Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Chủ nhật buồn còn ai còn ai...

..
Nguyễn Thị Hồng Ngát | Thứ bảy, ngày 17 tháng chín năm 2011 | 0 comments

Từ bữa nhân dân " chấp hành"(!) thông báo cấm tụ tập đông người của UBND TP HN, không khí xem chừng " tĩnh" hẳn. Đã mấy chủ nhật rồi những người đòi sự yên tĩnh của Hồ Gươm nay đã thỏa thuê ngồi ngắm cảnh chưa? Sự " động" này lại nổi lên ở các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Dù trong hay ngoài nước thì mối lo chung cũng chỉ có một : đó là nỗi lo về sự lấn chiếm ở biển đông của phía Trung Hoa. Cũng không biết ở đâu ra câu nói " đã có Đảng và Nhà Nước lo" đầy sự ỷ lại, dựa dẫm. Đương nhiên Đảng và NN là phải lo rồi. Làm sao không lo cho được , mình nghĩ những người có cương vị, có trọng trách chẳng thể thờ ơ. Chỉ có điều cái sự lo đó ntn thôi. Nhân dân bằng lòng hay chưa bằng lòng đó là cả một vấn đề mà nhân dân " không được ở trong chăn" nên không thể biết hết cơ sự được. Dù sao thì" Nhà nước là của dân do dân và vì dân". Tin như thế nên nhân dân tham gia vào chuyện quốc gia đại sự cũng là lẽ thường tình. Mình là " gái góa mà đôi lúc cũng còn vẩn vơ lo việc triều đình" nữa là...
Lại tha thẩn nhớ về năm 1979. Khi ấy mình mới 29 tuổi. Đang trong tình trạng " giữa đường đứt gánh" lòng dạ gan ruột ngổn ngang. Ấy vậy mà nghe thấy súng nổ ở biên giới phía Bắc không khỏi giật mình thảng thốt. Sao vậy? VN-Trung Hoa núi liền núi sông liền sông kia mà?Chung một biển đông mối tình hữu nghị sáng như rạng Đông kia mà?Sao "người anh lớn" lại nổ súng?Lại bắn giết biết bao nhiều đồng bào ta ở sát biên giới, cụ thể là người dân ở Lạng Sơn? Và mình đã tức tốc theo đoàn nhà văn VN lên biên giới phía Bắc là Lạng Sơn để tìm hiểu thực tế viết bài. Trong đoàn đi ngày ấy có các nhà văn : Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Kiên, nữ nhà văn QĐ Nguyễn Thị Như Trang, nhà thơ Ý Nhi và mình. Mình và chị Ý Nhi còn đảm đang làm " anh nuôi"lo cơm nước cho đoàn nữa. Lên đến Lạng Sơn thấy vườn không nhà trống cây cối tan hoang, vôi bột rắc đầy vườn tược vì máu người chết chảy ra nhiều quá ruồi muỗi bu đặc sợ dịch bệnh nên người ta phải rắc vôi. Đoàn nhà văn còn nhìn thấy vũng máu chưa kịp khô của nhà báo Nhật Takanô bị TQ bắn chết bên đầu cầu Lạng Sơn. Giờ mình vẫn còn nhớ. Sau này về HN mình còn viết được bài thơ" Takanô- trái tim của anh" in ở t/c Tác phẩm mới. Ở Lạng sơn mình nghe tin nhà văn Bùi Nguyên Khiết- anh học cùng khóa 7 viết văn ở Quảng Bá với mình- lao lên chốt ở Lao Cai đã bị đạn phía TQ bắn chết. Khi ấy anh mới chỉ ngoài 30 là cùng. Câu anh để lại là " dù chết cũng phải viết cho được cái gì đó về những ngày này". Sau khi hy sinh anh Bùi Nguyên Khiết được kết nạp đặc cách vào Hội nhà văn VN. Bọn mình phục lắm nhưng mà cũng thương anh lắm. Tính anh Khiết vui, hay hát đùa tếu. Câu " sình cheng cheng, chát cheng cheng" là câu cửa miệng của anh mỗi khi anh vui hẳn ai học khóa 7 ngày ấy cũng đều nhớ.
Cảm giác ấn tượng nhất trong cuộc chiến tranh biên giới này mình thấy đa phần là lính trẻ tham trận. Các anh ấy trẻ lắm. Chỉ 18-20 là cùng. Chỉ huy là các cựu chiến binh thời Trường sơn. Nhìn đám lính trẻ bị vướng mìn cụt hết chân do phía TQ cài sau khi rút mà sợ hãi và căm giận. Máu chảy nhiều không cấp cứu xuể họ sẽ chết ngay sau đó vài tiếng. Đêm Lạng Sơn thật lặng lẽ và u ám vô cùng trong những ngày đó. Còn nhớ, sau 79, Nhà nước ta cấm chiếu phim TQ trên cả nước . Ai có chót nghiện phim lịch sử TQ cũng phải chịu thôi. Cấm là cấm. Cấm để biểu thị lòng căm ghét, biểu thị sự " không thể chơi được"với cái anh hàng xóm to xác mà xấu bụng - dù trước đó anh có giúp chúng tôi đánh Mỹ. Mãi sau này hai bên nỉ hảo trở lại lệnh này mới được bãi bỏ.
Thế đấy, 32 năm qua rồi. Nỉ hảo, nỉ hảo à...Bây giờ không khí lại có vẻ căng đây...Chủ nhật đầy việc mà ngồi ngẫm lại tự thấy" mình phục mình quá!"Hóa ra mình cũng có " tính chiến đấu " ghê. Không phải bộ đội mà mặt trận nào cũng xung phong. Trường Sơn năm 68-69 cũng vào, biên giới Lạng Sơn năm 79 cũng đến. Đi đâu cũng có thơ hoặc bài viết đăng báo phục vụ kịp thời. May số cao nên không sao.
Cũng tạm gọi là từng trải rồi, nếm đủ buồn vui hỉ nộ ái ố trong cuộc đời này rồi- chỉ cầu mong sao mọi điều lớn, nhỏ đều tốt đẹp. Giải quyết mọi sự lớn, nhỏ có tình có lý. Làm sao giữ được vẹn nguyên lãnh thổ mà không phải đổ máu như năm 79 thế mới là tài.
Chủ nhật buồn...còn ai còn ai...( Trịnh Công Sơn)
CN 18.9 2011
Filed Under: Feature , Tin Nổi Bật , Tản mạn
Related posts:

Ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Hãy nghe và nói theo cách của mình !