Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012
THỦ TƯỚNG NGẠO MẠN và CÁI GIÁ PHẢI TRẢ !
Việt Nam của năm 2012 là đất nước chìm trong khối nợ xấu khổng lồ, bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng, khối quốc doanh yếu kém, những doanh nghiệp tư nhân thoi thóp vì thiếu vốn và sự thao túng nền kinh tế của các nhóm lợi ích.
Trong bối cảnh đó, những năm qua nhiều ý kiến chỉ trích đã hướng về phía thủ tướng đương nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng vì quản lý lỏng lẻo và chủ nghĩa bè phái, với cao trào là Hội nghị Trung ương 6 vừa bế mạc ngày 15/10.
Bài viết nhìn lại về một vài dấu ấn của ông lên nền kinh tế Việt Nam từ lúc nhậm chức hồi năm 2006.
“Thủ tướng hiện đại”
Từ góc nhìn của giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, ông Dũng là “Thủ tướng hiện đại đầu tiên của Việt Nam”.
Là người mà Thayer gọi là “kinh tế gia theo chủ nghĩa dân tộc” trong một cuộc phỏng vấn với BBC ngày 16/10, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu trong việc giám sát tăng trưởng kinh tế Việt Nam kể từ năm 2006 và là người lãnh đạo cao cấp trong việc lèo lái và thỏa thuận với các chính khách và nhà đầu tư nước ngoài.
Ngay từ lúc nhậm chức, ưu tiên hàng đầu của ông là hỗ trợ xuất khẩu tài nguyên năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, các sản phẩm hải sản và may mặc; ngoài ra còn có phát triển những nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ví dụ như thủy năng và năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, việc đầu tư vào những công trình như nhà máy lọc dầu Dung Quất của chính phủ cho thấy xu hướng muốn tách dần ra khỏi việc xuất khẩu tài nguyên dạng thô bằng cách trang bị cho kinh tế nội địa khả năng chế biến trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận xét về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ của thủ tướng, giáo sư Carl Thayer nói: "Khi Việt Nam phải gánh chịu khủng hoảng hồi năm 2008, thủ tướng đã đề xuất và thực hiện gói kích cầu để tạo một lá chắn khá tốt cho Việt Nam."
Một ý kiến khác từ chuyên gia Châu Á của hãng phân tích ONDD, ông Raphael Cecchi thì cho rằng "Nghị quyết số 11 của chính phủ vào năm ngoái đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô đáng kể, kiềm chế thành công lạm phát".
'Ngạo mạn'
Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi lạm phát và kinh tế yếu kém trong vài năm qua.
Là "một thủ tướng nhiều quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam và là người theo đuổi chính sách tăng trưởng nóng", tuy nhiên, “điểm yếu lớn nhất của ông Dũng là sự ngạo mạn và thiếu khả năng lắng nghe những ý kiến quan trọng,” giáo sư Carl Thayer bình luận.
Để giúp tiến hành cải cách kinh tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và hành chính. Đến khi thủ tướng Phan Văn Khải kế nhiệm, ông đưa tổ chuyên gia này lên thành Ban nghiên cứu về kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng ngay khi nhậm chức, ông Dũng đã giải thể ban nghiên cứu này qua Quyết định số 1008/QĐ-TTg (ban hành ngày 28/7/2006).
“Ông Dũng đã loại bỏ đội ngũ cố vấn của thế hệ đi trước và thay vào đó bằng một mạng lưới bè phái của riêng mình” – Giáo sư Carl Thayer nhận xét.
Sự ngạo mạn này còn được cho là thể hiện qua cách ông đề bạt nhân sự.
“Chỉ cần nhìn cách thủ tướng đề bạt người nhà và những người thân cận vào các vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đủ thấy ông tự tin thế nào vào sức mạnh vây cánh của mình.” Một người có quan hệ cấp cao trong bộ máy Đảng Cộng sản nói với BBC.
“Thực ra ngay từ lúc đầu của Hội nghị Trung ương, những người trong cuộc đều biết rằng cả ông và những người thân tín của ông trong Đảng sẽ không mất chức. Tin đồn rằng thủ tướng bị cách chức chứng tỏ dư luận vẫn còn quá ngây thơ”, người muốn ẩn danh này nói thêm.
Thói quen bỏ ngoài tai những lời khuyên can đã trở thành một điều được nói đến thường xuyên của chính phủ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có những lời khuyên can về sự bành trướng của mô hình Tập đoàn Nhà nước, những đầu tư công thiếu hiệu quả, làm thâm hụt vốn, ảnh hưởng môi trường cũng như sự bùng nổ của tăng trưởng tín dụng từ những kinh tế gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như các lãnh đạo và cựu lãnh đạo quốc gia mà tiêu biểu có tướng Võ Nguyên Giáp, cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Tín đồ của tăng trưởng nóng
Ông Dũng có tham vọng biến Vinashin thành tập đoàn mạnh cấp khu vực.
Sai lầm lớn nhất của Thủ tướng Dũng là đã theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, lấy trọng tâm là khối quốc doanh trong lúc nền kinh tế đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất khu vực trong suốt một thập niên qua.
Không ít các ý kiến cho rằng với tham vọng tăng trưởng thần kỳ, việc ông Dũng xây dựng các tập đoàn Nhà nước lấy ý tưởng từ Bấm mô hình Chaebol của Nam Hàn để trang bị cho nền kinh tế những 'cú đấm thép' là không có gì đáng ngạc nhiên.
Tương tự với Chaebol, các tập đoàn Nhà nước của thủ tướng được ưu đãi những khối tín dụng khổng lồ, được đảm bảo từ phía chính phủ. Nếu tăng trưởng tín dụng trong những năm 90 chỉ có 20% thì đến năm 2010, mức này lên đến 136%. Tín dụng chủ yếu được bơm vào các doanh nghiệp Nhà nước và các thế lực đầu cơ chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên khác với Chaebol, các tập đoàn Nhà nước Việt Nam không được hình thành qua quá trình tích tụ vốn, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và không những không thay thế được xuất khẩu mà còn đẩy cán cân thương mại sang nhập siêu khi nhập khẩu quá nhiều vật liệu.
Không những thế, quyết định cho phép các doanh nghiệp nhà nước đầu tư đa ngành trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 – 2010 kèm theo sự quản lý yếu kém của thủ tướng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lạm dụng nguồn cung cấp tín dụng dồi dào để phát triển đa ngành, lũng đoạn nền kinh tế nội địa với các công ty con làm ăn thua lỗ, khiến 70% nợ xấu trong tổng 200 nghìn tỷ nợ xấu tại các ngân hàng thuộc về khối quốc doanh.
"Điểm yếu lớn nhất của ông Dũng là sự ngạo mạn và thiếu khả năng lắng nghe những ý kiến quan trọng"
Giáo sư Carl Thayer, học viện quốc phòng Úc
Thu hút vốn đầu tư và vay vốn lãi suất thấp từ Trung Quốc để khắc phục thâm hụt mậu dịch là một phần khác trong chiến lược tăng trưởng của thủ tướng; tuy nhiên điều này không những gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải trên biển Đông giữa hai nước mà còn khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Công thương thì trong 4 tháng đầu năm 2011, nhập siêu Việt Nam là gần 4,9 tỷ đôla, trong đó riêng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm gần 4 tỷ đôla.
Điều đáng chú ý là nhập siêu với Trung Quốc dưới thời thủ tướng Dũng là ở mức 12,7 tỷ đôla, cao gấp 5 lần mức 2,67 tỷ đôla năm 2005 trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải.
Sự nhập siêu này được Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Chính sách VEPR, đại học quốc gia Hà Nội lý giải là dưới thời thủ tướng Dũng, có đến 90% các dự án lớn, chủ yếu là công nghiệp thượng nguồn của các tập đoàn kinh tế Việt Nam trụ cột với giá trị trúng thầu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đôla có nhà thầu là Trung Quốc.
Không những thế, các nhà thầu này thường chỉ sử dụng lao động và thiết bị đem từ Trung Quốc sang, dẫn đến việc Việt Nam không được hưởng chút lợi ích nào về lao động việc làm trong các thương vụ với Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng FDI của Việt Nam.
Để bù đắp cho sai lầm trong chính sách mậu dịch với Trung Quốc, chính phủ thủ tướng Dũng đã phải tìm kiếm những khoản FDI khác từ nước này để cân bằng cán cân thương mại, bất chấp những quan ngại về sự phá hoại môi trường và an ninh quốc phòng.
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam so với khu vực qua các năm
Dự án Bauxite Tây Nguyên mà tác giả David Pilling trong bài viết đăng ngày 6/5/2009 trên Financial Times gọi là sự 'triều cống' của Việt Nam để đổi lại khoản đầu tư 15 tỷ đôla nhằm giải quyết 11 tỷ đôla nhập siêu năm đó là một trong những dự án như vậy.
Để đảm bảo tăng trưởng, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn phải chỉ đạo thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án biệt thự, sân golf, công nghiệp.
Nhiều vụ trong số này đã trở thành cưỡng chế bạo lực, dẫn đến những vụ như Văn Giang hồi tháng Tư năm nay. Điều này khá giống với tình hình tại Trung Quốc trong bản báo cáo mới nhất của Ân xá Quốc tế.
Chỉ tính trong 5 năm từ 2006-2010, cả Việt Nam đã mất khoảng 200 nghìn ha đất cho các dự án công nghiệp, sân golf, biệt thự, dẫn đến gần 2,5 triệu lao động mất việc và người nông dân có 3-4 tháng nông nhàn mỗi năm, theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
Lạm phát "quán quân" khu vực
Bất ổn vĩ mô đã kéo theo biến động trong khu vực ngân hàng Việt Nam
Không có nước nào trong khu vực hoặc thậm chí có điều kiện tương tự mà lạm phát liên tục cao hơn tăng trưởng như Việt Nam những năm qua
Hồi tháng 10/2007, trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Sinh Hùng (lúc đó là phó thủ tướng) tự tin khẳng định “chỉ tiêu tăng trưởng 9% trong năm 2008 là khiêm tốn”. Thậm chí ông cho rằng trong điều kiện thuận lợi, khả năng tăng trưởng lên đến hai con số là hoàn toàn có thể.
Có lẽ lúc đó ông Hùng đã không lường trước rằng, thứ duy nhất tăng lên hai con số năm 2008 là ... lạm phát.
Lạm phát năm 2007-2008 bùng nổ vì nhiều lý do, trong đó có sự tăng mạnh của mức lương tối thiểu, gia tăng giá cả của hàng hóa quốc tế và việc luồng đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt sau khi Việt Nam gia nhập WTO cuối năm 2006 mà không có chính sách kiểm soát; kèm theo chính sách tiền tệ lỏng lẻo, thiếu linh hoạt cũng như tỷ giá cứng nhắc.
""Việt Nam của năm 2012 là nơi của một chính phủ đưa ra quyết định xây dựng những công trình ở những vị trí kỳ cục""
Geoffrey Cain, cây bút trên Foreign Policy
Ngân hàng Nhà nước lúc đó phải bơm tiền đồng vào nền kinh tế để giảm nhẹ áp lực tăng tỷ giá, làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát, đưa lạm phát tháng Tám năm 2008 lên mức 28,2%, cao nhất kể từ năm 1993, theo số liệu từ Tổng cục thống kê.
Không những thế, những chi tiêu công quá mức (chiếm khoảng 20% GDP, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương) thiếu hiệu quả, không tạo ra sản phẩm tương ứng, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như các khoản vay theo quan hệ và sự độc quyền giá xăng, điện khiến lạm phát như quả bom chỉ chực bùng nổ và thực tế đã tiếp tục leo lên 23,2%, mức cao nhất Châu Á trong tháng Tám năm 2011.
Cũng kể từ năm 2008, mặc dù triển vọng tăng trưởng vẫn bị hạ thường xuyên nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn liên tục trượt mốc chỉ tiêu, với tăng trưởng trượt dốc từ mức 8,2% năm 2006 xuống còn 5,2% trong năm 2012 theo báo cáo tháng Mười của Ngân hàng Thế giới.
Đầu tư để kiếm lỗ?
Thủ tướng Dũng trong những phút cuối diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Một trong những dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên kinh tế Việt Nam là việc hướng đầu tư công vào những dự án hoặc có rất ít, hoặc không có chút giá trị kinh tế nào trong khi cả người dân lẫn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều than vãn về hạn chế cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Chỉ số được sử dụng rộng rãi trong việc đo đạt hiểu quả đầu tư là Hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Mục đích của hệ số này là tính ra phải mất bao nhiêu đồng vốn đầu tư mới tạo ra một đồng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chỉ số ICOR càng cao đồng nghĩa với vốn đầu tư được sử dụng kém hiệu quả.
Nếu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy ICOR dưới thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1991-1995 chỉ là 3,5 và tăng lên 3,9 trong nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải thì dưới thời thủ tướng Dũng, hệ số ICOR tăng vọt lên 6,15 trong giai đoạn 2007-2008 và đến năm 2009 thì lên đến 8.
Dù con số này đến năm 2010 đã giảm xuống mức 6,9 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Đáng chú ý hơn, ICOR của khu vực Nhà nước năm 2010 là 10,2 lần, cao gấp rưỡi hệ số chung trong khi đó, ICOR của khu vực ngoài Nhà nước năm 2010 là 3,9 lần, thấp hơn hệ số 4,9 lần của năm 2006, chứng tỏ sự vượt trội trong hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra báo cáo của sứ quán Anh hồi tháng Sáu cũng chỉ ra khoảng cách năng suất lao động của các doanh nghiệp Nhà nước so với cả khu vực doanh nghiệp nói chung tăng ngày càng lớn qua thời gian, từ 1:4 năm 2000 đến 1:8 năm 2008.
Chỉ cần lấy ví dụ những công trình mà thủ tướng đích tay ký như cảng Vân Phong, với tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đôla và lễ khởi công hoành tráng tốn kém hơn 4,144 nghìn tỷ đồng giờ chỉ còn lại "114 cọc thép và một xà lan toàn những máy móc rỉ" (theo AP); những câu chuyện như sự tiêu phí 4 tỷ đôla của Vinashin hay các dự án bỏ hoang của Vinaconex thì cũng dễ hiểu tại sao cây bút Geoffrey Cain lại phải thốt lên "Việt Nam của năm 2012 là nơi của một chính phủ đưa ra quyết định xây dựng những công trình ở những vị trí kỳ cục" trong bài viết trên trang Foreign Policy hồi tháng Bảy.
Sau những thành tựu
Nỗ lực làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng được một số người đánh giá cao.
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục được “phong tặng” các danh hiệu nhất nhì bởi các tổ chức quốc tế.
Về kinh tế, Việt Nam là nước thứ nhì ASEAN từ dưới đếm lên trong năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo báo cáo tháng Chín của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF); tụt tổng cộng 16 bậc trong hai lần xếp hạng gần nhất của tổ chức này.
Báo cáo hồi tháng Sáu năm nay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng chỉ ra rõ những cái 'nhất' khác của kinh tế Việt Nam như lạm phát, tăng trưởng tín dụng, lãi suất và tỷ lệ nợ xấu cao nhất Châu Á những năm qua.
Đó là chưa kể đến những danh hiệu phi kinh tế khác như "nước bảo vệ động vật hoang dã tồi nhất" của Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WFF) hay vị trí 172/179 trong xếp hạng những nước thù địch tự do Internet của Tổ chứng phóng viên không biên giới (RSF).
Những sai phạm nghiêm trọng trong điều hành của ông Dũng được cho là lý do khiến Trung ương Đảng phải họp kín sớm hơn dự đoán hồi đầu tháng Mười.
Trả lời về kết quả Hội nghị Trung ương Sáu sau buổi bế mạc ngày 15/10, giáo sư Carl Thayer nói:
"Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên khá sáng giá, vì không những là người được ông Dũng chọn đầu tiên mà còn là phó thủ tướng duy nhất nằm trong Bộ Chính trị"
Giáo sư Carl Thayer
"Trên thực tế, Thủ tướng Dũng đã được Trung ương trao cho một nghị trình để thực hiện. Và hội nghị trung ương lần tiếp theo, rất có thể sẽ mở ra vào tháng 12 hoặc đầu năm tới.
Và từ nay tới đó, Thủ tướng Dũng phải làm tốt, căn cứ vào những gì ông ta đã hứa khi tự phê. Sẽ có nỗ lực phối hợp để xác định rõ và xử những ai bị cho là chịu trách nhiệm về Vinashin và Vinalines. Ban Kinh tế Trung ương sẽ họp để tư vấn cho Đảng qua các phân tích nhằm buộc ông Dũng phải có trách nhiệm về hành vi của mình.
Bộ Chính trị cũng sẽ phải ra được một kế hoạch hành động mang tính phối hợp nhằm giải quyết các điều yếu kém đã nêu ra ở hội nghị trung ương lần này."
Nhận định về người có khả năng kế nhiệm Thủ tướng Dũng, ông Thayer cho rằng phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên khá sáng giá, vì không những là người được ông Dũng chọn đầu tiên mà còn là phó thủ tướng duy nhất nằm trong Bộ chính trị.
“Nhiều người cho rằng phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người khá trung lập trong quan hệ trong Đảng cộng sản. Tuy nhiên thực tế là ông Phúc là người rất thân tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,” nguồn tin giấu tên có quan hệ cấp cao trong Đảng nói với BBC.
“Trong mắt ông Dũng, ông Phúc là người 'dễ bảo' và có đường lối ôn hòa.”
TheoBBC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét