Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Sự can đảm của đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Hưng Quốc blog
Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều điểm đáng bị chê trách, tuy nhiên, theo tôi, họ có một ưu điểm rất đáng khâm phục, ít nhất, với riêng tôi: sự can đảm.
Trước, trong chiến tranh: họ can đảm. Can đảm khi đánh nhau với Pháp: từ thân phận một nô lệ, họ dám nổi dậy, bất chấp mọi hiểm nguy; và chỉ với những thứ vũ khí thật thô sơ, có khi chỉ là gậy gộc, họ dám chống lại kẻ thù mạnh hơn họ gấp trăm, thậm chí, gấp ngàn lần. Theo dõi những thước phim tài liệu về Điện Biên Phủ, tôi nghĩ, chúng ta không thể không khâm phục. Cố vấn Trung Quốc giúp đỡ ư? Ừ, nếu có, thì họ chỉ giúp được phần trí tuệ, chứ còn phần can đảm thì cũng vẫn thuộc về những con người hì hục khiêng súng, khiêng đạn qua bao nhiêu là đồi, núi, rừng, suối... từ ngày này sang ngày khác, và cuối cùng, đối diện với một đội quân được trang bị những thứ vũ khí cực kỳ tối tân.
Trong cuộc chiến thời 1954-75 cũng vậy. Tôi đọc được khá nhiều tài liệu diễn tả sự thán phục của một số lính Mỹ trước sự chịu đựng gần như ngoài sức tưởng tượng của bộ đội Bắc Việt. Trước khi quân Mỹ đổ bộ đến một nơi nào đó, máy bay đã thả bom cày nát mặt đất, ngỡ như không còn một gốc cây nào còn đứng vững, không một khoảnh đất nào còn nguyên vẹn, vậy mà, người ta vẫn phát hiện có một số du kích hay bộ đội nào đó còn ôm súng nằm yên chờ phục kích. Một số người Mỹ nói: Họ không thể nào hiểu nổi!
Bây giờ, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những người cộng sản Việt Nam, nhất là hàng ngũ lãnh đạo, vẫn còn giữ được sự can đảm không ai có thể tưởng tượng được của họ: Họ không biết sợ gì cả. Tuyệt đối không sợ. Họ không hề sợ nói những điều nhảm nhí. Và họ cũng không hề sợ làm những điều có thể bị chê là ngu xuẩn. Họ không hề sợ.
Như, chẳng hạn, đầu tháng 10 năm 2009, để tạo cớ bắt nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, họ đã dàn dựng lên cảnh ẩu đả trước cửa nhà bà khiến cho một người đàn ông bị thương. Bằng chứng mà công an đưa ra là bức ảnh một người đàn ông máu me dầm dề từ tai xuống cổ, xuống cả chiếc áo trắng đang mặc. Với bằng chứng ấy, họ hy vọng có thể buộc Trần Khải Thanh Thủy tội cố ý đả thương người khác. Có điều, ngay sau đó, một số thành viên thuộc Diễn Đàn Xcafevn phát hiện: đó chỉ là bức ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp từ hơn bốn năm về trước! Khi sự giả dối của họ bị vạch trần, họ xí xóa bằng cách thả Trần Khải Thanh Thủy chăng? Không, họ vẫn đưa bà ra tòa và vẫn bắt bà bỏ tù. Tại sao ư? Thì tại họ cóc sợ cái gì cả. Kể cả sự thật. Vậy thôi.
Hay, gần đây, để bắt luật sư Cù Huy Hà Vũ, họ buộc ông tội ngủ với gái mại dâm. Té ra, không phải. Cô gái trong phòng của Cù Huy Hà Vũ là một luật sư đồng nghiệp. Cái cớ bắt người vì tội mua dâm, như thế, hóa thành vô duyên. Nhưng không sao, họ vẫn tiếp tục bắt giam Cù Huy Hà Vũ. Tại sao? Thì cũng vẫn tại họ cóc biết sợ cái gì cả. Kể cả liêm sỉ. Vậy thôi.
Nhưng không đâu sự can đảm của đảng Cộng sản, đúng hơn, của hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản, lại được thể hiện rõ cho bằng trong bản báo cáo chính trị được đọc trong đại hội đảng lần thứ 11 vừa mới diễn ra. Trong bản báo cáo ấy, họ nói toàn những điều ngược ngạo, trái với sự thật và trái với lịch sử; trái một cách hiển nhiên; trái đến độ không một kẻ có tâm trí bình thường nào dám nói; vậy mà họ vẫn nói.
Như, chẳng hạn, trong “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”, họ vẫn khẳng định chủ nghĩa tư bản, tuy vẫn “còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”. Họ không dám nói, như mấy năm về trước, là chủ nghĩa tư bản “đang giãy chết” nhưng giọng của họ vẫn còn đầy răn đe: chính những “sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó [trong lòng chế độ tư bản] và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.” Rồi họ dõng dạc tuyên bố: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Rồi, trong “Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng”, họ lại “một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”
Ở vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21 như hiện nay, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở khắp nơi đã sụp đổ, sau khi đã có hàng ngàn tài liệu vạch trần những sai lầm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và những bất cập trong tư tưởng chính trị của Marx và Lenin (chưa nói đến tư tưởng của Stalin và Mao Trạch Đông), mà vẫn còn viết được như vậy quả là một sự can đảm phi thường.
Chính những đảng viên kỳ cựu ở Việt Nam cũng thấy rõ điều đó. Trong cuộc hội thảo góp ý cho Văn kiện Đại hội đảng được Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia phối hợp với Hội khoa học kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 10 năm 2010, nhiều người, ví dụ, ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nói thẳng: “Viết về nhận định quốc tế – sai. Viết về nhận định các nước XHCN – cũng sai. Viết về nhận định tình hình trong nước – cũng sai.” Rồi ông thêm: “Tôi lấy ví dụ, các nước XHCN còn lại kiên định con đường XHCN, thế chúng ta theo Triều Tiên à, theo Bắc Triều Tiên à? Không được các đồng chí ạ! Viết về quốc tế sai, viết về đất nước sai giữa tình hình thế giới cũng sai chỗ ấy nên bỏ, nếu còn giữ lại thì nguy hiểm.” Hay, như Giáo sư Trần Phương, cựu Phó thủ tướng, nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại nhiều lần: nói như bản dự thảo là “nói bậy”, là “bịp thiên hạ”, là “nhắm mắt trước thực tế”, là “nói một đằng, làm một nẻo”, v.v...
Những lời phát biểu của Nguyễn Trung hay Việt Phương có gì mới mẻ không? Không. Chúng chỉ mới ở việc họ dám nói thẳng ra chứ về nội dung thì hầu như ai cũng biết cả. Chính bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cũng trong cuộc hội thảo trên, công nhận điều đó.
Bà kể: khi về các địa phương, đề cập đến các dự thảo về chiến lược hay chính sách của Đại hội đảng, bà nghe rất nhiều người, trong đó có khá nhiều tỉnh ủy viên, hỏi: “Chị ơi, thế cái cậu viết cái này ra, cậu ấy tin cái này là thật à?” hay “đến bây giờ vẫn còn tin, vẫn còn để như thế này à?” Rồi bà lo lắng: “những người bên ngoài người ta sẽ hiểu như thế nào về mình” [khi mình cứ] “nói những cái trật khấc hết cả, nói những cái nó lạc hậu, nó xa xôi, nó cũ kỹ như vậy”? Rồi bà đặt giả thuyết: “[M]ột là người ta đánh giá là mình dốt, là mình ngu muội đến bây giờ mà đi hiểu thế giới theo cái cách như thế, định hướng đường hướng phát triển của mình theo cái cách như thế. Hai là (…) cũng lại cho là mình giả dối nốt.” Cuối cùng, bà tự hỏi: “Thế thì bây giờ trong thế giới hiện nay người ta có muốn chơi với những người ngu muội hay không, người ta có muốn chơi với người giả dối hay không?”
Giới lãnh đạo có sợ những điều bà Phạm Chi Lan vừa nói không?
Chắc chắn là không. Bằng chứng: những điều mà bà Lan cho là “trật khấc”, “lạc hậu”, “xa xôi”, “cũ kỹ”, “dốt”, “ngu muội” hay “giả dối” hay những điều ông Nguyễn Trung cho là “sai”, ông Việt Phương cho là “nói bậy” hay là “bịp” ấy vẫn cứ xuất hiện một cách hùng hồn, dõng dạc trước Đại hội và cả thế giới.
Bởi thế, tôi mới nói là họ can đảm.
Can đảm bất chấp sự thật. Bất chấp thực tế. Bất chấp lịch sử. Bất chấp tất cả.
Miễn là còn được giữ quyền.
À, mà còn tiền nữa chứ.
Phải không

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Quê ngoại


Những sớm mai đưa em về quê ngoại
Đường xa xăm ,lối gió trải mêng mang
Hương lúa mới ngọt ngào múi sữa mẹ
Lá me bay, bay chút nắng thu vàng

Quê ngoại ơi! tháng nào cà trổ nụ
Nụ cà duyên trên má đượm hương quê
Quê ngoại ơi! mùa nào bông khế rụng
Có mùa nào trăng sáng bóng trăng mơ

Và bóng ngoại bạc mái đầu năm tháng
Đời tảo tần ngoại xe chỉ luồn kim
Cơm dua muối ,bũa lo ,bữa đói
Tơ quay đều theo nhịp cửi thâu đêm

Ôi thơm lắm cốc trà xanh bốc khói
Ngọt vô cùng hương mía tháng mười hai
Quê ngoại ơi! có ngày nào lúa chín
Cánh diều bay trong bóng chiều phai

Những sớm mai đưa em về quê ngoại
Lòng quê hương hòa với lòng xuân xanh
Đất vang vang ,cây trổi mần hy vọng
Tình quê hương,ôm ấp lũy tre xanh

Hà nội Xuân Tân Mão

Một chút lạc quan nhìn từ vụ Cù Huy Hà Vũ

Một chút lạc quan nhìn từ vụ Cù Huy Hà Vũ
Posted on Tháng Một 24, 2011 by admin

Dòng máu anh hùng

Từ khi biết quan tâm đến các vấn đề xã hội tới giờ trong lòng tôi luôn cảm thấy hết sức khâm phục và ngưỡng mộ về khả năng phi thường trong việc giữ liêm sỉ của những người cộng sản thời 30, 40 thế kỷ trước trong những câu chuyện (tôi tin là thật) đã được nghe kể lại hay được đọc ở đâu đó. Ví như chuyện về Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã giao toàn bộ số vàng thu được trong tuần lễ vàng cho một mình ông Nguyễn Lương Bằng cất giữ, mà không hề bị xuy xuyển một phân. Chắc chắn những người cộng sản lúc đó đã mang trong mình dòng máu anh hùng của dân tộc Việt – một dân tộc đã nhiều lần tự phá bỏ nhà cửa để chỉ mong đổi lấy hai chữ “độc lập”. Sự anh hùng ở đây không chỉ là dám đương đầu với nhà tù, máy chém của bạo quyền mà còn là lòng khát khao những lý tưởng cao đẹp đến mức khó chịu, coi khinh những nằn nì, hối thúc của dục vọng.

Thế mà chỉ vài chục năm sau, nếu ai nhắc đến sự liêm sỉ của người cộng sản thì chả khác nào giễu cợt cay đắng hoặc có hơn là một nuối tiếc đầy xót xa. Nói theo kiểu dân dã đương thời thì những người cộng sản có quyền ngày nay họ có thể “ăn” mọi thứ của dân từ thóc giống, bờ xôi ruộng mật, thuốc trừ sâu, nhà máy điện, tàu biển, đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, mộ liệt sỹ, đồ cứu tế cho đến cả rừng núi, biển đảo, biên giới, điểm yếu chiến lược quốc gia và danh dự dân tộc. Thế mà có rất ít người cộng sản thời 30, 40 lên tiếng chống lại tình trạng vô liêm sỉ khủng khiếp đó. Có thể tuổi già đã ảnh hưởng đến chí khí? Dòng máu anh hùng của người cộng sản thời xưa có thật không? Nếu có sao không truyền lại được cho các thế hệ sau? Quá trình di truyền đã bị biến đổi, nhưng chả nhẽ tất cả các gien anh hùng đó đều cùng bị biến dị hết sao? Một sự trùng hợp tự nhiên kỳ lạ? Nhưng, đúng như tôi nghi ngờ, hiện tượng Cù Huy Hà Vũ đã chứng minh dòng máu anh hùng của dân tộc Việt trong tim những người cộng sản thời kỳ 30, 40 vẫn được bảo tồn và truyền được lại cho thế hệ kế tiếp.

Thách thức

Cách thể hiện của Cù Huy Hà Vũ có thể làm nhiều người không thích nhưng nếu nhìn ra thế giới chúng ta sẽ thấy người ta còn phản đối kẻ cầm quyền bằng cả cách kéo một con chó đeo mặt nạ là gương mặt của tổng thống chạy nhông nhông trên đường hay “dí” hình khuôn mặt của tổng thống vào chỗ kín của quí bà. Có thể văn hóa phương Đông chưa quen với những cách phản đối đó (cũng như người Việt đã từng thiếu thiện cảm với cả “áo cài khuy bấm”). Nhưng trong một xã hội đã gọi người dân là “công dân” thì việc người dân bày tỏ công khai sự bất bình đối với chính sách của nhà nước, với người cầm quyền (kẻ làm thuê cho dân) phải được coi là chuyện bình thường, và rất quí nếu vẫn còn ít người bày tỏ. Ý nghĩa hơn nữa là những điều Cù Huy Hà Vũ lên tiếng về các vấn đề xã hội đều thể hiện một tinh thần tôn trọng pháp luật, yêu mến công lý, quyết liệt với cái ác ở mọi cấp độ và tình yêu Tổ quốc nóng bỏng.

Thật là không khôn ngoan khi thách thức bạo quyền với hai bàn tay trắng. Nhưng về bản chất, sự vạch trần các bất công hay cổ động cho các giá trị tiến bộ trong một chế độ độc tài không thể nào tránh được sự suy diễn, có tính bản chất, của những người cầm quyền là “thách thức”, nếu không lảng tránh truy đến tận gốc của bất công và chỉ rõ những điều trọng yếu cần thay đổi để có tiến bộ. Vì nếu người cầm quyền không suy diễn như thế thì họ đã không còn là độc tài nữa và nếu chúng ta không nhận thức được điều đó thì có nghĩa chúng ta đã không hiểu gì về độc tài. Nêu bật gốc rễ của bất công và lật ra những nền tảng cần thay đổi của chế độ chính trị để cho toàn dân biết chính là cái khác giữa những kẻ cầm quyền độc tài, những người còn đắn đo và những người thúc đẩy tiến bộ thực sự. Có nhà độc tài nào lại nói là không muốn mang lại dân chủ, công bằng, văn minh, giàu mạnh cho dân chúng? Có kẻ cầm quyền độc đoán nào mà lại không lớn tiếng kêu gọi chống tham nhũng, bất công, đói nghèo?

Chấp nhận

Nhưng đúng như qui luật muôn đời. Ở đâu mà sự dối trá lên ngôi thì kẻ nói thẳng sẽ phải là tội đồ. Do đó việc Cù Huy Hà Vũ bị truy bức (bôi nhọ, tống vào ngục) không phải là việc kỳ lạ hay khó hiểu. Vấn đề chỉ là ở việc điều đó đã đến sớm hay muộn và mức độ, hình thức của sự truy bức sẽ như thế nào mà thôi. Truy bức người khác ý luôn là bản chất của mọi chế độ độc tài, bất kể người đó là ân nhân, công thần hay thư ký riêng của lãnh tụ. Dù từ tốn hay ý nhị nhưng nếu chạm đến những vấn đề có tính sống còn của quyền lực độc đoán thì khó có thể tránh được sự truy bức của kẻ cầm quyền. Khúc chiết, lịch lãm như Nguyễn Mạnh Tường, mạnh mẽ, cương quyết như Hoàng Minh Chính, chân tình, bộc trực như Nguyễn Hộ hay cẩn trọng, tha thiết như Trần Độ đều không tránh được truy bức, thù ghét cho đến chết (dĩ nhiên chỉ của kẻ cầm quyền độc đoán thôi). Đó là những sự thật khắc nghiệt, xót xa mà những người bị áp bức, muốn tiến bộ cần phải nhận thức rõ. Nói cách khác, muốn có tiến bộ xã hội, con người không có cách nào khác là phải dám đối mặt với cái ác, phải tự dấn thân và trả giá. Nếu tôi không trả giá thì anh sẽ phải trả giá hoặc con cháu chúng ta sẽ phải trả hoặc tất cả sẽ mãi cùng sống kiếp nô lệ-tăm tối về tinh thần, tủi nhục về nhân phẩm.

Để tiến tới một đồng thuận xã hội trong việc chấp nhận cùng trả giá – điều kiện đủ-cho một tiến bộ xã hội bao giờ cũng cần phải có những trả giá (hy sinh) có tính tự phát, đơn lẻ và cô đơn. Xã hội, và thậm chí ngay cả những cá nhân dám trả giá, thường cũng chưa nhìn thấy hết tầm quan trọng của hành động dám trả giá (dường như vô vọng) đó. Nhưng kẻ cầm quyền độc đoán thì không. Đó chính là lý do tại sao những kẻ cầm quyền độc đoán sẵn sàng tìm mọi cách để bôi xấu, cô lập, vùi dập những cá nhân vô cùng bé nhỏ (so với quyền lực khổng lồ) nhưng dám đương đầu vì những khao khát tiến bộ đang thôi thúc trong nội tâm của họ. Nhưng, một khi truy bức của bạo quyền khổng lồ vẫn không lung lạc được ý chí của cá nhân bé nhỏ thì sức mạnh không còn hoàn toàn thuộc về kẻ nắm quyền nữa. Xác định chấp nhận mọi gian khổ của một cá nhân không chỉ giúp cho niềm tin của xã hội vào tiến bộ thêm vững vàng, sự tin tưởng của xã hội trong việc chống cái ác thêm mạnh mẽ mà còn có tác dụng lay động chính tâm can của kẻ truy bức. Một lý tưởng đúng và cao đẹp càng có sức lan tỏa và chỉ đủ sức thuyết phục toàn xã hội nếu lý tưởng đó vượt được qua trấn áp của bạo quyền. Chính vì vậy, một khi có thêm những người đang chịu sự truy bức và trong quần chúng có thêm người cùng ý thức được rằng chịu đựng gian khó, hy sinh cho tiến bộ là tất yếu và đầy giá trị thì có nghĩa là khoảng cách đến với tiến bộ đã được rút ngắn thêm một bước.

Lạc quan

Chỉ hơn một tháng, vụ án Cù Huy Hà Vũ đã hoàn tất hồ sơ (điều tra, cáo trạng) để chuyển sang “tòa án”. Các luật sư được tiếp xúc nhiều lần với bị cáo (sau khi có kết luận điều tra) và các trao đổi dường như không bị hạn chế. Đó là một tiến bộ rất lớn so với những vụ án chính trị chỉ cách đây không lâu. Có thể trong vụ án này có nhiều điểm ngoại lệ và tiến bộ đó chưa thành phổ biến nhưng đó là một tín hiệu cho thấy những tiến bộ của nhân loại vẫn có thể ngấm được vào những cấu trúc xã hội ù lì nhất, bảo thủ nhất. Điều quan trọng hơn nữa là lần đầu tiên những ủng hộ, chia sẻ có âm vang nhất dành cho kẻ bị cáo buộc là “phản động”, “chống đối nhà nước” – vẫn kiên cường sau song sắt nhà tù- đã đến từ nhiều người rất gần về địa lý, đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp và địa vị xã hội.

