Tình Trạng Kinh Tế Việt Nam
2011-10-16
Nguyễn Xuân Nghĩa Ngày 20111
Đầu năm nay, một giới chức cao cấp của Hà Nội là ông (cựu) Thống đốc Ngân hàng Trung ương có phát biểu rằng dân ta sẽ ăn một cái Tết vui vẻ huy hoàng nhất. Quả nhiên, người ta đã cố thổi lên không khí lạc quan phấn khởi vì Đại hội Đảng khóa XI vừa kết thúc trước Tết hai tuần.
Nhưng đấy là sự lạc quan của kẻ uống thuốc bổ.
Vì chín tháng sau Đại hội XI, cách đây năm ngày, Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa "thống nhất" quyết định là phải cải tổ nền kinh tế trong ba lãnh vực là đầu tư, thị trường tài chánh và doanh nghiệp nhà nước. Lý do "tái cơ cấu" này được chính người đầu đảng nêu ra:
"Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn; thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả đầu vào, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn... Tình hình nêu trên có nguyên nhân khách quan là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp các ngành, đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản... "
Bỏ qua ngôn từ chính thức đó mà nói theo dân gian thì Việt Nam đang mấp mé khủng hoảng. Người ở trong nước gọi là "chết lâm sàng". Đảng Cộng sản phải tiến hành một đợt cải cách nữa, cũng quyết liệt như cách đây đúng 20 năm.
Mà vì sao 20 năm?
Và tình hình nguy ngập như thế nào?
Bối Cảnh Thời Gian
Chúng ta có thể tạm nhớ lại vài mốc thời gian để mường tượng ra các bài toán và giải pháp của những người đã độc quyền cai trị đất nước từ năm 1975 đến nay:
Sau 1975 là 10 năm hoang tưởng vì "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa". Còn tiến đến tận Kampuchia. Vì chiếm đóng xứ láng giềng này, Tổng sản lượng GDP vốn dĩ đã suy sụp còn mất toi 5% mỗi năm. Vì vậy Việt Nam mới tiến lên cao điểm là khủng hoảng năm 1986 và bước ngoặt là Đại hội VI.
Sau Đại hội đó là năm năm lúng túng thả nổi, từ 1986 đến 1991, vì nhà cầm quyền biết thế nào là sai mà chưa rõ thế nào là đúng. Đó là "đổi mới tự phát", buông tay ra cho dân làm ăn tự do hơn trước. Quả nhiên là có khá hơn xưa, và dân hết đói.
Nhưng còn đảng thì sao?
Khi Trung Quốc và Liên Xô bị khủng hoảng năm 1989 rồi Liên Xô tan rã năm 1991, nhà cầm quyền hốt hoảng nên đành đổi mới thật. Mà nhìn quanh thì chỉ còn thấy mô hình Trung Quốc, vừa có vẻ khả quan về kinh tế lại an toàn về chính trị. Từ đấy, Việt Nam trôi vào bóng rợp của Trung Quốc vì lý do ta gọi là ý thức hệ. Thực tế là để đảng tìm chỗ tựa về chính trị.
Thời điểm mấu chốt là năm 91 đó, cách đây 20 năm, khi chế độ bị chao đảo và nghiêng về Bắc Kinh trong cách cải tổ.
Nhưng trong năm năm đầu của thời đổi mới từ trên xuống thay vì từ dưới lên như trước, nhà cầm quyền vẫn mò chân xuống nước mà đi. Từ 1991 đến 1996 thì chỉ giải toả những gì không gây ra rủi ro chính trị, chứ chưa dám bung hẳn ra ngoài theo kinh tế thị trường, dù rằng đã được quốc tế viện trợ để cải cách.
Đấy là lúc Hoa Kỳ nhập cuộc, kể từ 1993-95 trở đi.
Năm năm sau, từ 1996 đến 2001, Mỹ lần lượt bãi bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa quan hệ kinh tế rồi ngoại giao, với dấu mốc là Hiệp định Thương mại Song phương BTA ký năm 2001. Bước nhảy vọt khởi sự từ đó, dù Hà Nội vẫn hoài nghi e ngại việc hội nhập vào kinh tế thế giới. Và vẫn sợ ý đồ của Mỹ!
Hà Nội mất 10 năm thương thảo việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho đến khi vượt qua cửa Hoa Kỳ với quy chế thương mại bình thường NTR, xưa kia được gọi là Tối huệ quốc, được Mỹ chấp thuận đúng năm năm trước đây, vào cuối năm 2006.
Thế rồi từ khi gia nhập Tổ chức WTO thì nhà cầm quyền Hà Nội rơi vào trạng thái tâm lý ngược, là hồ hởi sảng, như con cá nước lợ đã tung tăng ra biến lớn. Nó bị say sóng! Đó là tình hình từ 2007 đến nay.
Do sự lạc quan thiếu cơ sở, Hà Nội tưởng rằng sẽ tập trung cả đặc quyền lẫn đặc lợi vào khu vực kinh tế xã hội chủ nghĩa với việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong khi vẫn khai thác được lợi thế của kinh tế thị trường.
Kết cuộc là nguy cơ khủng hoảng như ta đã thấy.
Nhìn lại trong trường kỳ thì cũng không khác vụ khủng hoảng kinh tế của năm nước Đông Á vào thời 1997-1998. Nhưng có khác vì Việt Nam chưa có kinh tế thị trường và cũng không có chính trị dân chủ, nên khó xoay trở hơn các nước kia.
Đấy là bối cảnh của những khó khăn hiện nay.
Thách Đố Trước Mặt
Chúng ta phải nhìn lại toàn cảnh từ khi giao lưu với Mỹ và được mở cánh cửa vào WTO:
Vốn dĩ đa nghi mà chẳng nghi ngờ sự kém hiểu biết của mình, lãnh đạo Hà Nội khám phá là ta khôn hơn nên có lợi lớn sau khi bang giao với Hoa Kỳ! So với tình hình năm 1995, ta mua của Mỹ gấp 10 mà bán cho Mỹ gấp 128 lần. Quả là Mỹ khờ! Như năm ngoái Việt Nam đạt xuất siêu là hơn 11 tỷ đô la, và mới có năm tháng của năm nay thì đã lời thêm gần năm tỷ.
Nhưng trong 10 năm cầy cục lập hồ sơ xin vào WTO, Hà Nội cũng không hề nghi ngờ sự thiếu hiểu biết nên chẳng chuẩn bị giai đoạn tiến ra biển lớn. Cơ chế kinh tế, luật lệ và thông tin của Việt Nam không có khả năng đối đầu với những thách đố dồn dập của thời "hậu WTO". Mà vẫn cứ lạc quan hồ hởi với cái tệ sùng bái chỉ tiêu tăng trưởng vì thấy sản xuất tăng vọt. Và quả nhiên là gây lạm phát từ cuối năm 2007.
Khi ấy, một yêu cầu lưỡng nan - vừa tống ga để tăng trưởng mạnh, vừa đạp thắng để hãm đà vật giá - đã thách đố khả năng ứng phó của chính quyền.
Mà ngoài biển lớn cũng có sóng dữ: thế giới lại bị tổng suy trầm 2008-2009 nên Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo đúng bài bản Trung Quốc, Việt Nam lại tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế với hậu quả tương tự: gây bội chi ngân sách, lạm phát và thổi lên bong bóng đầu cơ địa ốc.
Nhìn lại thì trong các nước Á châu, Việt Nam đứng đầu - còn hơn Trung Quốc - về kích thích kinh tế với lượng tín dụng bơm ra từ 2008 đến 2010 là 100 tỷ đô la, bằng Tổng sản lượng GDP! Cũng vì vậy mà kinh tế gặp họa còn tệ hơn Trung Quốc.
Sau đây là vài con số khô khan mà người ta phải nói đến.
Đó là chỉ tiêu 7% đã tuột khỏi tầm tay, năm nay mà đạt 6% là mừng. Mà lạm phát lại gần 20%, cao nhất từ bốn năm nay. Bội chi ngân sách bằng 6% GDP. Nhập siêu mỗi tháng chừng một tỷ, mà được với Mỹ bao nhiêu thì nạp cho Tầu bấy nhiêu. Cán cân chi phó hay vãng lai hụt cỡ 5-6% GDP. Dự trữ ngoại tệ chỉ còn đủ cho gần hai tháng nhập cảng và đồng bạc mất giá nên càng gây lạm phát trong vòng luẩn quẩn. Ngoại trái chiếm 50% GDP và nếu kể cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền phải đảm bảo và trả nợ đậy, thì số công trái đã vượt tổng sản lượng. Tức là lên đến mức báo động. Cũng nguy ngập như hệ thống ngân hàng với núi nợ khó đòi và sẽ mất. Còn thị trường địa ốc thì xì như trái bóng hết hơi vì hết được bơm thuốc bổ.
Trong cơn sóng gió vừa qua, Việt Nam tụt hậu so với các xứ khác: nội một năm, sức cạnh tranh sụt sáu bậc. Còn giá trị trái phiếu bị giáng cấp tới điểm B- là hạng thấp của giấy lộn "junk bond". Giới đầu tư quốc tế đang nghĩ lại về ảo vọng của họ tại Việt Nam.
Nguồn hy vọng cuối chính là tiền bạc do thân nhân gửi về, được Ngân hàng Thế giới ước lượng vào Tháng Năm vừa qua là từ 7,2 tỷ đến tám tỷ đô la cho năm 2010! Ngẫu nhiên sao lại bằng mức gia tăng sản xuất của gần 90 triệu dân trong cả năm. Nhưng đấy chỉ là một cách nhìn máy móc của con số.
Chứ thực tế thì tình hình còn đen tối hơn.
Hệ thống sản xuất của Việt Nam có ba giai tầng cao thấp khác nhau. Trên cùng là các tập đoàn nhà nước với giới điều hành là các đảng viên cao cấp có toàn quyền về kinh tế, kinh doanh, vay mượn hoặc sử dụng đất để trục lợi, mà thực tế đóng góp rất ít cho kinh tế nếu so với tài nguyên được phép tận dụng một cách vô trách nhiệm vì theo diện chính sách. Ở giữa là các doanh nghiệp cổ phần tiếng là của tư nhân mà đa số là tay chân của thân tộc hoặc những ai có quan hệ với đảng viên cán bộ, để chia chác đặc quyền từ trên ban xuống.
Dưới cùng là các tiểu doanh thương loại nhỏ và trung bình, họ phải luồn lách qua hệ thống luật lệ và chính sách mờ ảo để trục lợi - hoặc vặt mũi bỏ mồm. Thành phần này có rủi ro phá sản cao nhất dù tuyển dụng nhiều nhân công nhất. Thực tế thì năm nay đã có năm vạn cơ sở chính thức đóng cửa và thải người vì làm sao kinh doanh có lời khi phải vay lãi đến hơn 20 phân trong khi cả thế giới đang bị suy trầm?
Dưới đáy của hệ thống kinh tế đó là nông dân, bị cướp đất và phá rừng, bị ở trên trưng thu trục lợi khi gạo lên giá và lãnh họa lúc hệ thống đê bao bị bể, là chuyện đang xảy ra.
Phản ảnh cái hạ tầng kinh tế đó là hệ thống xã hội bất công đã được định chế hóa ở trên.
Các đại gia và thân tộc của đảng ở trên cùng là những kẻ giàu nhất nước, tiêu xài như Mỹ, đi Mỹ như đi chợ, để "đầu tư", rửa tiền và tẩu tán tài sản thụ đắc bất chính, dưới sự đo đếm mẫn cán của công lực Mỹ. Ở giữa là thành phần gọi là trung lưu khá giả thì cũng là những ai có quan hệ với nhân sự của đảng. Trong tầng lớp này, không thiếu những kẻ giàu nổi hãnh tiễn và khoe khoang sự thành tựu của mình.
Ở nấc dưới của xã hội lý tài và bất công đó là một đa số còn nghèo khổ.
Thảm kịch lớn là họ chịu đựng sự nghèo khổ ấy và một số tìm nấc thang leo lên bậc trên, cũng lại qua quan hệ với đảng viên cán bộ của nhà nước, hoặc khai thác những kẽ hở của luật lệ chính sách. Dưới cùng là những kẻ tuyệt vọng và bất mãn. Một số không ít sẵn sàng can vào tội ác để tìm ra ánh mặt trời của họ trong xã hội đen, mà đa số nạn nhân là người dân.
Người ta nhìn ra sự suy sụp kinh tế trong sự băng hoại xã hội. Thế thì vì sao mà năm năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam lại tụt hậu về cả kinh tế và xã hội như vậy?
Nguyên Nhân Gần Xa
Chúng ta có một cách giải thích nhẹ nhàng và nhân nhượng, dựa trên lý luận kinh tế theo kiểu chuyên gia ngoại quốc.
Thứ nhất, trong mấy chục năm qua, hiển nhiên là Việt Nam có những đổi thay về lượng. Nhưng nhìn trong không gian thì vẫn chưa theo kịp và thực tế bị thua sút các nước đã từng có tốc độ tăng trưởng rồng cọp là 7-8% một năm trong mấy chục năm liền với mức công bằng cao hơn.
Nên nhắc đên một trường hợp mà nhiều người nghĩ đến lại buồn là Nam Hàn, nửa thế kỷ trước thì cũng cùng trình độ phát triển với miền Nam, trên phân nửa lãnh thổ. Hai chục năm trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008 của Trung Quốc, Nam Hàn đã tổ chức Thế vận Seoul vào năm 1988, như một biểu hiện của sự trưởng thành trong phát triển. Nhưng đấy cũng là bước ngoặt đáng kể của tiến trình dân chủ hóa ra khỏi chế độ quân phiệt của thời chiến. Ngày nay, Nam Hàn đã vượt qua Việt Nam quá xa.
Lý do là lượng của Việt Nam không biến thành phẩm.
Tăng trưởng không là phát triển. Tăng trưởng của Việt Nam thiếu phẩm chất, không bền vững, đào sâu bất công và gây ô nhiễm cho môi trường sinh sống. Đó là tăng trưởng sóng vai cùng tham nhũng và hủy hoại môi sinh. Tại sao như vậy?
Vì hạ tầng cơ sở vật chất như cầu đường cho giao thông và vận tải nội địa, hệ thống tiện ích công cộng, như điện nước hay hủy thải phế vật, vẫn còn lạc hậu bên cạnh các công trình gọi là "hoành tráng" của sự phô trương.
Nghiêm trọng hơn vậy, hạ tầng cơ sở luật pháp thì thiếu công minh và thừa kẽ hở cho mọi lối vi phạm. Luật lệ bất minh của một bộ máy cai trị rất rộng - vì cái gì cũng xía vào - mà lại nông vì chẳng điều động được gì hết, đã phá vỡ mọi chánh sách quản lý kinh tế quốc dân, nếu như Việt Nam thực sự có một chánh sách kinh tế ra hồn, là điều chưa có.
Ta cũng có một cách giải thích khác thiên về xã hội và chính trị, chứ không máy móc theo kinh tế học.
Nôm na thì Việt Nam gặp bài toán cổ điển là "cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị" nên làm nẩy sinh một xã hội lý tài ruỗng nát, mà không ai dám nói tới một giải pháp khác.
Chỉ vì hệ thống chính trị Việt Nam khiến đảng có toàn quyền quyết định ở mọi cấp mà đảng viên khỏi chịu trách nhiệm trước quốc dân. Tiến trình quyết định mờ ám đó dẫn đến sự xuất hiện của một "đảng đa nguyên", gồm nhiều phe nhóm trên thượng tầng, trong Bộ Chính trị. Mỗi nhóm có những cơ sở kinh doanh riêng như các tập đoàn nhà nước và tay chân, như một lực lượng Bình Xuyên có cả chục khu vực Bình Khang được bảo kê!
Khi xưa thì Bình Xuyên có sự bảo trợ của Thực dân Pháp. Ngày nay, phải chăng là có sự bảo vệ của Trung Quốc?
Các phe nhóm này đối lập với nhau về thị phần nhưng tương nhượng nhau để tồn tại và gây ấn tượng với dư luận nông cạn bên ngoài là có phe bảo thủ có phe canh tân.
Kết cuộc thì các phe nhóm thế lực làm lệch lạc việc quản lý để trục lợi và cản trở mọi nỗ lực cải cách để duy trì đặc quyền và đặc lợi của họ. Hàng năm, Việt Nam được cả chục khuyến cáo của quốc tế và các nước cấp viện về từng phương hướng cải cách, nhưng Hà Nội chỉ tiến hành những việc không xâm phạm vào vùng đặc lợi của các đại gia ở trên. Ở dưới, người dân chỉ còn cách ăn gian, hoặc chịu đói, trước sự phe phẩy ngạo mạn của những kẻ ở trên.
