Ngày Nhân quyền cho Việt Nam
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố bài xã luận nhân Ngày Nhân quyền cho Việt Nam. Bài này phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Cách đây 17 năm, Quốc hội Mỹ ấn định ngày 11 tháng 5 là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích những quyền tự do căn bản tại Việt Nam. Một buổi lễ và một diễn đàn thảo luận được tổ chức hôm nay để đánh dấu ngày này tại Điện Capitol, với sự tham dự của các thành viên Quốc hội, các lãnh tụ công đoàn, những tổ chức phi chính phủ và đại diện của cộng đồng Việt Nam trên toàn nước Mỹ.
Ngày này đánh dấu một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong việc bênh vực nhân quyền tại Việt Nam. Vào ngày 11 tháng 5 năm 1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những nhà tranh đấu khác công bố “Tuyên ngôn của Phong trào bất bạo động tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam.” Bản Tuyên ngôn kêu gọi tranh đấu ôn hòa chống lại những áp bức và kêu gọi chính phủ tôn trọng những quyền căn bản của con người, chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng và cho phép bầu cử tự do và công bằng. Bác sĩ Quế và những người đồng chí hướng bị bắt và bị buộc tội chống phá nhà nước. Bác sĩ Quế bị giam giữ tại gia kể từ năm 2005.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến một bước dài bình thường hóa các mối quan hệ và tăng cường mậu dịch, và tăng trưởng kinh tế đã cải thiện đáng kể đời sống hàng ngày của nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội vẫn còn chựng lại. Trong khi có một số tiến bộ về việc nới rộng quyền tự do tôn giáo, chính phủ tiếp tục hạn chế nghiêm nhặt quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí và không dung thứ việc chỉ trích chính phủ và đảng Cộng sản. Đối với chính phủ Hoa Kỳ, những khác biệt về nhân quyền là khó khăn chính yếu trong việc phát triển thêm nữa mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam hùng mạnh và nếu chính phủ tại Hà Nội cho phép dân chúng bày tỏ ý kiến nhiều hơn nữa, điều này sẽ làm cho đất nước mạnh hơn.
* Bài xã luận "Ngày Nhân quyền cho Việt Nam" phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét