Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Miến Điện đi theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông Tổng thống Miến Điện Thein Sein nâng ly cùng chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân

Miến Điện đi theo lập trường của Trung Quốc về Biển Đông
.
REUTERS/David GrayTrọng Nghĩa
Phải chăng chính sách chia để trị của Trung Quốc nhắm vào các nước Đông Nam Á đã lại gặt hái thêm thành công với hậu thuẫn của Miến Điện trên hồ sơ Biển Đông? Nhân chuyến công du Trung Quốc vừa qua, tổng thống Miến Điện Thein Sein đã công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cho dù hai đồng minh Việt Nam và Philippines liên tiếp bị Bắc Kinh chèn ép. Theo các nhà phân tích, thái độ của Miến Điện đe dọa sự thống nhất của ASEAN.

Từ khi một chính quyền mang vỏ bọc dân sự lên cầm quyền tại Miến Điện, Trung Quốc đã liên tiếp tìm cách lôi kéo nước này. Thượng khách nước ngoài đầu tiên chính thức đến thăm Miến Điện sau khi Tổng thống Thein Sein nhậm chức là ông Giả Khánh Lâm, nhân vật số 4 trong chính quyền Bắc Kinh, mang theo hàng tỷ đô la tín dụng. Vào tuần trước, Trung Quốc lại trải thảm đỏ để đón Tổng thống Miến Điện, nhân một chuyến quốc du ba ngày và hai bên đã quyết định nâng quan hệ song phương lên một “tầm mức chiến lược”,

Điều được các nhà quan sát ghi nhận là thái độ thần phục Trung Quốc của nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Theo nhật báo Irrawady của người Miến Điện lưu vong tại Thái Lan, một trong những mục tiêu quan trọng mà ông Thein Sein đề ra trong chuyến công du Trung Quốc là tìm kiếm hậu thuẫn của Bắc Kinh trong quan hệ giữa Miến Điện với khối ASEAN.

Một cách cụ thể là tổng thống Miến Điện muốn được Trung Quốc ủng hộ trong việc Miến Điện đòi quyền chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Đông Nam Á vào năm 2014. Và để tranh thủ Bắc Kinh, ông Thein Sein đã cam kết với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là chính phủ của ông tiếp tục duy trì chính sách “Một nước Trung Quốc”, đồng thời hậu thuẫn Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông.

Quan điểm “một nước Trung Quốc” không có gì đáng nói vì nước nào quan hệ với Trung Quốc cũng đều chấp nhận chính sách này. Điểm đáng chú ý là tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của ông Thein Sein, vì điều này mặc nhiên phá hoại đoàn kết nội bộ ASEAN, mà Miến Điện là một thành viên.

Trước hết, tuyên bố của Tổng thống Miến Điện được đưa ra đúng vào lúc căng thẳng nẩy sinh giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau vụ tầu thăm dò của hãng PetroVietnam bị tàu hải giám của Trung Quốc phá hoại tại một vùng biển của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Trước đó, tàu thăm dò dầu khí cho một thành viên khác của ASEAN là Philippines cũng bị tàu Trung Quốc sách nhiễu và đuổi khỏi khu vực đang hoạt động thuộc quyền kiểm soát của Manila, những cũng bị Bắc Kinh tranh chấp.

Khi ủng hộ chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Miến Điện mặc nhiên xem nhẹ các đòi hỏi của các đồng minh trong khối ASEAN.

Mặt khác, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết vào năm 2002 một bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Miến Điện, với tư cách là thành viên Hiệp hội Đông Nam Á, có nhiệm vụ tuân thủ văn kiện này và giữ vai trò trung lập trong tranh chấp ASEAN-Trung Quốc. Thế nhưng lần này, Miến Điện lại đứng hẳn về phía Trung Quốc.

Ngoài ra, việc ông Thein Sein ủng hộ Trung Quốc trong vùng Biển Đông có thể làm suy yếu sự thống nhất của ASEAN và không phù hợp với tinh thần bản “Tuyên bố chung về Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng toàn cầu của các quốc gia”, vừa được toàn thể các lãnh đạo Đông Nam Á thông qua nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia đầu tháng năm.

Theo bản tuyên bố đó, ASEAN đang nỗ lực tiến tới một cương lĩnh chung vào năm 2022 để có được “một quan điểm có phối hợp hơn, thuần nhất hơn của toàn khối về các vấn đề toàn cầu mà các nước cùng quan tâm, dựa trên một quan điểm chung của ASEAN, qua đó tiếp tục tăng cường giá trị tiếng nói của ASEAN trong các diễn đàn đa phương.”

Trong bối cảnh các thành viên ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và cả Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm đồng thuận trong toàn khối để chống lại sức ép thô bạo của Trung Quốc, hành động có thể gọi là “ăn mảnh” của Miến Điện là một mối đe dọa rất lớn. Lý do rất đơn giản. ASEAN vận hành theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu không được toàn thể thành viên ASEAN chấp thuận thì bất kỳ một đề xuất nào cũng có thể bị bác bỏ.

Từ trước đến nay, trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn luôn tìm cách chia rẽ khối ASEAN để dễ bề thao túng. Việc Tổng thống Miến Điện ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh có thể được xem là một thành công mới của Trung Quốc trong âm mưu đó.


tags: Biển Đông - Châu Á - Chính trị - Miến Điện - Phân tích - Trung Quốc
InGửi trang nàyLưu trữChia sẻ

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ độc đảng

Trong một thể chế độc đảng như vậy, không thể có tam quyền phân lập, tức là ngành tư pháp sẽ không bao giờ được độc lập, nếu không sửa đổi Hiến pháp hiện hành, trong đó có điều khoản về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là điều mà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ( người đã dám kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ra quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên ) nhấn mạnh trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ, được thực hiện vào tuần trước:

« Nền Cộng hòa, được đặc trưng bởi tam quyền phân lập, hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập với nhau, lẽ ra phải được vận dụng và người dân phải được quyền sử dụng ba quyền đó để được phục vụ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam, hành pháp là cha, là mẹ của tư pháp. Ví dụ như ngành tòa án, mà người ta coi là đại diện cho công lý và người dân có quyền đưa ra tòa người gây thiệt hại cho mình, nhưng trên thực tế, tòa không hoàn thành một chút nào nhiệm vụ của mình trong các vụ kiện cùa dân đối với cơ quan hành chính.

Tại sao ? Thứ nhất là chế độ độc đảng đã xóa hết ranh giới, cái độc lập giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp, bởi vì tất cả cơ quan nào càng cao, từ thẩm phán trở lên đều do đảng viên nắm. Cho nên khi định xử chính quyền, thì chính quyền lại có cấp bậc đảng cao hơn hoặc họ gây sức ép lên ngành tòa án, cho nên tòa án không xử được chính quyền.

Như chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy, trên nguyên tắc, tòa án phải xử được thủ tướng, đúng sai chưa biết. Theo đơn của Cù Huy Hà Vũ ngày 11/6, tòa cứ theo đó mà trát thủ tướng ra tòa. Thế nhưng, tòa án đã không làm nổi điều đó, không thụ lý đơn của tôi, mà cũng không trả lại đơn của tôi, tức là lúng túng như gà mắc tóc. Là bởi vì sao ? Là bởi vì về cấp bậc thì thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ủy viên Bộ Chính trị, còn anh Trương Hòa Bình là Chánh án Tòa án Tối cao, nghe có vẻ to lắm, nhưng thật ra chì là ủy viên trung ương. Trong hệ thống quyền lực của Đảng, Bộ Chinh trị đè bẹp ủy viên trung ương, là cha là mẹ của ủy viên trung ương, thế thì làm sao con có thể xử được bố. Đấy là mâu thuẩn lớn nhất : quyền lực do Đảng nắm.

Thứ hai, trong tổ chức cụ thể, các thẩm phán, từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh đều được phải được Hội đồng nhân dân bổ nhiệm hàng năm. Một thẩm phán nào đó lôi chính quyền ra xử. Tôi chưa nói là đúng hay sai, nhưng là xử theo đơn kiện của dân, thì vị thẩm phán đó sẽ bị trả thù ngay lập tức. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thường là do bí thư huyện ủy, tỉnh ủy, thành uỷ kiêm luôn, thành ra họ sẽ bảo rằng : Đấy, nhân vật này xử cái vụ dân kiện chính quyền tức là đồng lõa với dân để chống lại chính quyền. Mục tiêu của họ là các nhóm lợi ích trong Đảng, chứ không phải cho dân. Tôi chưa nói đến sự tham nhũng có thể làm tha hóa đến cao độ. Tôi có thể nói là 100 phần trăm, 1000 phần trăm thẩm phán ở Việt Nam là tham nhũng, thối nát. Có thể trên 1000 người, may ra có vài người còn lương tri, không làm những chuyện đó.

Cho nên với tư cách người làm công tác pháp luật, đã bảo vệ dân trong rất nhiều vụ kiện chính quyền, tôi đã nhận thức rằng, một thể chế mà chỉ có một Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại và hơn thế nữa, nắm quyền lãnh đạo vĩnh cửu, cái gọi là tam quyền phân lập đó không bao giờ có. »
Thành ra, theo ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề mấu chốt hiện nay của Việt Nam đó là độc đảng. Ông đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này với sự giám sát của Liên hiệp quốc:

« Quốc hội hiện nay với cơ cấu là đảng viên chiếm 90% trở lên và bộ máy cao nhất của Đảng Cộng sản là Bộ Chính trị. Thế thì, một khi Bộ Chính trị đã không cho cải cách tư pháp, hay nói cách khác, không cho sửa đổi cái gì có lợi cho dân, có hại cho mình, thì làm thế nào mà các đảng viên có thể tự tiện đặt ra vấn đề sửa đổi Hiến pháp được ?

Vậy thì không cải thiện được chăng ? Không. Tôi nghĩ rằng có thể cải thiện được, vì thứ nhất, trong Hiến pháp có một quy định rất quan trọng đó là trưng cầu dân ý. Cái đầu tiên của mọi cái đầu tiên là độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng CS Việt Nam có xứng đáng để lãnh đạo hay không, Đảng CS Việt Nam có tốt hay không ? Muốn biết rõ ràng thì phải hỏi ý kiến dân thông qua trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, như các cuộc bầu cử đã diễn ra và bản thân tôi cũng từng ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi đã được thực tế cho thấy rằng cái Đảng Cộng sản này, bằng mọi biện pháp, đè bẹp mọi ứng cử viên không phải là ứng cử viên ngoài đảng do họ lựa chọn. Vậy thì tiến hành trưng cầu dân ý, nếu vẫn do Đảng tổ chức, kết quả cũng sẽ không khác gì bầu cử Quốc hội do Đảng CS tổ chức và kiểm soát.

Cho nên, tôi mong rằng , tổ chức trưng cầu dân ý phải có sự kiểm soát khách quan và trong trường hợp này, tôi đề nghị sự trợ giúp của Liên hiệp quốc và kết quả chỉ cần 50% số phiếu hợp lệ, cộng thêm một phiếu nữa, khẳng định rằng Đảng CS Việt Nam xứng đáng tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. Tôi cũng nói ngay rằng ban lãnh đạo Đảng CS Việt Nam không việc gì phải sợ cả. Liên hiệp quốc là gì ? Là một tổ chức mà Việt Nam đã tham gia, tức là đã đặt trọn niềm tin vào tổ chức đó, thì không có lý do gì nghi ngờ, thậm chí hoảng sợ về vai trò của Liên hiệp quốc trong một cuộc trưng cầu dân ý tương lai ở Việt Nam.

Tóm lại, tôi cho rằng bước đi đầu tiên của cải cách tư pháp ( cải cách một cách cơ bản, chứ không phải nhỏ nhỏ, mang tính chất kéo dài thời gian, « câu giờ », để cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản tồn tại càng lâu càng tốt ), cần phải đến lúc này đây, đứng trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc, đứng trước những nguy cơ như thế, người dân Việt Nam và bản thân tôi, Cù Huy Hà Vũ, quyết định có thái độ dứt khoát, quyết liệt, mạnh mẽ, yêu cầu ban lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi, thực hiện sớm nhất có thể tiến trình dân chủ, bằng cách trong năm sau tiến hành trưng cầu dân ý về vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam, được quy định tại điều 4.

Nếu trong cuộc trưng cầu dân ý, có sự giám sát của Liên hiệp quốc, mà Đảng Cộng sản Việt Nam được 50%+1 lá phiếu ủng hộ mình thì tôi cho rằng không một thế lực nào, từ trong nước ra ngoài nước có thể chê bai hoặc phá hoại nỗ lực. Trong trường hợp đó, tôi là người, tuy có thể có quan điểm khác biệt với Đảng CS Việt Nam, sẽ kêu gọi mọi người ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được đa số công dân Việt Nam trong nước bỏ phiếu tín nhiệm.”

Nhưng chắc chắn là ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý như thế và Đại hội Đảng, mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới, cũng sẽ chẳng mang lại thay đổi gì đáng kể về mặt thể chế. Có điều, cùng với đà hội nhập thế giới, hệ thống luật pháp Việt Nam ngày càng bộc lộ những mâu thuẩn, những đòi hỏi cải cách, mà nếu không sửa đổi Hiến pháp thì đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ ở vào thế vi phạm các cam kết quốc tế và sự vận hành của quốc gia sẽ gặp bế tắc, hay ít ra là không còn hiệu quả nữa.

Theo dndhd

____________________________

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bài xã luận nhân Ngày Nhân quyền cho Việt Nam. Bài này phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.


Cách đây 17 năm, Quốc hội Mỹ ấn định ngày 11 tháng 5 là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích những quyền tự do căn bản tại Việt Nam. Một buổi lễ và một diễn đàn thảo luận được tổ chức hôm nay để đánh dấu ngày này tại Điện Capitol, với sự tham dự của các thành viên Quốc hội, các lãnh tụ công đoàn, những tổ chức phi chính phủ và đại diện của cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ.

Ngày này đánh dấu một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong việc bênh vực nhân quyền tại Việt Nam. Vào ngày 11 tháng 5 năm 1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những nhà tranh đấu khác công bố “Tuyên ngôn của Phong trào bất bạo động tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam.” Bản Tuyên ngôn kêu gọi tranh đấu ôn hòa chống lại những áp bức và kêu gọi chính phủ tôn trọng những quyền căn bản của con người, chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng và cho phép bầu cử tự do và công bằng. Bác sĩ Quế và những người đồng chí hướng bị bắt và bị buộc tội chống phá nhà nước. Bác sĩ Quế bị giam giữ tại gia kể từ năm 2005.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến một bước dài bình thường hóa các mối quan hệ và tăng cường mậu dịch, và tăng trưởng kinh tế đã cải thiện đáng kể đời sống hàng ngày của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội vẫn còn chựng lại. Trong khi có một số tiến bộ về việc nới rộng quyền tự do tôn giáo, chính phủ tiếp tục hạn chế nghiêm nhặt quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí và không dung thứ việc chỉ trích chính phủ và đảng Cộng sản. Đối với chính phủ Hoa Kỳ, những khác biệt về nhân quyền là khó khăn chính yếu trong việc phát triển thêm nữa mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh và nếu chính phủ tại Hà Nội cho phép dân chúng bày tỏ ý kiến nhiều hơn nữa, điều này sẽ làm cho đất nước mạnh hơn.

* Bài xã luận "Ngày Nhân quyền cho Việt Nam" phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Trích dẫn sai!

Thứ tư, 11 Tháng 5 2011 09:45

Báo CAND mới đăng bài viết chỉ trích Gs Ngô Bảo Châu và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tôi không bàn đến nội dung bài viết, chỉ muốn chỉ ra một trích dẫn sai, nhưng có ý nghĩa không nhỏ.


Trong đoạn cuối của bài viết, tác giả viết: “Ngạn ngữ Hy Lạp nói: ‘Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần’.” Trích dẫn này sai. Không có câu ngạn ngữ Hi Lạp nào nói như thế cả. Ngạn ngữ Hi Lạp nói rằng “When the gods seek to destroy someone, first they make him mad”. Cũng có phiên bản viết “Those whom the gods wish to destroy they first make mad/angry”, "He whom the Gods wish to destroy, first makes angry". Tạm dịch là “Khi các thần linh muốn tiêu diệt một ai, họ sẽ làm cho người đó điên lên”. Gods ở đây nên hiểu là thần linh, chứ không phải Thượng đế (một số đạo chỉ tin có 1 Thượng đế, chứ không có nhiều thượng đế). Làm cho điên khùng, chứ không biến thành một vị thần như tác giả viết/hiểu.


Câu này được trích dẫn nhiều lần trong quá khứ, nhưng hình như nghĩa của nó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Ngày xưa, người ta nghĩ thần thánh rất ác ôn, nên mới có chữ "destroy" (tiêu hủy, tiêu diệt). Theo câu ngạn ngữ, thì để diệt ai đó, các thần linh sẽ trước hết làm cho người đó nổi giận, nổi điên lên. Còn sau đó, thần linh làm gì thì chúng ta không biết, nhưng chắc là hành động không tốt mấy. Đặt trong bối cảnh, câu ngạn ngữ có tính cách cảnh báo. Ngày nay, chúng ta biết rằng không có thần linh hay thượng đế nào cả (ít ra là tôi nghĩ thế, vì không có bằng chứng). Do đó, câu nói trên cho biết nếu chúng ta đang thấy ai nổi nóng, thì người đó đang tự hủy diệt mình. Câu này xem ra ứng nghiệm với những ai đang nổi nóng với Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ. :-)

Hình như Khổng Tử cũng từng nói đại khái rằng một người nóng giận thì trong người đầy độc tố. Nên tránh xa người đó!


NVT

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

LUẬT SƯ NGUYỄN MẠNH TUỜNG cho biết :
” CSVN rất sợ Pháp luật . Cái gọi là Pháp luật chĩ là vũ khí theo thoả hiệp cuả từng giai đoạn. ”
“Theo đuôi hay chạy theo những thũ đoạn lưà bịp của CSVN là nạp đuỗi theo bóng ma. Bóng ma có tác dụng làm chệch huớng đấu tranh cuả
trào lưu dân chủ đang dâng . “

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011


VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ: TRÓT VÌ TAY ĐÃ NHÚNG CHÀM……
Posted on Tháng Năm 1, 2011 by admin
Sau hết xin kết luận: Bất kể Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chọn thượng, trung hay hạ sách, bất kể kết quả của phiên tòa phúc thẩm xử Cù Huy Hà Vũ sắp tới, lịch sử Việt Nam đã đi vào một khúc quanh quyết định và sự toàn thắng của Chính Nghĩa Dân Tộc, lý tưởng Dân Chủ Tự Do đã đến thật gần.



Bài 1

VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ: TRÓT VÌ TAY ĐÃ NHÚNG CHÀM……

Bản án 7 năm tù giam + 3 năm quản chế ngày 4 tháng 4 năm 2011 không kết thúc vụ án Cù Huy Hà Vũ. Không phải vì Cù Huy Hà Vũ đã kháng cáo nên sẽ có thêm một phiên tòa phúc thẩm mà chủ yếu bởi vì vụ án càng ngày càng tạo ra những đợt sóng phản đối ở trong và ngoài Việt Nam. Và xem chừng những đợt sóng ngầm còn nguy hiểm cho chế độ hơn cả những đợt sóng đã xuất hiện. Tất nhiên nhà cầm quyền Cộng Sảnphải tìm mọi cách ngăn chặn không cho vụ án biến thành một cuộc khủng hoảng quá lớn dẫn tới rối loạn và sụp đổ. Công việc này đã trở nên khó khăn và phức tạp hơn là họ ước tính lúc đầu. Có hai lý do chính:


- Thứ nhất là vụ án xẩy ra đúng vào lúc tình hình kinh tế xã hội rất căng thẳng. Dân chúng tức giận vì vật giá leo thang quá mức khiến cuộc sống khốn đốn trong khi đó cán bộ Đảng viên có chức có quyền chỉ lo tham nhũng, hối lộ và trụy lạc. Mặt khác đầu tư nước ngoài đã sụt giảm nhanh chóng, ngân sách quốc gia trống rỗng không đủ trả lương và trả nợ, dự trữ ngoại tệ xuống thấp đến mức báo động (hiện chỉ còn khoảng 12 tỉ đô la, chưa đủ trang trải việc nhập cảng hàng hóa nguyên liệu trong 2 tháng). Sự thiếu hụt khiến Việt Nam phải trông chờ và lệ thuộc vào những khoản viện trợ, vay mượn, tiếp tế từ bên ngoài có nguồn gốc từ các nước Tây phương, gồm cả Mỹ, Nhật Bản và khối người Việt sống ở nước ngoài. Vì thế bộc lộ những nhược điểm không còn che dấu được.

- Thứ hai là trong vụ án Cù Huy Hà Vũ nhà cầm quyền Cộng Sản đã phạm những sai lầm đầu tiên cực kỳ quan trọng. Đó là sự kiện cả một guồng máy quyền lực gồm lực lượng công an, hệ thống báo chí, truyền thông và hệ thống tòa án đều do Đảng kiểm soát bị “bắt quả tang” đã sử dụng những thủ đoạn rất hạ cấp và phi pháp để triệt hạ một người trí thức yêu nước được nhiều người Việt Nam ngưỡng mộ. Tại thời điểm này dù bề ngoài vẫn tỏ vẻ bình tĩnh như không có gì xầy ra, bên trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản đã biết mình đi sai một nước cờ, rất bối rối tìm cách sửa chữa.

Nhà cầm quyền Cộng Sản lo lắng là phải, bởi vì khi sự chính đáng của quyền lực đã tan vỡ thì điều gì cũng có thể xẩy ra. Nếu vụ xì-căng-đan Watergate ở Mỹ có thể làm sụp đổ chính quyền Nixon, nếu vụ tự thiêu vì bị ức hiếp quá đáng của người bán rau Mohamed Bouazizi có thể làm bùng nổ cuộc cách mạng ở Tunisia và đốt cháy một loạt các chế độ độc tài tham nhũng khác trong các nước Á Rập thì vụ án Cù Huy Hà Vũ cũng có thể chôn vùi chế độ độc tài tham nhũng ở Việt Nam.

Trước khi bị bắt Cù Huy Hà Vũ, 53 tuổi, đã khá nổi tiếng. Cù Huy Hà Vũ là con của cố thi sĩ Huy Cận, người đại diện chính thức của Việt Minh cùng với Trần Huy Liệu nhận ấn thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế năm 1945, chấm dứt triều đại quân chủ phong kiến ở Việt Nam. Ông Huy Cận từng làm Bộ Trưởng Văn Hóa trong chính phủ Hồ Chí Minh, là một khuôn mặt được nể trọng. Con nhà giòng dõi như thế Cù Huy Hà Vũ học cũng giỏi, là dự tuyển tiến sĩ văn chương Pháp, tiến sĩ luật khoa Paris, bằng cấp gần ngang với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cũng là tiến sĩ luật khoa kiêm tiến sĩ văn chương Pháp lúc 23 tuổi (lớp trí thức Việt Nam đều biết Nguyễn Mạnh Tường vì chỉ trích Đảng Cộng Sản nên đã bị Đảng phong tỏa mấy chục năm, đầy đọa suốt đời cho tới khi chết). Cù Huy Hà Vũ lại rất ngang tàng, công khai không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản, càng không chấp nhận chế độ độc tài “ngụy Cộng Sản” (tức là giả dối nhân danh lý tưởng Cộng Sản để làm bậy). Tiếng nói độc lập của Cù Huy Hà Vũ bắt đầu có tiếng vang lớn. Những phát biểu của Cù Huy Hà Vũ, dù viết hay nói, đều có lập luận đanh thép, vững vàng của một luật gia xuất sắc, dù đôi khi gay gắt bốp chát không kiêng nể gì hết…. Cái tội danh chính thức “tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mà nhà cầm quyền cố ý gán cho Vũ để đưa ra xét xử là hoàn toàn xuyên tạc nhằm làm lạc hướng dư luận. Ai đọc bài của Cù Huy Hà Vũ đều thấy rõ Cù Huy Hà Vũ không thèm tuyên truyền gì cả, cũng không thèm chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một công cụ cai trị của Đảng. Vũ hạch tội thẳng lãnh đạo của Đảng mà trong mắt Vũ là một nhóm người ngu dốt, tham nhũng, và phản bội tổ quốc. Vũ không chửi bâng quơ mà nêu đích danh các ủy viên Bộ Chính Trị như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải…, mắng mỏ, dậy bảo như Chu Văn An đàn hặc bọn quyền thần, như Triệu Tử Long tung hoành ngọn giáo xung sát giữa đám quân Tào. Người dân hả lòng hả dạ vì cảm thấy Cù Huy Hà Vũ nói thay cho mình mà nói hay, nói đúng, nói huỵch toẹt. Còn lãnh đạo Đảng thì xanh mặt, ú ớ, đối đáp không nổi, vừa giận, vừa sợ. Cù Huy Hà Vũ đã trở nên nguy hiểm hơn cả Trần Độ trước đây. Xã hội Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng như một cánh đồng cây cối đã khô rang, như lò thuốc súng mà hành động của Vũ giống như quăng thêm lửa vào.

Tất cả những việc xẩy ra ai cũng thấy mười mươi vụ án Cù Huy Hà Vũ được điều khiển từ cấp cao nhất tức là Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản. Triệt hạ một tầm vóc như Cù Huy Hà Vũ đòi hỏi một kế hoạch hẳn hoi. Công an được lệnh “ngắm nghía” Cù Huy Hà Vũ theo kiểu hổ rình mồi trong bóng tối. Bắt thì dễ nhưng bắt thế nào để hủy hoại uy tín của Cù Huy Hà Vũ ngay từ phút đầu, bắt thế nào để có một hiệu quả tối đa, để khi mang ra xử thì Vũ đã giống như “con gà chết”, trụi hết cả lông cánh. Vì thế một màn kịch như truyện thật được dựng lên với trọng điểm là bôi bẩn đối tượng càng ngoạn mục càng tốt. Đó là tinh thần của cuộc họp báo ngày 6 tháng 11/2010 do một trung tướng công an chủ tọa công bố tin động trời: Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt đêm hôm trước trong một vụ bố ráp mãi dâm bằng cớ gồm 2 bao cao su đã qua sử dụng và một người đàn bà. Báo chí, truyền thanh truyền hình đồng loạt phổ biến tin “sốt dẻo” khắp nơi với cùng một nội dung và văn phong. Tuy vậy, khôn mà không ngoan, tấn tuồng vu cáo, dàn dựng, chụp mũ trắng trợn lộ liễu quá đầy rẫy những lỗ hổng, những sai lạc và những lầm lỗi kỹ thuật nên lộ tẩy. Thấy không ai tin, còn khinh bỉ, nhà cầm quyền sau đó đánh bài “phe lờ” không thèm nhắc đến chuyện Cù Huy Hà Vũ “đi chơi điếm bị bắt”, hy vọng thế là xong. Không ngờ câu chuyện “hai bao cao su đã qua sử dụng” mau chóng trở thành chuyện nghìn năm bia miệng, một thành ngữ tiếu lâm thời đại gắn liền với “thanh danh” của Đảng. Từ nay lãnh đạo Đảng còn “vốn liếng” nào khác để cai trị 85 triệu dân ngoài việc hàng năm vào lăng Bác đóng kịch quay phim trình diễn sụt sịt mấy giọt nước mắt thương Bác và nhớ lời Bác dậy phải làm người tử tế?

Đến đây người viết nhớ có nghe kể rằng cố Giáo sư kiêm Sử gia Trần Quốc Vượng khi dậy về môn khảo cổ học ở Hà Nội có nhắc tới thời đại đồ đá, đồ đồng, sinh viên trong nước hỏi Giáo sư Vượng thời đại này gọi là thời đại gì. Nửa đùa nửa thật vị giáo sư khả kính trả lời “thời đại này là thời đại đồ đểu!” Xem ra Giáo sư Trần Quốc Vượng nói thật chứ không phải đùa!

(Xem tiếp bài 2: Ai Xử Án Ai?)

Bài 2


VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ: AI XỬ ÁN AI?

Mấy tháng biệt giam, khủng bố tinh thần, dọa dẫm, hứa hẹn không khuất phục được Cù Huy Hà Vũ nhận tội và xin khoan hồng, Đảng đành phải đưa Vũ ra xử ngày 4 tháng 4 vừa qua. Dù thấy trước “khi chính trị đi vào tòa án thì công lý đội mũ đi ra”, người ta vẫn không thể ngờ phiên tòa lại nhảm nhí đầu voi đuôi chuột đến thế. Bên ngoài tòa án công an chìm nổi dầy đặc, mặt mũi khẩn trương, dùi cui súng ống xe cộ sẵn sàng, bên trong phiên tòa – được tuyên bố là công khai – diễn ra lấp liếm, vội vã, tránh né, bất chấp những thủ tục hình sự tố tụng sơ đẳng về quyền biện hộ, đối chất, tranh biện. Có chút phóng đại nhưng không xa sự thực là mấy, phiên tòa có thể tóm tắt đại khái như sau:

Chánh án: Bị cáo có nhận tội tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam không?

Cù Huy Hà Vũ: Tôi tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa XÃ HộI Chủ Nghĩa Việt Nam như thế nào? Xin yêu cầu đưa bằng cớ cho mọi người xem.

Chánh án: (Đảng ngu gì mà quảng cáo không công cho những bài viết phản động của bị cáo.) Tên này ngoan cố, phạt nó 7 năm tù cộng thêm 3 năm quản chế!

Thế là hạ màn trước sự chưng hửng của mọi người. Thực là một màn diễu dở, “cả vú lấp miệng em”, làm ngán ngẩm, xấu hổ cả những người còn vương vấn với Đảng vì lý do này hay lý do khác. Nhận xét chung là Hội Đồng Xét Xử chỉ muốn mau mau đọc bản án đã định sẵn từ “trên” đưa xuống cho rảnh … nợ rồi chuồn về nhà với vợ con. Một phản ứng đáng kể đến từ Ottawa, thủ đô của nước Canada khi vị cựu Phó Chủ Tịch Quốc Hội nước Canada, đồng thời cũng là Cựu Bộ Trưởng trong chính quyền Canada trước đây là Ông David Kilgour đã phẫn nộ yêu cầu chính quyền Canada hiện tại cắt đứt ngay ngân khoản mà Canada viện trợ cho Việt Nam từ nhiều năm qua với mục đích giúp Việt Nam cải thiện nền tư pháp trong đó có cả việc huấn luyện các thẩm phán. Ông nói đại ý: viện trợ cho một chế độ xấu xa như thế chỉ phí phạm tiền thuế của người dân Canada chứ chẳng có ích lợi gì. Nhà toán học danh tiếng thế giới của Việt Nam là Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng gọi đây là một phiên tòa làm nhục quốc thể. Hàng triệu người Việt Nam khác chắc chắn đồng ý với GS Ngô Bảo Châu. Đảng Cộng SảnViệt Nam và báo chí của Đảng thì im thin thít.

Bắt bỏ tù Cù Huy Hà Vũ, lãnh đạo Đảng Cộng SảnViệt Nam nhằm 2 mục đích: triệt hạ cá nhân Cù Huy Hà Vũ và răn đe các người chống đối khác. Cả hai mục đích họ đều thất bại thảm thương. Không những thất bại mà còn lâm vào thế nguy vong. Trong tích tắc tấm hình Cù Huy Hà Vũ đứng trước tòa án được truyền đi khắp thế giới: tay bị còng đứng giữa 2 người công an mặc sắc phục nhưng đầu Vũ ngửng cao, mắt sáng, nhìn thẳng, nét mặt nghiêm nghị, khí phách hiên ngang. Những lời tuyên bố lẫm liệt của Cù Huy Hà Vũ cũng được phổ biến khắp nơi trong tích tắc: “Tôi là một con người bình thường bằng xương bằng thịt chứ không phải là sắt là đá. Tôi có một mái ấm gia đình, có những con người để chăm sóc, để thương yêu chứ không phải để xa lìa. Nhưng tôi ngẩng cao đầu, quyết giữ vững những quan điểm vì nước vì dân dù cho sự đàn áp trả thù kia có khốc liệt đến đâu…”

“…. Sứ mệnh của người trí thức là góp phần cải biến Xã Hội bằng những quan điểm, nhận thức của mình, không sống và làm việc như thế thì không xứng là người trí thức”

Người ta đổ xô vào mạng “boxitvn.net” và các websites khác tìm những bài viết, những bài phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ trong thời gian qua để đọc một lần, đọc hai lần và để phổ biến, để cảm phục và để hiểu tại sao lãnh đạo Đảng lại sợ Cù Huy Hà Vũ đến nỗi phải âm mưu bôi bẩn trước diệt khẩu sau. Boxitvn.net nói: “loài người đang bước vào thời đại thông tin mạng, một công cụ bù đắp cho mọi tước đoạt quyền dân chủ”. Lời giản dị mà đúng biết bao!

Sau khi nghe Hội Đồng Xét Xử tuyên án 7 năm tù cộng 3 năm quản chế, Cù Huy Hà Vũ nói to: “Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam sẽ phá án cho tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ!” Lấy ý kiến của những người theo dõi vụ án làm nhục quốc thể này, ai cũng đồng ý Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam đã phá án ngay lập tức cho công dân Cù Huy Hà Vũ bằng cách quăng nó ngay vào sọt rác của lịch sử. Tuy vẫn trong 4 bức tường lao lý, Cù Huy Hà Vũ không phải chứng minh gì nữa. Cù Huy Hà Vũ không còn chỉ là Cù Huy Hà Vũ, Cù Huy Hà Vũ đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của khát vọng dân chủ tự do, của đoàn kết dân tộc, của khí phách, của nhân cách. Cù Huy Hà Vũ đã là nguồn cảm hứng và hy vọng của người Việt Nam.

Tình thế hoàn toàn đảo ngược. Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản đang bị đưa ra trước tòa án công luận, Việt Nam và thế giới. Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản mới là bị cáo, họ mới là chính danh thủ phạm. Cù Huy Hà Vũ bằng những bài viết và những lời phát biểu dõng dạc đã nghiễm nhiên ngồi ghế Công Tố Viện. Tòa án công luận sẽ rất công bằng nhưng đòi hỏi tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN ít nhất phải chứng minh, từng người một, những điều sau đây:

- Họ quả thật có công lớn với đất nước, có đức độ, có tài năng, có kiến thức, xứng đáng nắm quyền lực cao nhất nước chứ không phải là một lũ quyền gian, làm việc “soán đoạt” bằng những thủ đoạn gian hùng quỉ quyệt.

- Họ không ăn cắp công quĩ, nhận hối lộ để có của nổi của chìm như hiện tại.

- Họ không toa rập kéo bè, kết cánh, chia chác quyền lợi trên sự thống khổ của đại đa số nhân dân.

- Họ không tuân lệnh quan thầy nước ngoài đàn áp những người yêu nước.

- Họ không có trách nhiệm về một nước Việt Nam tham nhũng vào bậc nhất thế giới.

- Họ không có trách nhiệm về vụ Vinashin làm “biến mất” bốn tỉ đô la.

- Họ không có trách nhiệm nếu vụ cho ngoại quốc khai thác mỏ bô-xít ở cao nguyên trở thành đại thảm họa cho đất nước.

- Họ không có trách nhiệm về tình trạng giầu nghèo cực kỳ bất bình đẳng trong một nước Việt Nam mệnh danh theo Xã Hội chủ nghĩa.

- Họ không có trách nhiệm trong việc duy trì một lực lượng công an khổng lồ (lớn hơn cả quân đội với không biết cơ man đại tướng, trung tướng, thiếu tướng …) mà mục đích chính là kìm kẹp nhân dân và duy trì đặc quyền đặc lợi.

- Họ không có trách nhiệm trong việc dùng các thủ đoạn bẩn thỉu, phi pháp để triệt hạ Cù Huy Hà Vũ.

(Xem tiếp bài 3: Lối Thoát)

Bài số 3


VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ: LỐI THOÁT

Nhiều người lo lắng Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản có thể ám hại Cù Huy Hà Vũ như Tần Cối ám hại Nhạc Phi. Sự lo lắng này rất có cơ sở. Họ đã dám dựng lên vụ bố ráp mãi dâm để bắt Cù Huy Hà Vũ thì cũng có thể dựng lên một màn kịch “nhồi máu cơ tim” (heart attack) để thanh toán Cù Huy Hà Vũ cho dứt hậu họa. Bất kể bản án 7 năm hay 3 năm, một ngày trong tù là một ngày “cá nằm trên thớt”. Ám sát, đầu độc, tra tấn, hành hạ đều có thể xảy ra như đã xảy ra trong ngục tù của “chuyên chính vô sản”. Có điều trường hợp Cù Huy Hà Vũ thì trước khi ra tay Đảng sẽ phải nghĩ kỹ hơn. Những trò ngụy tạo và gian ác để che dấu trách nhiệm của họ còn ai tin nữa không? Họ có muốn bão lửa cách mạng đến Việt Nam sớm hơn không? Họ có muốn tự sát không? Sự nổi tiếng của Cù Huy Hà Vũ và sự chú ý của hàng triệu con người trên khắp Việt Nam và thế giới là sự bảo vệ an ninh cho anh, tuy không có gì tuyệt đối trước một kẻ thù tàn nhẫn và quỉ quyệt. Vả lại nếu đã sợ chết, sợ đau, sợ khổ, Cù Huy Hà Vũ đã không dấn thân làm những việc anh đã làm. Nếu phải hy sinh thân xác làm lửa thiêu đốt chế độ độc tài phản dân hại nước, mở ra đường sống mới cho dân tộc thì anh đã sẵn sàng.

Có thể những người yêu Cù Huy Hà Vũ đã quá lo xa. Lãnh Đạo Đảng vẫn chưa dám giết anh. Lãnh Đạo Đảng cũng chưa dám thả anh. Trường hợp Cù Huy Hà Vũ đối với Lãnh Đạo Đảng lúc này là cục xương mắc kẹt trong cổ họng, nuốt vào không được, khạc ra cũng không xong. Mỉa mai thay, hay may mắn thay, chính vì muốn hãm hại anh Lãnh Đạo Đảng đã tạc tượng cho anh ngay khi anh còn sống, đã “giúp” anh tiến hành sứ mạng lịch sử dễ dàng hơn. Đảng quả thực đã “tặng” cho Cù Huy Hà Vũ một cơ hội bằng vàng và cho cuộc vận động Dân Chủ Hóa Việt Nam một cơ hội bằng kim cương.

Vụ án Cù Huy Hà Vũ đột nhiên trở thành quan trọng. Nó không còn đơn thuần là một vụ xử một người bất đồng chính kiến trong nước Việt Nam. Nó không còn là trận đấu bất cân xứng giữa một cá nhân nhỏ bé chống một chế độ tàn ác có sẵn trong tay cả triệu công an mật vụ, đầy đủ các phương tiện dùi cui, súng đạn, báo chí, tòa án, nhà tù. Cù Huy Hà Vũ không còn đơn độc vì số người tự nguyện bảo vệ anh tiếp tục nhân lên ngày càng nhiều. Từ mấy chục các cựu tướng lãnh trong quân đội, những nguyên lão công thần của chế độ, các tầng lớp trí thức, công nhân, thanh niên, sinh viên đến chính quyền của các quốc gia văn minh, các tổ chức nhân quyền quốc tế v.. v… Trong khi đó cái chế độ đang đàn áp Cù Huy Hà Vũ đã đánh rơi mặt nạ nhân nghĩa và lộ rõ những nhược điểm của một tên khổng lồ nhưng chân đất sét. Thực tế là Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều năm qua và bối rối không biết nhẩy bằng chân nào. Hoặc “làm tới” như vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, nhân thể quét sạch “bọn phản động”? Hoặc “thối lui”, “sửa sai” như trong vụ Cải Cách Ruộng Đất? Nếu “sửa sai” thì lần này ai là vật “tế thần” cho yên lòng dân? Đã thế còn phải tính tới phản ứng của hai ông “bạn” siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang ngấm ngầm nhưng cương quyết tranh dành ảnh hưởng trên đất Việt Nam. Mỹ thì gián tiếp nắm hầu bao, Trung Quốc thì ở sát gáy. “Làm tới” trong vụ án Cù Huy Hà Vũ sẽ làm mất mặt nước Mỹ, mất mặt cả tân Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội. Tự ý “sửa sai” thì có thể bị Trung Quốc hỏi tội. Trong tình thế rối bời này biết đâu là thượng sách, trung sách hay hạ sách?

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng

Không dám làm khách bàng quan đối với vận mệnh đất nước và cũng để tỏ lòng ngưỡng mộ ý chí của một con người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, kẻ viết mấy bài tiểu luận này xin “tiến cử” với … Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam một số nhân vật đã có sẵn cẩm nang “mưu sinh thoát hiểm” trong tay (chỉ mong các vị “chống cộng quá khích” tha tội đã “vẽ đường hươu chạy”!):

- Muốn thượng sách – cứu được dân tộc, cứu được danh dự cho Đảng và cứu được bản thân – thì nên hỏi ý hai ông cựu Đại Sứ Nguyễn Trung và Nguyễn Trọng Vĩnh, ba ông Bô-xít Việt Nam, ông Tiến sĩ Toán Ngô Bảo Châu và ông Tiến sĩ Sinh học Nguyễn Xuân Tụ.

- Muốn trung sách, tức là nửa nạc nửa mỡ, thì đến gõ cửa nhà văn Tô Hoài.

- Muốn hạ sách – không cứu được ai cả – thì chắc chỉ cần hỏi ông Đỗ Mười và vong linh nhà thơ Tố Hữu!

Sau hết xin kết luận: Bất kể Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chọn thượng, trung hay hạ sách, bất kể kết quả của phiên tòa phúc thẩm xử Cù Huy Hà Vũ sắp tới, lịch sử Việt Nam đã đi vào một khúc quanh quyết định và sự toàn thắng của Chính Nghĩa Dân Tộc, lý tưởng Dân Chủ Tự Do đã đến thật gần.

Xin cảm ơn Cù Huy Hà Vũ.

Chúc Anh chân cứng đá mềm.

** Lý Vô Ngã **
Tác giả gửi cho CTM

Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Hãy nghe và nói theo cách của mình !

Lưu trữ Blog