Trong một xứ tự xưng "xã hội chủ nghĩa" thì đấy là nghịch lý khó hiểu mà vẫn được đa số cam chịu! Và đa số cũng ý thức được rằng mình có thể gian lận bằng mọi ngả để trục lợi, kiếm sống, miễn là đừng nói đến chính trị, đừng đụng đến chính trị. Và cũng đừng đả kích Trung Quốc.
Chửi Mỹ thì được, chứ đừng phản đối Trung Quốc, từ chuyện kinh tế đến an ninh!
***
Sau khi trình bày khái quát tình trạng kinh tế của Việt Nam với hai cách giải thích tất nhiên là giản lược, chúng tôi xin kết luận với vài nhận xét u ám và mấy câu hỏi.
Thứ nhất, từ 200 năm nay, Việt Nam đã có mấy chục năm liên tục và hiếm hoi mà không bị chiến tranh, ngoại xâm hay nội loạn, và người Việt có quyền quyết định về vận mệnh quốc gia. Cớ sao lại tụt hậu và có thể mất chủ quyền thực tế vào tay ngoại bang?
Thứ hai, xã hội Việt Nam hiện có thể được tóm gọn là "Đại gia hạ cánh an toàn và đã có bãi đáp bên Mỹ; giới trung lưu thì hốt hoảng vì chưa kịp lên tới bậc đại gia đã có thể tuột dốc; còn dân đen thì tuyệt vọng!" Họ tuyệt vọng vì không hiểu là Trung Quốc sẽ làm gì và Hoa Kỳ có muốn làm gì chăng? Còn bên trong thì họ không tin là lãnh đạo muốn thay đổi, có khả năng hoặc sẽ đổi mới thật.
Chuyện ấy dẫn ta đến Trung Quốc và vài câu hỏi cho tương lai.
Việt Nam có thể ra khỏi trật tự Trung Hoa được chăng? Muốn vậy, người dân phải làm gì? Họ còn đất lùi không?
Thứ nữa, trong quan hệ tay ba Mỹ-Tầu-Ta, người Việt ta có thể làm được gì? Mà người Việt đó là ai, ở đâu? Những câu hỏi ấy không dễ có giải đáp.
Và có thể là một đề tài hội thảo khác của Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam.
(Thuyết trình trước cuộc hội thảo ngày Thứ Bảy 15 Tháng 10 của Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (VAST) tại California).
Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at 14:18
Labels: Chuyện Việt Nam
3 COMMENTS:
Cuchuoi said... 16 October, 2011 14:52
Một cách nhìn xuyên thấu cảnh quan và bóng mây u ám của chính trị đương đại.
Cảm ơn cụ Nguyễn Xuân Nghĩa vì những bài viết.
vr said... 16 October, 2011 15:28
"Nôm na thì Việt Nam gặp bài toán cổ điển là "cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị" nên làm nẩy sinh một xã hội lý tài ruỗng nát, mà không ai dám nói tới một giải pháp khác."
----------------------------
Hồi xưa bọn cháu được học thế này: Lý do đưa ra vì sao nước nghèo ở những năm.
- Đất nước trải qua các cuộc chiến khốc liệt
- Đất nước mới bắt đầu khôi phục kinh tế từ năm 1975 mà trong khi đó Mỹ đã độc lập từ hàng trăm năm trước
Lợi thế:
- Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu
- Cơ cấu dân số trẻ, thì trường tiêu thụ rộng
- Cửa ngõ ĐNA,...
-------------
Dạy học sinh như thế đấy bác Nghĩa ạ, hồi đó lớp học sinh chúng cháu cứ nghĩ Việt Nam thành rồng châu Á rồi. Thăng rồi. Nhưng mà thăng thiên!
Anonymous said... 17 October, 2011 00:02
Cảm ơn chú Nghĩa rất nhiều, thật là súc tích! Bài viết này đã khái quát được nỗi tuyệt vọng của Quốc Dân Việt nam, thiệt là tiến thoái lưỡng nan. mỗi cá nhân chả biết phải nên như thế nào khi xã hội đã bị tế bào hoá! Hoang mang quá chú ơi.
POST A COMMENT
Older Post Home
Subscribe to: Post Comments (Atom)
THỜI SỰ NGÀY MAI
"Học Giả" Trung Quốc và Biển Đông (20110829)
"Thời sự Ngày mai" vốn đã nhức đầu, xin nhẹ nhàng gửi thêm một liều thuốc giải nhiệt với cuộc hội thảo "Về Tình hình Trung Nam Hải và Trách nhiệm của Truyền thông". Cuộc hội thảo hôm 13 Tháng Bảy vừa qua là do đài truyền hình Vân Nam cùng tổ chức với Viện Nghiên cứu Á châu Thái bình dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Trong cuộc hội thảo, các học giả Trung Quốc đã lên diễn đàn trình bày một số ý kiến rất đáng chú ý:
"Chúng ta không cho Việt Nam và Phi Luật Tân cái cảm tưởng là họ sẽ có lợi mỗi khi gây ồn ào. Phải nắm chắc lấy nguyên tắc của chúng ta chứ không thể mơ hồ. Nếu giữ vững lập trường, chúng ta có thể bị chỉ trích và bị một số thiệt hại trong ngắn hạn nhưng trong trường kỳ thì vẫn có lợi. Không nên nhượng bộ để giảm bớt sự tranh chấp." Đấy là ý kiến của Chu Phương Ngân, Chủ biên tờ "Thái-Á Đương Đại" của Viện Nghiên cứu Á châu Thái bình dương, cơ quan đồng tổ chức cuộc hội thảo.
Giáo sư Lý Kim Minh của Đại học Hạ Môn cũng không nghĩ khác: Phải bảo vệ quyền lợi của chúng ta trên biển trong trường kỳ.
Muốn như vậy, phải tăng cường tuyên truyền, viết càng nhiều bài càng tốt về lập trường của chúng ta trên báo chí nước ngoài. Ngoài ra, vào thời điểm thích hợp, phải tổ chức các hội nghị quốc tế trong giới hàn lâm để tranh thủ dư luận quốc tế, v.v...
Ông cũng đề nghị "cực lực chống lại việc mở rộng vấn đề Trung Nam Hải để giải quyết hồ sơ này qua khuôn khổ quốc tế hay đa phương. Hiệp hội ASEAN không là một khối thuần nhất và ta phải tranh thủ từng nước để tránh sự hình thành của một mặt trận chung chống lại Trung Quốc".
Không thể nào rõ ràng hơn!
Phó Giám đốc Lý Quốc Cường của Trung tâm Nghiên cứu Địa dư và Lịch sử Biên vực thì nêu ra ba hướng giải quyết là qua ngoại giao, quân sự và luật pháp. Nhưng nói thẳng rằng vì chỉ có giải pháp ngoại giao không đủ nên phải chuẩn bị khả năng quân sự. Hãy chuẩn bị giải pháp quân sự cho một cuộc xung đột trong vùng! Và ngoài ra, phải áp dụng nhiều chiến thuật để giới hạn sự can thiệp của Mỹ.
Những sáng kiến hay tối kiến như vậy đã được các học giả thoải mái trình bày trên truyền hình, nhưng có lẽ giải vô địch nên nhường cho Giáo sư Kế Khả của Viện Bang giao Quốc tế trong Đại học Hạ Môn: Mở ra chiến dịch truy lùng hải tặc làm một mũi xâm nhập khác vào Trung Nam hải!
Lấy lý do là vùng biển này thường bị hải tặc, vị học giả nói trên hiến kế cho lãnh đạo có phương án ngắn hạn và trường kỳ để kiểm soát vùng biển Đông hải... Chúng ta không rõ là "hải tặc" và "hải giám" có khác gì nhau chăng.
Nhưng còn thắc mắc là vì sao lãnh đạo Hà Nội không cho phép tổ chức những cuộc hội thảo tương tự trên truyền hình để mọi người cùng góp ý về việc bảo vệ quyền lợi của Việt Nam? Đúng là câu hỏi ngớ ngẩn!
Những ai tò mò có thể tham khảo xuất xứ dưới đây về cuộc hội thảo ngoạn mục nói trên ở tỉnh Vân Nam:
http://news.xinhuanet.com/herald/2011-07/25/c_13999763.htm.
Mông Cổ - Giữa Nga Tầu và Mỹ
Lần đầu tiên kể từ 1944, một Phó Tổng thống Hoa Kỳ vào xứ Mông Cổ.
Ba ngày thăm viếng của ông Joe Biden (21-23 Tháng Tám) mở màn cho nhiều cuộc gặp gỡ khác: Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đến Ulan Bator và Tổng thống Tsakhiagiin Elberdorj sẽ qua Mỹ gặp Tổng thống Hoa Kỳ.
Về địa dư, Cộng hoà Mông Cổ bị khóa trong lục địa và chỉ có thể thông thương với bên ngoài qua lãnh thổ của hai cường quốc láng giềng là Nga và Trung Quốc. Bị Trung Quốc cai trị cả trăm năm - sau khi thống trị Trung Quốc trong nhiều thế kỷ - Mông Cổ chỉ giành lại độc lập trong một giai đoạn ngắn ngủi khi nhà Mãn Thanh tan rã năm 1911, trước khi lại trôi vào quỹ đạo Liên Xô cho đến 1991.
Trong giai đoạn Xô viết, Mông Cổ lệ thuộc vào viện trợ của Liên Xô đến 40% Tổng sản lượng. Ngày nay, ngoại thương của xứ này với Trung Quốc cũng chiếm 40% Tổng sản lượng.
Chiến lược tồn vong của Mông Cổ là quân bình ảnh hưởng của hai láng giềng quá lớn và trong khi xây dựng nền móng dân chủ thì mở rộng quan hệ kinh tế lẫn chính trị với các nước Thái bình dương, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ rồi cả Âu Châu.
Đó là về ý chí.
Về thực tế, do vị trí địa dư khắc nghiệt, các nước bên ngoài khó tiếp vận hoặc trực tiếp can thiệp để bênh vực nếu Mông Cổ bị khủng hoảng. Tuy nhiên, xứ này lại có tài nguyên khoáng sản dồi dào, một nguồn lợp hấp dẫn cho các nước ở xa.
Hoa Kỳ đã thiết lập bang giao với Ulan Bator từ năm 1987, và phát triển quan hệ kinh tế, quốc phòng và an ninh - kể cả chống khủng bố - và góp phần chuyển hóa chế độ độc đảng thời Xô viết thành một nước dân chủ.
Đảng Cộng sản đã bị đánh bại sau các cuộc bầu cử và Cộng hoà Mông Cổ thực sự là một nước dân chủ hiếm hoi trong các nước Á châu của quỹ đạo Xô viết cũ.
Ưu tiên của Mông Cổ là củng cố quan hệ với Hoa Kỳ hay Nhật Bản, hợp tác với Liên bang Nga để khai thác tài nguyên - nhất là uranium - và rất nghi ngại sự lấn lướt của Trung Quốc.
Từ năm ngoái, Mông Cổ đã ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ về dự án uranium, kể cả việc sử dụng lãnh thổ làm nơi lưu giữ vật liệu hạch tâm phế thải cho hai nước ở xa là Đài Loan và Đại Hàn. Việc thiết lập ống dẫn dầu để đưa năng lượng của Nga qua Nam Hàn và Nhật Bản cũng nằm trong chiều hướng đa dạng hóa quan hệ kinh tế và ngoại giao.
Phần mình, Hoa Kỳ chú ý đến vị trí của Cộng hoà Mông Cổ và đang phát triển quan hệ chiến lược với xứ này. Để vừa làm ăn với - và vừa canh chừng - hai cường quốc trong khu vực là Liên bang Nga và Trung Quốc.
Một dự án đang thành hình theo chiều hướng đó là mỏ than đá Tavan Tolgoi, có trữ lượng lớn nhất thế giới mà chưa từng được khai thác. Tháng Bảy vừa qua, ba doanh nghiệp Nga, Tầu và Mỹ đã được Mông Cổ tuyển chọn cho dự án này, sau nhiều nỗ lực vận động của cả ba nước.
Chúng ta nên theo dõi việc này, cùng phương cách hành xử của lãnh đạo Mông Cổ vì hoàn cảnh của xứ này thật ra khó hơn Việt Nam gấp bội.
Nhưng, vì sao họ đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài và mở rộng ra thế giới bên ngoài để thoát khỏi cái thế gọng kìm giữa hai cường quốc đã từng có ảnh hưởng? (20110821)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét