nền độc tài cá nhân được xác lập. Thường xuyên, nhân danh cách mạng, các phong trào chính trị vô nhân đạo được phát động. Nhân danh cách mạng, cá nhân bị tước đi tất cả các quyền họ đáng lẽ được hưởng. Nhân danh cách mạng, nền kinh tế bị huỷ diệt và nền văn hoá lịch sử bị lụi tàn. Tên của cách mạng thậm chí còn được dùng trong dịch vụ vệ sinh – trong việc diệt trừ ” bốn sinh vật có hại”, qua đó cúng ruồi và chim sẻ trên bàn thờ cách mạng.


Người Trung Quốc đương thời quá say mê cách mạng, quá tôn sùng cách mạng. Mỗi người và mọi người đều vừa là nạn nhân vừa là người truyền bá của từ này – cách mạng: “Cách mạng công xã Paris”; “Cách mạng Tháng Mười”; “Cách mạng năm 1911″; “Cách mạng dân chủ cũ”; “Cách mạng dân chủ mới”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Cách mạng cộng sản”; “Trường kỳ cách mạng dưới chuyên chính vô sản”; “Đại cách mạng văn hoá”; “Cải cách là một cuộc cách mạng sâu sắc.” Người Trung Quốc đương thời gọi mỗi sự thay đổi trong xã hội hoặc là “cách mạng” hay là “phản cách mạng”. (Ví dụ, phong trào phản kháng năm 1989 được sinh viên nói đến như là “Đại cách mạng ủng hộ dân chủ và chống độc tài”; còn chính quyền lại xem đấy là “cuộc bạo loạn phản cách mạng”). Dù bày tỏ lòng biết ơn hay bất mãn, mọi người đều mượn tên của cách mạng để tăng thêm sức mạnh chính nghĩa cho lời nói của mình. Sự vay mượn này thậm chí đạt đến mức độ là người ta sẵn sàng nói: “cách mạng gia đình”, “cách mạng hôn nhân”, “cách mạng bùng nổ trong hồn người”, cũng như “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, “chủ nghĩa hiện thực cách mạng”, “văn học cách mạng”, “vợ chồng cách mạng”, “con cháu cách mạng”, “người thừa kế cách mạng”. Chính nghĩa cách mạng tự thân nó không cần đến điều kiện tiên quyết nào; trái lại, cách mạng là điều kiện tiên quyết cho chính nghĩa của bất kỳ sự gì khác. Bất kỳ ai hay bất kỳ chuyện gì, ta chỉ cần gán cho nó cái tên “cách mạng” là nó tự nhiên thành tiến bộ và thành chan chứa tình cảm chính đáng. Không ai nghi ngờ hay thậm chí hỏi: Thực ra cách mạng là gì? Hỏi cũng chả có lợi mà cũng chẳng cần phải hỏi. Tất cả những gì chúng ta làm và tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều là vì “tiến hành cách mạng đến cùng”!

Bất luận dù ta xét đến gốc từ nguyên và ý nghĩa hiện nay của từ hay mối liên quan về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể của sự áp dụng cụ thể, thực tế của từ này, từ cách mạng không thể nào dịch, như một từ hoàn toàn tương đương, ra tiếng Anh “revolution.” Trong tiếng Anh, từ “revolution” có ba nghĩa rạch ròi: (1) quay tròn; (2) Sự thay đổi lớn, cơ bản trong xã hội; và (3) việc sử dụng bạo lực để tạo ra sự chuyển giao quyền lực chính trị.[1] Đáng chú ý là, trong tiếng Anh, từ “cách mạng” không hàm chứa nhiều liên tưởng về chính nghĩa thiêng liêng như từ cùng nghĩa trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc, nghĩa xưa nguyên thuỷ của từ “cách mạng” là mệnh trời mà các hoàng đế vay mượn hay chấp nhận để mở đầu một triều đại mới; từ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và là sự biện minh liên quan đến việc thực hiện ý trời. Trong thời hiện đại, dù trong “cuộc cách mạng chưa hoàn tất” của Tôn Trung Sơn hay trong “tiến hành cách mạng đến cùng” của Mao Trạch Đông, từ cách mạng gợi lên một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và một chính nghĩa thái quá. Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, “cách mạng” đã trở nên một từ thiêng liêng, thuần tuý. Ví dụ, “cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa công bằng nhất, sâu sắc nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”. “Cách mạng” có sự công bằng cố hữu, bất khả xâm phạm như “các quyền tự nhiên” trong lịch sử gần đây của phương Tây. Khi chúng ta xem xét cấu tạo của từ này, chúng ta thấy rằng cách mạng là sự kết hợp động từ và túc từ. “Cách” là động từ, nghĩa là “thay đổi, loại trừ, hủy bỏ, tước đi.” Còn từ “mạng,” nghĩa là “mệnh trời, mệnh lệnh, sinh mạng.” Hợp chung lại với nhau, “cách mạng” có nghĩa là “thay đổi xã hội” hay “cách cái mạng của ai đó.” Chẳng hạn, “cách chức” ám chỉ đến “huỷ bỏ một chức vụ” hay “tước đi các quyền hành”. Như thế, ngay cả khi ta chỉ xem xét các từ hợp thành không thôi, từ “cách mạng” trong tiếng Trung Quốc luôn có một giá trị về chính nghĩa không-thể -nào-bị -hoài – nghi và một giá trị về sự thiêng liêng không-thể -nào-bị -báng -bổ. Đây là một trong những từ được dùng thường xuyên nhất trong kho từ vựng của Đảng Cộng sản.

Ở Trung Quốc sau năm 1949, khi được xét đến từ các góc độ về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể, từ “cách mạng” đã ám chỉ đến sự công bằng, đúng đắn, đức hạnh, vận may, và thiêng liêng. Nó cũng ám chỉ đến quyền lực cao nhất; sở hữu được cuộc cách mạng là đã giành được điều mà Tony Saich (trong Chương 12) gọi là “vốn biểu tượng.” Thật không thể nào bày tỏ sự nghi ngờ hay chống đối lại “cách mạng” được. “Cách mạng” ám chỉ đến sự tận tụy, hy sinh, can đảm, không ngại hiểm nguy, lý tưởng, và cảm tình lãng mạn. Nó ám chỉ đến sự trường tồn và sức sống tràn trề. Tất cả những gì ta phải làm là chỉ cần nói “vì cách mạng…” Nó luôn luôn chứng tỏ một ý chí sắt đá, một sự sẵn sàng “chết chín lần không tiếc”. “Cách mạng” ám chỉ đến công bằng và lẽ phải của “đau khổ quá tất sinh ra căm thù sâu sắc”, của đổ máu bạo lực, và của cuộc đấu tranh tàn nhẫn. “Cách mạng” thôi thúc căm thù và bần hàn. Nếu có cách mạng, tất phải có căm thù. Hễ ai nghèo nhất thì cũng cách mạng nhất. Vì thế Mao Trạch Đông gọi cuộc cách mạng do ông lãnh đạo là “một phong trào của những kẻ khốn cùng”. “Cách mạng” ám chỉ đến tính chất không nhân nhượng, không thoả hiệp, không khoan dung, không hợp tác – công lý cực đoan không biểu lộ lòng vị tha; càng cực đoan, càng quá khích, càng chuyên chế thì lại càng cách mạng. Lòng trung thành của ta không thể nào dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Cách mạng” ám chỉ rằng nổi dậy là chính đáng; rằng hành động cá nhân rất mờ nhạt trước vầng thái dương là hành động được thực hiện nhân danh cách mạng. Cho dù cách hành xử có tàn bạo đến đâu, hành động có mù quáng và thiếu cân nhắc đến đâu, phong trào có vô lý đến đâu -nếu nó có thể được gán cho tên “cách mạng”, thì nó trở nên hợp lý và có thể được thực hiện một cách lạnh lùng.

Trong hệ thống giáo dục của Đảng Cộng sản, nỗi ám ảnh về “cách mạng” đã khiến ta đánh mất lòng nhân đạo và lý trí của mình, đánh mất đi lương tâm xã hội và lòng độ lượng của mình, đánh mất đi những tiêu chuẩn cơ bản nhất về phải và trái, và ngay cả đánh mất đi sự phân biệt giữa thiện và ác. “Cách mạng” đã khiến chúng ta phát điên. “Cách mạng” đã khiến chúng ta ngột ngạt. “Cách mạng” đã khiến chúng ta hư hỏng đến nỗi chúng ta mất đi khả năng cảm thấy tôn kính, sợ hãi, hay khiêm nhường. Phong trào phản đối năm 1989 lại một lần nữa đã chứng tỏ rằng “cách mạng” vẫn thắng thế. Nọc độc của “cách mạng” ngấm quá sâu trong lòng chúng ta, do đó chúng ta thường xuyên trở thành những vật hy sinh vô thức cho sự nghiệp công bằng cách mạng. Chúng ta vẫn còn say đắm với “cách mạng”.

Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột

Mặc dù chúng ta đã trải qua sự tàn ác chưa từng có của “Phong trào chống hữu khuynh” và “Đại cách mạng văn hoá”, chúng ta vẫn còn không thật sự ý thức về sự rùng rợn và tàn độc của “cách mạng”. Dù mười năm cải cách đã làm dịu đi tính chất thiêng liêng của “cách mạng” và làm suy yếu nền văn hoá chính trị đã được xây dựng trên nền tảng của cuộc đấu tranh giai cấp, chúng ta vẫn còn tôn thờ “cách mạng” trong tận xương tuỷ. Chúng ta vẫn là “những người thừa kế cách mạng”. Ngay khi chúng ta nhập vào một phong trào chính trị lớn, lòng say mê “cách mạng” của chúng ta chợt dâng cao; ngay khi lửa cách mạng được thắp lên, nó cháy bùng lên thành ngọn lửa cao ngất trời thiêu tan mọi thứ. Bất luận là phong trào thuộc về cực hữu hay cực tả, chuyên chế hay dân chủ, tiến bộ hay phản động, “cách mạng” đều thay thế tất cả. Từ trong bất kỳ khuynh hướng nào cũng đều có thể khích động lòng tôn thờ “cách mạng” cuồng nhiệt của chúng ta. Phong trào năm 1989 một lần nữa là cuộc “cách mạng vĩ đại” của quần chúng tiến bước tới dân chủ. Cho dù kết cục của nó có bi kịch, đẫm máu, nhiệt tình cách mạng vốn nằm im lìm trong gần mười năm lại một lần nữa trỗi dậy làm chủ chúng ta; cuối cùng, nó lại bộc lộ sinh lực và năng động của nó. Đây là một cơ hội làm lay động đất trời. Tất cả mọi người đều muốn lợi dụng cơ hội này để tạo nên kỳ tích, một thành tựu thật lớn để gây ấn tượng cho bao thế hệ đến sau.

Các sự kiện trong tháng Năm năm 1989 khiến ta nhớ đến lời tuyên bố nổi tiếng của Lenin: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột”.[2] Các đám đông kéo đến Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình và diễu hành thoạt đầu đi bộ đến; rồi sau đến từng nhóm đi xe đạp, xe ba bánh, và sau cùng đến bằng xe máy và ô tô. Tiếng máy xe nổ ầm ĩ, cờ phướn phất phới, biểu ngữ giăng đầy, hết khẩu hiệu này đến khẩu hiệu khác được đua nhau hô vang trời, đâu đâu cũng thấy dấu hiệu chữ “V” (tượng trưng cho “chiến thắng”), và những nụ cười nở rộng trên khuôn mặt mọi người – tất cả những yếu tố này đã tạo nên bầu không khí hân hoan như thể đây là một cuộc trình diễn nghệ thuật ngoài trời. Một biểu ngữ khổng lồ, dài hàng chục mét, căng ngang Viện Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, hiển hiện chỉ một từ “Thức tỉnh”. Những sinh viên tuyệt thực tiếp tục đổ vật xuống; các bác sĩ trong áo choàng trắng chạy lui chạy tới như con thoi, và tiếng còi hụ của các xe cứu thương rú lên liên hồi. Cảm giác bi kịch về cái chết cho chính nghĩa đang đến gần càng tăng thêm bầu không khí phấn khích như trong cuộc trình diễn của Quảng trường. Các sự kiện liên hoan trên Quảng trường, trong đó sinh viên đại học là các diễn viên chính, đã thu hút các nông dân, công nhân, binh lính, cán bộ, thương gia, nhà doanh nghiệp, trí thức, và có cả một vị giáo sư tóc bạc chống gậy đi lần bước qua những hàng người đang bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho sinh viên. Một phụ nữ về hưu luống tuổi, mặt in hằn những vết nhăn, ngồi trên chiếc xe ba bánh do con trai kéo. Bà cũng làm dấu hiệu chữ “V” tượng trưng cho chiến thắng. Những em học sinh trung học và tiểu học mang biểu ngữ và giơ cao nắm đấm ủng hộ các anh chị của mình. Những cháu bé học mẫu giáo, theo sự hướng dẫn của các cô giáo họ gọi là “các cô”, vẫy những lá cờ ba cạnh rực rỡ, cũng hòa mình vào niềm vui chung. Rồi đến những vị tu hành đầu cạo trọc, mình mặc áo sòng, vừa tụng kinh vừa gõ “cá gỗ”. Tất cả các nhân tố đa dạng này đan quyện vào nhau khiến cho người ta có cảm tưởng sai lầm rằng đây là một cuộc cách mạng sắp sửa thành công. Tất cả điều này làm đậm đà thêm bầu không khí hân hoan. Quảng trường tưng bừng như trong những ngày lễ Quốc khánh hay trong ngày lễ Quốc tế Lao động hằng năm, lại càng giống như một quảng trường nơi các đám đông mừng vui đổ xô về ngay giữa khi một “cuộc cách mạng” đang diễn ra. Quả thật phong trào phản kháng năm 1989 đã làm cho mỗi người tham gia đều hân hoan nhảy múa trong niềm hoan hỷ phấn chấn. Khởi đầu vào ngày 1 tháng Mười năm 1949, khi Mao Trạch Đông dẫn đầu buổi lễ thành lập nhà nước, từ đấy hằng năm những lễ hội tương tự đều diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn. Cách đây bốn mươi năm, Mao Trạch Đông, lòng đầy tự tin, tuyên bố cách mạng thành công; bốn mươi năm sau, những nhà lãnh đạo trẻ của sinh viên đại học và các trí thức nổi tiếng, lòng cũng ngập tràn tự tin, đang nôn nao chờ đợi thời khắc thành công của cuộc cách mạng “mới nhất”. Chúng ta tưởng rằng chế độ độc tài của Đặng Tiểu Bình thật sự có thể đến hồi cáo chung ở ngay giữa lòng cuộc cách mạng long trời lở đất này; chính quyền của chế độ chuyên chế độc đảng thật sự có thể sụp đổ giữa “rừng” cánh tay đưa lên. Có bao nhiêu bậc anh hùng trong thời điểm đó mơ tưởng đến những vai trò họ muốn đóng sau khi họ đạt danh tiếng? Bầu không khí cách mạng hân hoan ấy khiến ta không thể nào nhìn thẳng vào hiện thực chính trị của Trung Quốc và vào sự ổn định của chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Không chỉ đơn thuần là Đảng Cộng sản nắm chặt trong tay toàn bộ guồng máy chính quyền cũng như nắm quân đội mấy triệu người; mà cũng đúng là, qua mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã giành được sự ủng hộ của nhân dân. Chúng ta lại lầm tưởng sự bất mãn trong nhân dân về một số vấn đề liên quan đến cải cách là sự mất hy vọng hoàn toàn vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Chúng ta nghiêng về ý kiến cho rằng, với sự ủng hộ của quần chúng, Triệu Tử Dương sẽ thay thế Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào đánh giá hợp lý những thành công và những thất bại của mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế. Chúng ta những nhà trí thức nổi tiếng, xuất phát từ quyền lợi riêng của mình (từ sự xuống giá của tri thức trước cơn thuỷ triều đang lên của hàng hoá đến mức sống tương đối sút kém của giới trí thức, vân vân), đã hưởng ứng sự hoài nghi trong nhân dân về các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” rồi phóng đại ý nghĩa của nó lên thành sự hoài nghi chung cho tất cả các chính sách quản lý của Đặng Tiểu Bình. Thực tế cho thấy, mặc dù nhân dân có bất mãn về một số vấn đề liên quan đến cải cách và mặc dù các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” đã hơi làm sút giảm uy tín của Đặng Tiểu Bình, nhưng nhân dân vẫn thừa nhận rằng trong thời của Đặng Tiểu Bình (ngược lại với thời đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông) toàn bộ mọi nỗ lực đều được tập trung vào việc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Điều này đã tạo ra sự ủng hộ sâu rộng trong nhân dân và tạo ra một tính chính danh vững chắc và thực tế. Sự suy giảm lòng dân và tính chính danh thực tế do các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” chủ yếu giới hạn trong giới trí thức. Còn quần chúng chỉ đòi hỏi là họ làm ra tiền và mức sống của họ được tăng dần lên. Khi những yêu cầu này được đáp ứng, quần chúng không muốn từ bỏ hoàn toàn chính quyền hiện nay, hay bác bỏ hoàn toàn các chính sách cai trị của Đặng Tiểu Bình. Khách quan mà nói, so với thời Mao Trạch Đông, những thay đổi ở Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình – sự tiến bộ của chính đảng cai trị và sự thức tỉnh trong ý thức của quần chúng – đã làm kinh ngạc thế giới. Những thay đổi và tiến bộ to tát mà mười năm cầm quyền của Đặng Tiểu Bình đã mang đến cho Trung Quốc lớn lao hơn những thay đổi và tiến bộ mà mười năm của Mao Trạch Đông có thể tạo ra. Chúng ta không thể, chỉ vì sự độc tài của Đặng Tiểu Bình, mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của cải cách. Chế độ cai trị chuyên chế của Đảng, việc bắn chết dân, sự chuyên chính – tất cả những cái này đều là những cái ác cần phải sửa đổi, nhưng khi chúng ta đối diện với những thực tế của Trung Quốc, chúng ta thừa nhận rằng sự sửa đổi này phải từ từ, ôn hoà, và lâu dài. Chúng ta không chỉ phải dựa vào áp lực chính trị từ nhân dân mà thậm chí cũng phải dựa nhiều vào sự tự cải cách của Đảng Cộng sản. Nếu áp lực chính trị trong nhân dân vượt quá khả năng thật sự của những kẻ đang nắm quyền để chịu đựng được áp lực này, phản ứng nó gây ra sẽ không đẩy nhanh sự tự cải cách của Đảng Cộng sản và quá trình dân chủ hóa. Ngược lại, nó sẽ làm gián đoạn hay làm trì hoãn quá trình này. Bài học từ cuộc đổ máu của ngày 4 tháng Sáu rõ ràng đã nói lên điều này. Hơn nữa, sau ngày 4 tháng Sáu, Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng khôi phục lại trật tự xã hội. Đảng Cộng sản một lần nữa giành lại sự kiểm soát chặt chẽ về tình thế. Điều này chứng tỏ quyền lực của Đặng Tiểu Bình không chỉ dựa vào trấn áp bạo lực và khủng bố đẫm máu. Quyền lực này cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân tích luỹ được trong mười năm cải cách. Máu của ngày 4 tháng Sáu hoàn toàn không đảo ngược sự ủng hộ này trong nhân dân. Đặng Tiểu Bình chỉ cần tiếp tục kiên trì cải cách và phát triển kinh tế. Nếu Đảng Cộng sản kiên trì hoàn thiện chính mình, chế độ cai trị của Đặng Tiểu Bình chắc chắn không đổ nhào bất ngờ được. Hiện thực trước ngày 4 tháng Sáu, sự kiện về cuộc Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu, và thực tế về sự thực hiện cương quyết các cải cách sau ngày 4 tháng Sáu tất cả đều bộc lộ một sự thật, mà chúng ta, những người tham gia trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu, về mặt cảm tính không muốn chấp nhận, nhưng về mặt trí thức chúng ta phải chấp nhận, đó là ở Trung Quốc ngày nay con đường ít tổn thất nhất để tiến tới dân chủ hóa và hiện đại hóa là con đường tự cải cách của Đảng Cộng sản. Áp lực chính trị từ xã hội dân sự chỉ có thể đẩy mạnh một cách chừng mực sự tự cải cách loại này. Một chút bất cẩn thậm chí cũng có thể dẫn tới một bi kịch còn lớn hơn bi kịch của ngày Bốn tháng Sáu. Vì chúng ta đã nhìn thấy được hiện thực chính trị Trung Quốc đúng như thực trạng của nó hiện nay, chúng ta hãy quay trở lại phong trào phản kháng năm 1989. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng, do bị chính nghĩa cách mạng quyến rũ, chúng ta đã từ bỏ lý trí của chúng ta. Chúng ta không có cách nào biết được một cách khách quan là trong gần một triệu người tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn thời ấy có bao nhiêu người hoàn toàn bất mãn với các cải cách. Có bao nhiêu người biết rằng bốn mươi năm bi kịch ở Trung Quốc đã xảy ra là do những thái quá điên cuồng của chế độ chuyên chế? Có bao nhiêu người tham gia được hướng dẫn bởi một khái niệm dân chủ rõ ràng và chắc chắn? Ảo vọng được tạo ra từ sức sống của phong trào trong thời điểm đó đã khiến chúng ta không để tâm đến những hậu quả kinh khủng phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào và cũng đã khiến lòng tin của chúng ta vào chính nghĩa dân chủ ngày càng trở nên xa cách với hiện thực chính trị và lòng tin ấy trở thành sự suy đoán vô lý rằng dân chủ sắp sửa ngự trị ở Trung Quốc.

Do được sinh ra từ mười năm cải cách, Phong trào ngày Bốn tháng Sáu thấy mình trong một môi trường tự do nhất kể từ năm 1949, và môi trường này vừa được khích lệ bởi khuynh hướng dân chủ hoá toàn cầu, vừa lại xem mình được bảo vệ bởi những yêu cầu về nhân quyền của các nước dân chủ phương Tây; phong trào chống lại chế độ chuyên chế và kêu gọi dân chủ một cách chính nghĩa quá đáng. Bi kịch là ở chỗ chúng ta chỉ ý thức theo đuổi dân chủ, ý thức sự thật là dân chủ hoá là một khuynh hướng toàn cầu và là chiều hướng tương lai của Trung Quốc, ý thức đến công luận như được diễn tả qua các đám đông ồn ào ở Quảng trường, ý thức rằng cả thế giới đồng lòng ủng hộ chúng ta như được chứng tỏ qua cảnh vô số các phóng viên nước ngoài xúm xít quanh chúng ta; chúng ta một lần nữa lại bị choáng ngợp bởi chính nghĩa của chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn. Chúng ta quá chính nghĩa, quá táo bạo, và quá tự tin. Chúng ta quá say sưa. Vì thế, chúng ta quên hẳn một điều là hiện thực Trung Quốc thiếu những điều kiện cho sự hình thành bất ngờ một xã hội dân chủ. Chúng ta không ý thức rằng, mặc dù dân chủ hoá chính trị là điều cần phải có trước tiên cho công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, nhưng nó hoàn toàn không phải là điều kiện trước tiên duy nhất. Nếu không có dân chủ hoá về chính trị, các cải cách hiện nay ở Trung Quốc không thể nào lâu dài và sâu sắc được. Nhưng nếu trọng tâm cải cách chỉ nghiêng quá nhiều sang tự do hoá về chính trị, thì không thể nào tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng dẫn đến cải cách và hiện đại hoá. Ở Trung Quốc ngày này, dân chủ hoá không phải là liều thuốc tiên, vì Trung Quốc thiếu những điều kiện thích hợp. Không những chỉ đúng là do nắm chắc quyền lực chính trị, Đảng Cộng sản không thể chấp nhận một hệ thống chính trị thực thi quyền hành đa đảng (hay đa nguyên về chính trị); mà còn đúng là quần chúng vẫn chưa hiểu đủ thấu đáo các quyền dân chủ nên không thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh cho quyền cá nhân. Qua sự thất bại của phong trào, chúng ta càng thấy rõ một điều là chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người được gọi là “những người lính dân chủ”, và “các ngôi sao dân chủ”, chỉ hiểu dân chủ trên giấy tờ và trên lý thuyết mà không có kiến thức “khả thi” về dân chủ hành động, thật sự. Chúng ta không hiểu cách thiết lập và thực thi dân chủ như một hệ thống chính trị hay như một tập hợp tổng quát các thủ tục pháp lý. Giáo sư Phương Lệ Chi, người được xem là Sakharov của Trung Quốc, đã từ bỏ một cơ hội rất lớn để sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ nhân quyền cơ bản của ông ngay cả trước phong trào phản kháng năm 1989. Vụ ông bị công an ngăn cản không cho đến tham dự bữa tiệc do tổng thống Mỹ Bush mời đã trôi qua gần như hoàn toàn không ai hay biết. Lưu Tân Nhạn, người được mệnh danh là lương tâm của Trung Quốc, có những quan điểm chính trị khác với quan điểm chính trị của phong trào. Trong thời gian trước phong trào phản đối năm 1989, ông vẫn nhất mực bảo vệ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội và ủng hộ khái niệm “Loại Trung thành thứ Hai”.[3] Vì lẽ ấy, khả năng xuất hiện một lực lượng đối lập nổi tiếng, từ tập thể các trí thức vẫn chưa học xong bài học vỡ lòng về dân chủ này, là cực kỳ thấp. Phong trào phản kháng năm 1989 được sinh ra từ những nhân tố tổng hợp này chỉ có thể là sự thể hiện tượng trưng cho một ý thức đã định hình. Dân chủ chúng ta theo đuổi trong suốt phong trào lại quá trống rỗng, quá cảm tính, và không vượt qua được giai đoạn phấn khích, lãng mạn của những khẩu hiệu sáo rỗng và chủ nghĩa lý tưởng của ý thức mới thành hình của chúng ta. Phần lớn những phương tiện và cách thức chúng ta sử dụng để động viên quần chúng đều là những thứ đã được chính Đảng Cộng sản dùng đến nhiều lần trước đây. Chúng ta theo đuổi sự thay đổi trên phạm vi lớn, song lại sáo rỗng, giật gân, và chúng ta không muốn đưa ra những yêu cầu từng điểm một, cụ thể, cũng như không sẵn sàng thật sự thực hiện tầm nhìn của mình. Điều này khẳng định là chúng ta vẫn còn không hiểu rằng dân chủ hoá không chỉ là một lý tưởng, không chỉ là một cảnh tượng hoành tráng; nó còn là một quá trình thật sự, cụ thể, rất chi tiết, thậm chí đến cả tẻ nhạt để xây dựng và áp dụng những thủ tục dân chủ. Về nhiệm vụ cụ thể để thực sự tạo ra một xã hội được điều hành một cách dân chủ và hoạt động tốt, chúng ta cũng giống như Đảng Cộng sản: cả hai ta đều phải bắt đầu từ đầu.

Những ngày vui cách mạng ấy, tuy làm lay động cả thế giới song do được nâng đỡ bởi chính nghĩa dân chủ lớn lao nhưng lại trống rỗng của chúng ta, đã dẫn chúng ta đi sai đường. Đối với chúng ta, những trí thức nổi tiếng, lúc nào hai tiếng dân chủ cũng ở trên đầu môi, dân chủ hoá ra là một nỗ lực phức tạp hơn chúng ta tưởng.

[1] Những cắt nghĩa rất tường tận nhưng rất khác về mặt cấu trúc đối với sự hiểu biết của Tây phương về từ “cách mạng”, và những cách hiểu này đã thay đổi theo thời gian. Xem Raymond Williams, Keywords: A Vocabulary of Culture and Society (Oxford: Oxford University Press, 1983), revised edition, pp. 270-274; Mona Ozouf, “Revolution,” trong François Furet and Mona Ozouf, eds., A Critical Dictionary of the French Revolution (Cambridge: Harvard University Press, 1989), pp. 806-817; và John Dunn, “Revolution,” trong Terrence Ball et al., eds., Political Innovation and Conceptual Change (Cambridge: Cambridge University Press, 1989), pp. 333-351. Ed.

[2] Stephan T. Possony, ed., The Lenin Reader (Chicago: Henry Regnery, 1966), p. 349. Ed.

[3] Xem Jonathan D. Spence, The Search for Modern China (New York: Norton, 1990), p. 726, mô tả ngắn gọn ý niệm về sự trung thành của Lưu Tân Nhạn. Đặc điểm chính của loại trung thành này là niềm tin rằng những người ủng hộ Đảng có thể nên chỉ trích những hành động sai trái cụ thể của các quan chức mà họ không bị xem là không trung thành; những sự chỉ trích như vậy, nhà báo này cho rằng, thực sự củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì làm Đảng suy yếu.

Phần 2

Hy sinh trước bàn thờ chính nghĩa

Theo đuổi những thay đổi ngoạn mục, đáng kinh ngạc tất dẫn đến sự khuấy động tình cảm quá khích. Đỉnh cao của sự sôi nổi tình cảm quá khích là sự từ bỏ tập thể sinh mệnh của mình cho các hành động anh hùng. Vì cuộc đua tài, vì dân chủ, vì tự do, chúng ta sẵn sàng tiến đến bàn thờ của chính nghĩa – rồi đến của hy sinh. Trong tháng Năm năm 1989, sinh viên tổ chức một đợt tuyệt thực tập thể với hơn một ngàn người tham dự. Phong trào không được hướng dẫn bởi lý tưởng của bất kỳ cá nhân nào mà bởi chủ nghĩa quá khích tình cảm. Bất kỳ ai quá khích đều trở thành đối tượng chú ý của mọi người. Khắp nơi -trong những lời tuyên bố của các sinh viên tuyệt thực và trong những lời tuyên bố của mỗi nhóm ủng hộ những người tuyệt thực, trong “rừng” biểu ngữ và trong các khẩu hiệu, trên những áo thun của các sinh viên tuyệt thực đeo khăn tang trắng trên đầu -ta có thể thấy những dòng chữ này: “Chúng ta làm nên lịch sử bằng sinh mệnh của mình”; “Chúng ta dùng chính dòng máu tươi của ta để mở đầu một kỷ nguyên mới cho nhân dân Trung Quốc”; “Vì thế hệ tương lai ta nhất định không tiếc gì cả”; “Máu rơi trên cổng thành của tổ quốc là lệ tưới cho đất màu mỡ”; “Thà chết còn hơn không có tự do”. Tại những trung tâm chỉ huy của sinh viên ở Quảng trường, họ liên tục phát thanh lời thề: “Đầu có thể rơi, máu có thể đổ, nhưng tự do dân chủ bất diệt”. Nhạc điệu buồn bã của bài hát chính thức, “Quốc tế ca”, của Đảng Cộng sản Trung Quốc; bầu không khí tử vì đạo càng lúc càng nặng nề; và tinh thần hy sinh tất cả quyện lẫn vào nhau hoàn toàn. Từ viết thư bằng chính máu mình rồi đến viết di chúc, các sinh viên qua đó đo lòng quyết tâm của mình cho sự nghiệp bằng những cái chết được thêu dệt ra. Hình ảnh xả thân vì chính nghĩa này làm xúc động mọi người ở Quảng trường. Tiếng hú còi sầu thảm của các xe cứu thương tưởng như xé trời xanh báo hiệu trước cái chết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các xe cứu thương, đèn đỏ loé sáng, chạy hối hả trên con đường “huyết mạch” do các sinh viên trong các đội trật tự công cộng (giăng tay nối nhau) tạo ra. Vẻ mặt của những người gần chết nằm trên cáng, cảnh các bác sĩ trong áo choàng trắng, cảnh các y tá la to và ra dấu cho đám đông “tránh ra” – hết thảy đều chứng minh tấn bi kịch của sự hy sinh sinh mệnh tập thể. Tình cảnh cảm động của mười hai sinh viên Trường Kịch Trung ương nhịn uống nước vượt trội hơn cả tình cảnh của những người tuyệt thực, do thế, mười hai sinh viên này trở thành những thần tượng trên Quảng trường. Qua mọi phương tiện tuyên truyền, và nhờ đám đông chứng kiến, họ được nâng cao lên và rồi được đặt lên trên bàn thờ của sự hy sinh vì chính nghĩa để nhấn mạnh đến cảnh chết cho chính nghĩa này. Hình ảnh đẹp nhất và xúc động nhất này của Trung Quốc ở cuối thế kỷ hai mươi đã thoả mãn mặc cảm chết cho chính nghĩa tiềm tàng quá lâu trong lòng người dân. Nếu như một vài sinh viên đòi tự thiêu không được thuyết phục từ bỏ hành động như thế, những ngọn đuốc sống chết cho chính nghĩa sẽ thật sự thắp sáng trên Quảng trường, và lời dạy đạo đức thánh hiền từ xưa, “huỷ mình để giữ trọn khí tiết”, ngày nay ắt vẫn còn có ý nghĩa.

Hành vi hiến thân cuồng tín này và tinh thần hy sinh này xuất phát từ ý nghĩa sứ mệnh cao cả mà xã hội ban cho sinh viên. Những sinh viên trẻ này, cảm nhận mình được toàn xã hội ủng hộ, cảm thấy mình là hiện thân của chính nghĩa. Hơn nữa, những người dân trong mọi tầng lớp xã hội cũng đều tôn kính họ như hiện thân của chính nghĩa. Khi ý thức chính nghĩa này càng ngày càng trở nên cực đoan hơn, ngoại trừ chính quyền lòng dạ sắt đá, không có ai còn đủ tỉnh táo để tự hỏi: kết cục của những biểu hiện cực đoan này rồi sẽ đi về đâu? Như thể toàn bộ xã hội đã khẳng định, qua các hành động của họ, những sinh viên trẻ nên đứng ra gánh vác trên đôi vai tập thể của họ trách nhiệm thiên định, to tát là hãy cứu Trung Quốc ra khỏi nanh vuốt của bạo quyền. Ý nghĩa sứ mệnh bị phóng đại và ý nghĩa hùng tráng về cảnh mình đang-làm-nên lịch sử đã khiến sinh viên mất khả năng tự kiềm chế và tự biết mình. Họ không biết là đôi vai non của họ hoàn toàn không thể gánh vác một trách nhiệm nặng nề đến như thế. Bị lôi cuốn trước sức quyến rũ chính nghĩa càng lúc càng mạnh, các sinh viên, qua việc thế chấp sinh mệnh của mình, đã khai chiến một cuộc kháng cự liên tục leo thang và vô ích chống lại chính quyền. Tưởng chừng như chỉ qua hy sinh tính mạng của mình ta mới làm cho chính quyền động lòng, chỉ qua hành động xả thân ta mới có thể làm cho quần chúng thức tỉnh, và chỉ qua cái chết ta mới đạt được chính nghĩa hay mới có đủ tư cách để tượng trưng cho chính nghĩa. Cho nên không lạ gì là sau khi nghe một số người chỉ trích các sinh viên là đã quá hăng và quá dũng cảm khiến lý trí và phán xét bị lu mờ, Sài Linh, thủ lãnh cao nhất ở Quảng trường và sau này đã trốn thoát được ra nước ngoài, đáp lại với vẻ bình thường: “Tại Quảng trường vào thời điểm đó dũng cảm đơn thuần là tiêu chuẩn”. Điều đó có nghĩa là, hãy đừng màng đến hiện thực, hãy từ bỏ lý trí, chúng ta chỉ cần dũng cảm, chỉ cần sẵn sàng hy sinh quên mình; chúng ta là những hào kiệt của phong trào phản đối năm 1989. Điều đáng tiếc là, sau khi phong trào phản đối năm 1989 bị trấn áp bằng lưỡi lê và xe tăng, người ta đọc lướt qua danh sách những người lãnh đạo trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu nhưng chẳng tìm thấy dù chỉ một Đàm Tự Đồng đương thời. Những ai được tôn là anh hùng trong những khoảnh khắc hồi hộp nhất của phong trào cũng như những ai lãnh đạo xem mình là anh hùng, sau ngày Bốn tháng Sáu, đều lần lượt bị xử ở toà án của đạo lý và lẽ phải. Nhân dân không thể nào chịu đựng nổi sự thật là cả nước đã chờ đợi một bậc anh hùng chết cho chính nghĩa thế mà chẳng thấy xuất hiện một ai. Nhiệt tình của chúng ta đã hoài phí. Máu của chúng ta đã đổ ra vô ích.

Trong sự theo đuổi xả thân này và trong tâm lý tập thể của sự chờ đợi một đấng anh hùng hy sinh vì chính nghĩa, ta có thể thấy sự thành công to lớn về xã hội hoá Đảng Cộng sản. Thấy được phong thái của những người nối gót theo những tiền nhân chết cho chính nghĩa, người ta không thể nào không nghĩ đến những đảng viên Đảng Cộng sản, những người, vì sự ra đời của nước Trung Quốc mới, đã hoạt động bí mật trong những thời kỳ dài. Lời bào chữa được viết ra từ trong tù của Vương Đào Quân và Trần Tử Minh, trong đó cả hai đều đề cập đến những hành động đáng khâm phục trong sự nghiệp chân chính mà thế hệ trước của Đảng Cộng sản đã thực hiện trước ánh dao của đao phủ thủ có thể được coi là các tấm gương cho thế hệ sau này. Bắt đầu từ lúc chúng ta vào trường tiểu học, chúng ta đã nghe những câu chuyện về Lưu Hồ Lan và Đổng Tồn Thụy[1]; chúng ta đã biết lời tuyên bố của Mao Trạch Đông: “Sinh cao cả, tử vinh quang”. Bài ca đội thiếu niên tiền phong có tên là “Luôn luôn sẵn sàng”. Sẵn sàng cho cái gì? Sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Đảng Cộng sản. Nói chung, do ở trường hay dạy là bầu máu nóng trong người nên sẵn sàng tuôn trào ra cho cách mạng, nên chúng ta tin rằng ta chỉ cần cống hiến đời mình và dũng cảm hy sinh mình là đủ để mang lại lẽ phải và công bằng cho mọi ngưòi (và chính lẽ phải này có thể đảm bảo cho ta lưu danh muôn thuở). Chúng ta chỉ không xem xét rằng tất cả những gì mà máu tươi và cái chết này đã thiết lập là một chính quyền chuyên chế, dã man. Mao Trạch Đông, hô hào tinh thần hy sinh và kêu gọi mọi người “thứ nhất, không sợ gian khổ, thứ hai không sợ chết”, thì cũng chẳng khác gì hơn là một tay bạo chúa giết người. Chúng ta đã không nhận thức ra rằng chính nghĩa này – được hình thành chính từ sự dại dột cống hiến đời mình và hy sinh đời mình- đã khiến chúng ta tin rằng để thực hiện một cuộc cách mạng, tất cả những gì chúng ta cần là can đảm chứ không phải phán xét; tất cả những gì chúng ta cần là nhiệt tình chứ không phải lý trí; quá khích chứ không phải thoả hiệp; cảnh tượng đẹp đẽ huy hoàng chứ không phải lưu tâm đến những sự việc đời thường. Nhận xét của Sài Linh “can đảm là tiêu chuẩn” có thể được hiểu ở nghĩa rằng dũng cảm là chính nghĩa hay, chính xác hơn, đó là chính nghĩa tự cho mình đúng làm ta tin chúng ta có thể tiến tới dân chủ mà không hiểu những trách nhiệm kèm theo của dân chủ, chúng ta có thể đòi hỏi tự do mà không hiểu trách nhiệm của tự do. Hay nói cách khác, chính nghĩa ấy khiến chúng ta hiểu dân chủ là nhiệt tình dâng hiến đời mình và dũng cảm hy sinh; hiểu dân chủ là nhiệt tình cao ngất, là cảnh tượng hùng tráng của các đám đông lớn, là vô vàn những khẩu hiệu. Đơn thuần là chúng ta không quen biết rằng dân chủ là sự thiết kế, thực hiện, vận hành của một hệ thống hợp lý. Dân chủ có mặt trái của nó. Dân chủ hoàn toàn không lãng mạn như lý tưởng chúng ta tán dương; dân chủ là đời thường, thậm chí tầm thường. Có lẽ chỉ qua học phí trả bằng máu chúng ta mới có thể ý thức được rằng can đảm không phải là chính nghĩa và kháng cự không phải là dân chủ.

Chính nghĩa của chuyện ta muốn làm gì thì làm

Trong bốn mươi năm, chúng ta đã không có bất kỳ trải nghiệm chính trị dân chủ nào; mắt và tai chúng ta chỉ nghe thấy toàn quá nhiều những cuộc đấu tranh tàn ác và những mưu chước thâm độc của chính quyền chuyên chế. Ngay khi chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng của mình, chúng ta trở nên cực kỳ tự phụ – như thể chúng ta đã quay trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hoá là khi chúng ta cảm thấy mình là những người cách mạng nhất. Rồi ngay khi chúng ta gia nhập vào phong trào phản kháng năm 1989, chúng ta lại tự xem mình là những người dân chủ nhất. Dù sao, phải chăng chúng ta đã không tuyệt thực vì dân chủ, hết mình vì dân chủ và hy sinh cho dân chủ? Điều này làm cho chúng ta càng chắc chắn hơn rằng hành vi của chúng ta có chính nghĩa cao nhất. Tiếng nói của chúng ta trở thành chân lý duy nhất. Chúng ta cảm thấy như thể chúng ta sở hữu quyền lực tuyệt đối. Chân lý trở thành điều tuyệt đối đúng mà không chấp nhận sự chất vấn; chính nghĩa trở thành chuyện ta muốn làm gì thì làm; dân chủ trở thành đặc quyền; Quảng trường trở thành một nơi kỳ diệu mà tại đấy chân lý được phán xét, quyết tâm được thử thách, tình cảm được tôi luyện, công lý được mở rộng, và các quyền con người được thực thi. Những kẻ không đến Quảng trường hay chỉ trích Quảng trường đều là lũ hèn nhát bất lương, chống dân chủ. Phong trào đã biến Quảng trường thành một tiêu chuẩn để phán xét mọi người. “Tôi đã ở Quảng trường một thời gian” và “Tôi đã từng đến Quảng trường” trở thành những mật khẩu của ý thức dân chủ và của lương tâm xã hội.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta có thể làm những gì chúng ta thích. Quản lý sinh viên thay thế trật tự xã hội của đảng chính trị. Các đội trật tự công cộng trở thành công an giao thông. Thẻ sinh viên trở thành thẻ đa dụng – với thẻ này, chúng ta có thể đi xe không cần mua vé, đi ăn chẳng cần trả tiền, chặn xe lại tuỳ hứng, lục xét hay tra hỏi bất kỳ người đi bộ nào có vẻ khả nghi, tuỳ tiện phung phí tiền bạc do các công dân đóng góp, bất cần vệ sinh, khạc nhổ lung tung, xả rác tuỳ thích, đại tiện và tiểu tiện khắp nơi, thậm chí cả trét phân người lên trên các cửa sổ của xe buýt công cộng và chả thèm quan tâm gì đến các thủ tục pháp lý. Chỉ cần con dấu của bộ chỉ huy Quảng trường, chúng ta có thể tuyên bố mình đã kết hôn- đây được gọi là “đám cưới dân chủ ở Quảng trường”. Chúng ta có thể tự ý phá hoại tài sản công cộng, xì hơi các lốp xe buýt công cộng, rồi tuyên bố một cách tự tin rằng làm như thế để đập tan âm mưu của chính quyền. Quảng trường Dân chủ thành Quảng trường nơi ta muốn làm gì thì làm. Đó là một Quảng trường mà mùi phân và nước tiểu bốc lên và lan ra nồng nặc; đó là Quảng trường nơi rác chất cao như núi.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta không thể thoả hiệp hay hợp tác mà có thể thích thì tạo bè phái, lập ra các tổ chức, tự phong vương, thi nhau đặt tên các nhóm của chúng ta là Liên hiệp Tự trị Tối cao, Nhóm Tuyệt thực, Nhóm Đối thoại, Liên hiệp Tối cao Ngoại vụ, Liên minh các Nhà báo, Đội Quyết tử, Đội Phi hổ, Đội quân Tây lộ, Đội quân Thiếu nhi vân vân. Không ai chịu nhường ai, và không ai quản lý ai. Lời người xưa, “ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn” đã trở thành “ai cũng có thể trở thành chính khách”. Ai cũng có một triết lý chính trị riêng. Quảng trường, nơi nhìn vào ta tưởng chừng các đám đông đoàn kết như một, thực ra là nơi có nhiều chia rẽ, nơi ai cũng xem mình là một chính quyền có chủ quyền riêng biệt. Cho dù nếu có đạt đến thoả thuận, song nếu muốn ta chẳng cần phải tôn trọng thoả thuận ấy. Cho dù ta có đưa tay lên để bỏ phiếu tán thành một quyết định về đường lối, ta có thể bác bỏ quyết định ấy ngay khi ta rời khỏi nơi họp và rồi, nhân danh chính nghĩa, cuối cùng ta lại thực hiện quyết định ấy. Giữa các trường và giữa các tổ chức, có những bức tường không thể vượt qua được. Tâm trạng xem mình là người thông thái nhất này làm mọi người trong phong trào cực kỳ tự phụ. Giấy phép ưu tiên đường (right-of-way) trở thành dấu ấn đặc quyền. Những ai có quyền phân phát giấy phép ưu tiên đường dường như có quyền quyết định ai có thể gia nhập cách mạng và ai có đủ tư cách tham gia dân chủ. Phong trào của chúng ta tập hợp được rất nhiều người và đã khơi dậy nhiệt tình rất cao, song chúng ta không thể nào có những quyết định hợp lý về đường lối; chúng ta thấy mình rơi vào tình trạng mơ hồ về quyết định đường lối. Giá không phải vì chính quyền thường xuyên có những quyết định sai lầm, từ đó ta có cơ hội đoàn kết lại với nhau, chúng ta có lẽ thật sự trở thành một đám đông mù quáng không có phương hướng.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ lòng chúng ta có thể chất đầy căm thù, như ta cầm chiếc áo sơ mi đẫm máu mà tố cáo Đảng Cộng sản tàn ác; ta nghiến răng chửi mắng họ; ta chế giễu tính cách của kẻ khác; ta tham gia vào những cuộc đả kích cá nhân đầy ác ý. Chúng ta có thể nhiếc mắng ai đó là đồ ngu, ai đó là kẻ lùn tịt, ai đó là thứ ngốc nghếch. Chúng ta có thể tuyên bố xử bắn ai đó, luộc ai đó trong vạc dầu, chôn sống ai đó, bắt ai đó phải tự tử, bắt ai đó phải trở về nhà với gia đình; chúng ta còn nói xấu những ai không thuộc giống nòi của chúng ta. Thái độ của chúng ta là thô lỗ và vô lý, thậm chí đến mức chúng ta phải choảng lẫn nhau; chúng ta có thể mượn tên của chính nghĩa để bày tỏ những phàn nàn cá nhân không đáng; chúng ta có thể không thích chấp nhận bất kỳ những ai đứng ra làm trung gian bất kể địa vị hay cá nhân của họ, chúng ta có thể theo một đường lối cứng rắn không thoả hiệp, không khoan nhượng, và không hợp tác – quá khích mù quáng, hận thù mù quáng- đến nỗi phong trào phản kháng đã leo thang từ những yêu cầu sửa sai cụ thể, đến sự hận thù muốn lật đổ chính quyền và tống cổ Đặng Tiểu Bình đi. Đồng thời chúng ta tự đẩy mình vào một tình thế không có lối thoát, chúng ta buộc chính quyền, mà lập trường ban đầu của họ là đối thoại và thoả hiệp, vào hoàn cảnh chẳng đặng đừng là dùng quân đội đàn áp phong trào ôn hoà. Cùng với chính quyền, mà chịu trách nhiệm về tội ác bắn giết nhân dân, phải chăng chúng ta, “những chiến sĩ dân chủ”, những người rất tự tin về chính nghĩa của mình, những người góp phần tạo ra bi kịch đẫm máu cuối cùng ấy lại chẳng chịu trách nhiệm đạo đức nào hay sao? Căm thù, quá khích, không khoan nhượng – đây chính xác là những phẩm chất cách mạng Mao Trạch Đông đã kêu gọi một cách rất tự tin; đây chính xác là nơi tập trung toàn bộ cốt lõi của văn hoá chính trị đấu tranh giai cấp. Cách mạng phải được tiến hành một cách không giao động đến cùng. Bất kỳ ai ủng hộ triệt tiêu căm thù hay muốn đạt đến thoả thuận thông qua thoả hiệp và nhân nhượng là kẻ hèn nhát, là tên phản bội, hay là tên cướp có học vị. Kết quả là lời thề của chúng ta quyết tử để bảo vệ Thiên An Môn -quyết tâm của chúng ta để sống hay chết với Quảng trường -trở thành sự thương lượng, thoả hiệp, và rút lui ôn hoà lần cuối cùng khi mối đe doạ của tử thần thật sự đến.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Bây giờ, chúng ta nói láo thản nhiên, tung tin đồn ngay giữa thanh thiên bạch nhật; gặp những ai quan tâm liền khẳng định việc nói láo của mình là đúng; tuyên bố một cách vô trách nhiệm: “Đặng Tiểu Bình đã chết”; “Lý Bằng đã bỏ chạy”; “Dương Thượng Côn bị thương”;”Triệu Tử Dương đã trở lại”; “Vạn Lý đã lập chính phủ mới ở Canada”; “Mười hai cán bộ của Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố rút lui ra khỏi chính phủ hiện nay”; “Quảng Đông và các khu tự trị thiểu số đã tuyên bố Độc lập”; “Binh đoàn Hai Mươi Bảy và Ba Mươi Tám bắt đầu giao chiến”; vân vân. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, trở thành nơi hội tụ và phát tán các lời nói láo và các tin đồn. Lời nói láo càng láo thì càng được nói đến, còn tin đồn có nguồn gốc càng không chắc chắn thì bất ngờ trở thành lực đẩy của phong trào. Chúng làm cho những hành động quá khích dường như hợp lý hơn, nâng cao hy vọng chiến thắng hão huyền của nhân dân, và khiến chúng ta không tài nào biết được chuyện gì thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc. Sau ngày 4 tháng Sáu, các “chiến sĩ dân chủ” chạy thoát ra nước ngoài đã cố ý bóp méo các sự việc để phóng đại lên sự tàn bạo và độc ác của Đảng Cộng sản và qua đó tạo cho mình hình ảnh anh hùng của những con người đã vượt thoát ra được cơn tắm máu; họ đã làm hoen ố bề mặt nhuộm máu của Quảng trường Thiên An Môn và lừa dối dư luận quốc tế. Dòng thời gian thăng trầm dần dần đã trả sân khấu ban đầu này lại cho lịch sử, và sau khi nhân dân có thể hiểu đúng phong trào phản đối năm 1989, những hậu quả tàn nhẫn cùng bi kịch do các lời nói láo và các tin đồn năm xưa tạo ra sẽ tan dần đi.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Chúng ta có thể coi trọng chỉ tự do ngôn luận của riêng mình thôi, trong khi đó tước đi ở những người khác quyền tự do ngôn luận này. Chúng ta chẳng khác gì Mao Trạch Đông trước đây, không cho phép tồn tại bất kỳ ý kiến nào khác với mình. Còn về các hành động của chúng ta, chúng ta chỉ có thể hình dung ra sự ủng hộ của những kẻ khác dành cho cho các hành động của chúng ta thôi; ngoài ra không ai có thể được chỉ trích các hành động của chúng ta. Về điểm này, giống công an Đảng Cộng sản, chúng ta buộc các nhà báo không được chụp những hình nào không có lợi cho chúng ta hay có thể tổn hại đến hình ảnh của chúng ta. Khi các nhà báo la to lên “tự do báo chí” và vẫn chụp hình, chúng ta liền giật phăng một cách thô bạo các máy ảnh từ tay các nhà báo, rồi mở máy ảnh rút phim đưa ra ngoài ánh sáng. Chúng ta đôi lúc còn đập tan tành các dụng cụ chụp hình của các nhà báo. Chúng ta chỉ nghĩ đến các quyền và sự an toàn riêng của mình. Bất kỳ hành vi nào đe dọa đến sự an toàn và các quyền của chúng ta, cho dù hành vi ấy có chính đáng hay hợp pháp, chúng ta đều quyết tâm chấm dứt nó. Để chính quyền không thể lợi dụng một hành động phá hoại tài sản công cộng như là cái cớ để đè bẹp phong trào, chúng ta đã áp giải ba người đã làm bẩn bức chân dung của Mao Trạch Đông treo tại Quảng trường đến sở công an, kết quả là họ bị Đảng Cộng sản kết án tù 20 năm, 18 năm, và 15 năm. Phải chăng họ đã không thực thi chính các quyền của họ? Phải chăng họ thật sự đáng ở tù?

Thậm chí điều bi kịch hơn cả là chính nghĩa tự cho mình đúng của phong trào phản kháng năm 1989 đã gần như là mối đe dọa cho mọi người. Những người có ý khiến khác biệt đều trở nên im lặng dưới áp lực của chính nghĩa tự cho mình đúng này. Những ai không dám nói khác và không muốn tham gia vào phong trào cuối cùng cũng xuống đường vì họ sợ bị xem là tên hèn nhát hay kẻ phá bĩnh. Cuộc tuyệt thực biến các sinh viên đại học thành các vị thánh cách mạng không ai có thể chỉ trích được. Ở mức độ nào đó, ta có thể nói rằng cuộc tuyệt thực của sinh viên không chỉ đặt cho chính quyền vào một tình thế khó xử; mà cũng đặt cho xã hội một vấn đề khó xử. Khi người ta nhìn thấy cảnh các sinh viên trẻ trả giá bằng chính sinh mệnh của mình để chống lại chính quyền chuyên chế, thử hỏi có ai đành lòng nói “không”? Những ai có thể nói “không”, hay những ai mà cõi lòng họ không bị xúc động trước quyết tâm như thế, đều không có lương tâm. Những ai nghi ngờ tấm lòng thành thật tuyệt đối của sinh viên đều là kẻ đồng loã với chính quyền. Cuộc tuyệt thực đã khiến cho đa số mọi người tạm thời bỏ quên lý trí và đã khiến một thiểu số rất nhỏ tuy vẫn còn giữ được lý trí nhưng lại trở nên im lặng. Ngay cả đến một vài người còn tỉnh táo cũng băn khoăn phải chăng sự bình thản của mình biết đâu là biểu hiện của sự thiếu lòng trắc ẩn cơ bản.

Dân chủ được ca tụng trong suốt phong trào phản kháng năm 1989 chỉ có một lượng rất nhỏ chính nghĩa hợp lý, thực tế. Trong suốt phong trào, chúng ta đã điên cuồng theo đuổi chính nghĩa trừu tượng, mù quáng mà bỏ rơi chính nghĩa hợp lý, đích thực.

Ước gì ngày Bốn tháng Sáu là “chính nghĩa” mù quáng cuối cùng

Thất bại của phong trào phản kháng năm 1989 không chỉ ở đổ máu, ở những cái chết sau đó, và ở đợt trấn áp dữ dội phong trào quần chúng tự phát, mức độ lớn; thất bại cũng ở sự thù nghịch mãnh liệt phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào. Sự leo thang này dẫn tới việc trì hoãn quá trình cải cách và làm suy yếu lòng tin tưởng của nhân dân vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Đồng thời nó cũng làm gián đoạn quá trình mà qua đó Đảng cai trị dần dần dân chủ hoá và cải cách chính mình, vì thế Trung Quốc phải chịu sự đảo ngược toàn bộ sự tự cải cách của Đảng. Bầu không khí thư giãn vào đầu năm 1989 không còn nữa, thay thế vào đó là bầu không khí thù nghịch, căng thẳng, và khủng bố. Sau ngày 4 tháng Sáu, năm 1989, việc tái tổ chức kiểm soát chính trị đã khiến nền kinh tế trì trệ. Khái niệm đấu tranh giai cấp được đề cao trở lại đã làm cho cải cách chính trị trở thành một vấn đề rất nhạy cảm. Tử khí dưới thời Mao Trạch Đông lại bay lơ lửng trên mặt đất bao la của Trung Quốc. Mối căm thù chôn vùi trong lòng của quần chúng từ sự kiện đẫm máu này sẽ bộc phát ra ngay khi cơ hội đến. Mặc dù Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì đường lối cải cách và Chuyến Công du miền Nam của ông đã kích thích sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế, nhưng sự kiểm soát chính trị chặt chẽ theo sau các sự kiện ngày 4 tháng Sáu đã dẫn đến sự phát triển không bình thường trong quá trình hiện đại hoá Trung Quốc, và việc Triệu Tử Dương bị tước quyền bảo đảm rằng cuộc đấu đá quyền lực theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình sẽ rất nguy hiểm. Do Triệu Tử Dương, một người có lương tâm mạnh mẽ, bị tước quyền, khủng hoảng đã xuất hiện xung quanh cuộc chuyển giao quyền lực mà đáng lẽ ra nên êm thắm và ổn định. Tâm lý “tận cùng thế kỷ” hơi hoang tưởng đã khiến người dân chỉ nghĩ đến chuyện thu vén càng thật nhiều (từ cuộc cải cách vẫn đang còn) trước khi tai ương giáng xuống. Quần chúng ý thức sâu sắc rằng cơ may cuối cùng gắn liền với sức khoẻ của Đặng Tiểu Bình. Nếu cơ may này bị bỏ lỡ, họ sẽ trở thành những con tốt hy sinh vô nghĩa trong thế giới hỗn loạn sẽ theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình. Cái sợ hoang tưởng ám ảnh “tận cùng thế kỷ” này không thể biến mất đơn thuần chỉ qua phát triển kinh tế. Đồng thời, các nỗi sợ về chính trị của chính Đảng cầm quyền không thể biến mất và mối căm thù của quần chúng cũng không thể dịu đi qua ổn định xã hội hay qua kinh tế phồn thịnh hay nâng cao mức sống. Các nỗi sợ về chính trị của Đảng cầm quyền và cái sợ hoang tưởng “tận cùng thế kỷ” của quần chúng đã làm cho viễn cảnh Trung Quốc có thể tiến bước êm thắm và không ngừng tới một xã hội dân chủ và hiện đại hoá là chuyện rất không tưởng. Nếu Đảng cầm quyền và toàn thể nhân dân không chấm dứt sự căm thù lẫn nhau của họ ngay từ bây giờ để đạt đến hợp tác xã hội,[2] lòng căm thù và nỗi sợ hãi của hai bên sẽ không thể nào tan biến được. Khi ngày mất của Đặng Tiểu Bình cận kề, những căm thù và sợ hãi này sẽ trở nên càng ngày càng không đội trời chung hơn, từ đấy đưa đến những biến động xã hội nhanh hơn thay vì chậm hơn.

Vì vậy, chấm dứt thù địch, từ bỏ sợ hãi, đạt đến hợp tác xã hội, và đưa Trung Quốc tiến êm thắm và không ngừng đến xã hội hiện đại, dân chủ không thể chỉ phụ thuộc vào việc Đảng cầm quyền quyết tâm thực hiện tự cải cách và thay đổi hình ảnh của Đảng trong lòng dân; thực hiện những mục tiêu này cũng còn phụ thuộc vào hợp tác của các nhóm đối lập trong nhân dân. Nhờ sự hợp tác này, tự cải cách có thể dần dần thành công. Ổn định hiện nay ở Trung Quốc có lẽ là cơ hộ cuối cùng của chúng ta. Đảng cầm quyền phải thừa nhận rằng (1) dân chủ hoá chính trị của chính Đảng không chỉ là chiều hướng được lương tâm nhân dân tán đồng mà đó cũng là khuynh hướng chung của các sự kiện trên thế giới và rằng (2) tốt nhất là Đảng nên tự ý thức mà thay đổi mình còn hơn là buộc phải thay đổi do tác động từ các yếu tố bên ngoài. Người duy nhất có thể cứu Đảng Cộng sản là chính Đảng Cộng sản. Nếu Đảng dần dần, từng bước một, cải cách mình và tiến đến dân chủ hoá, Đảng Cộng sản sẽ tồn tại. Nhưng nếu Đảng tiếp tục duy trì chế độ chuyên chế độc đảng, Đảng Cộng sản sẽ lụi tàn. Đồng thời, các nhóm đối lập trong nhân dân không nên đẩy Đảng ra khỏi vị trí cầm quyền; ngược lại, trong khi Đảng Cộng sản đang thực hiện tự cải cách, những nhóm này nên khuyến khích những thay đổi dưới sự cầm quyền của Đảng. Đối với Đảng cầm quyền và đối với quần chúng, đây là sự chọn lựa chín chắn nhất trong giai đoạn đổi thay toàn diện và mau lẹ.

Trong suốt quá trình này, Đảng cầm quyền nên nghiêm túc cân nhắc việc đi lá bài chính trị – lá bài ngày Bốn tháng Sáu. Không ai có thể né tránh mãi sự đánh giá lại vụ Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu. Lá bài ngày Bốn tháng Sáu phải được đưa ra. Vấn đề rất quan trọng là – lá bài này được đi như như thế nào? Và khi nào ta nên trình bài ra? Như một sửa sai bất ngờ sau cái chết của Đặng Tiểu Bình? Hay ngay từ bây giờ Đảng cầm quyền từ từ giảm bớt niềm bất mãn và oán hận tích tụ trong lòng dân về vụ ngày Bốn tháng Sáu? Nên chăng cho tiến hành điều tra khẩn cấp vụ đổ máu này để truy cứu trách nhiệm hình sự? Hay nên chăng cứ hoãn cuộc điều tra lại? Tôi cho rằng chọn lựa khôn ngoan nhất là cách sau cùng. Không cần thiết phải có các bình luận xã hội, không cần tổ chức họp hành to tát, và không cần công bố trước dân chúng. Tất cả những gì cần làm là hãy bồi thường kín đáo cho thân nhân của các nạn nhân ngày Bốn tháng Sáu; thả tất cả những tù nhân chính trị ngày Bốn tháng Sáu; hồi phục các chức vụ cũ cho những người bị đối xử bất công vì ngày Bốn tháng Sáu; dần dần thuyên chuyển công tác rồi xuống chức những kẻ đã ngoi lên quyền lực từ máu của ngày Bốn tháng Sáu; và cho phép những người trốn ra nước ngoài vì ngày Bốn tháng Sáu an toàn trở về nước. Tất cả điều này, tôi tin, là phần cần thiết cho sự thay đổi hình ảnh của Đảng cầm quyền, là phần của sự dân chủ hoá của Đảng, là phần của những gì sẽ thu phục được lòng dân. Nếu Đảng cầm quyền không bắt đầu ngay từ bây giờ, nếu sau cái chết của Đặng Tiểu Bình có nhà chính trị nào đấy dựa vào sự sửa sai bất ngờ về những sai lầm ngày Bốn tháng Sáu để tranh đoạt quyền lực, thì tai hoạ không chỉ có thể sẽ xảy đến cho nhà chính trị này, mà còn cho cả Trung Quốc. Những hậu quả bùng phát từ sự sửa sai bất ngờ nằm ở ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Cơn lũ thù hận sẽ dìm chết tất cả những kẻ nào muốn dự phần trong bữa tiệc máu ngày Bốn tháng Sáu. Ở Trung Quốc tương lai, nói cách khác, những ai ra trận với ánh đao gươm sáng lạnh, vì muốn dẹp tan bao bất bình oan trái của ngày Bốn tháng Sáu, biết đâu có thể gây ra một cơn đổ máu khác còn lớn hơn, còn tàn nhẫn hơn nhiều. Biết đâu lại là một lần tắm máu.

Ở Trung Quốc ngày nay, năm năm sau vụ đổ máu ngày Bốn tháng Sáu…, trong một Trung Quốc đang đầy lo sợ thời điểm tận cùng của thế kỷ- có nhiều việc cần phải được hòa giải. Tôi không biết liệu chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người đã nhập vai những bậc thánh cách mạng và vai các ngôi sao dân chủ trong hai tháng trời có thể đánh giá lại một cách hợp lý, bình tâm, công bằng và thực tế những gì chúng ta đã làm và đã suy nghĩ trong năm 1989; tôi không biết liệu chúng ta có thể đối diện với hiện thực Trung Quốc đang có nhiều cuộc khủng hoảng xuất hiện từ khắp mọi phía mà thấy lòng mình còn đủ can đảm để theo đuổi kiên trì kế hoạch khả thi cho cải cách lâu dài bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Nếu được như vậy, thì cho dù sức ta có tàn kiệt, máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ không chảy đi hoài phí – máu vẫn còn đặc hơn nước lã. Còn không được như vậy, thì cao nhất máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ có thể nuôi béo những kẻ hút máu chẳng còn biết xấu hổ.

Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là chính quyền cuối cùng của Trung Quốc trong đó mỗi người đều tự xem mình là chính khách.

Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là cảnh tượng hoành tráng của chính nghĩa mù quáng tự cho mình đúng cuối cùng của Trung Quốc.

L. H. B.

Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Hãy nghe và nói theo cách của mình !

Lưu trữ Blog