Có lẽ nhiều người đã nhận thấy cái giá mà Cù Huy Hà Vũ, gia đình và người thân của ông phải chịu đựng đang góp vào cái giá chung mà trào lưu tiến bộ của Việt Nam bắt buộc phải trả để Tổ quốc có thể thoát được một hiểm họa Bắc thuộc mới đang đến rất gần và toàn xã hội mới có thể được hưởng những điều thật về dân chủ, công bằng, văn minh. Vì suy cho cùng chả có con người nào có lý trí và nhân phẩm lại không ủng hộ việc bảo vệ Tổ quốc và những tiến bộ mà nhiều xã hội khác đã được hưởng từ rất lâu.

Dĩ nhiên khi một đảng chính trị (duy nhất) của một đất nước vẫn khăng khăng tuyên bố tiếp tục đưa đất nước đi theo một chủ nghĩa đã bị nhân loại tiến bộ lên án là tội ác, thì lạc quan là một sai lầm ngờ nghệch. Nhưng nếu xác định mọi tiến bộ xã hội chỉ thực sự và bền vững khi là kết quả của ý thức tự đòi hỏi, tự đấu tranh của người dân, chứ không phải từ sự ban ơn, từ sự thay đổi, “đổi mới” của kẻ cầm quyền, thì nhìn vào vụ Cù Huy Hà Vũ, chúng ta có quyền lạc quan. Vui và tin vào những cải thiện nhỏ nhưng cơ bản của dân trí, dân khí trong một ý thức rõ ràng về những khó khăn, thách thức to lớn trong hiện tại và cả tương lai. Đó có thể tạm gọi thuộc về chủ nghĩa lạc quan không tếu hay chủ nghĩa lạc quan cẩn trọng (cautious optimism, optimisme prudent).

24/01/2011

© Phạm Hồng Sơn

© Đàn Chim Việt

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Thời tiết tết ra sao?

Thời tiết tết ra sao?
23/01/2011 2:53

Sương mù dày đặc sẽ tiếp tục xuất hiện tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Miền Bắc sẽ đón xuân trong thời tiết rét và có mưa xuân nhẹ; miền Trung từ nay đến tết sẽ còn 2 đợt rét và mưa; miền Nam trước tết trời trở lạnh, có sương mù, triều cường và mưa trái mùa.
Băng tuyết ở vùng núi cao

Trong những ngày giáp tết, từ khoảng ngày 20-21.1 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc nước ta với cường độ không mạnh, di chuyển ra đông nam và suy yếu nhanh. Sau đó từ 24-25.1 (tức 21-22 tháng chạp) lại có một đợt không khí lạnh khác có cường độ mạnh tràn về kéo dài cho đến 27-28.1 (tức 24, 25 tháng chạp), sau đó suy yếu dần. Nhưng với hoạt động của không khí lạnh theo dạng sóng lạnh với từng đợt không khí lạnh bổ sung cách nhau vài ngày, thì có nhiều khả năng từ ngày 1-2.2 (tức 29, 30 tết) sẽ có một đợt không khí lạnh bổ sung và kéo dài qua đến mùng 3, mùng 4 tết.

Như vậy, miền Bắc sẽ đón xuân trong thời tiết rét và có mưa xuân nhẹ. Tình hình rét đậm còn xảy ra trên diện rộng, có nơi rét hại nhất là từ 22 đến 25 tháng chạp và trong những ngày Tết Nguyên đán. Vùng núi cao như đỉnh Mẫu Sơn, Sìn Hồ, Sapa, Tam Đảo, đèo Ô Quy Hồ có những ngày nhiệt độ giảm chỉ còn 1-3 độ C, có nơi xấp xỉ hoặc dưới 0 độ C, có nơi có sương muối, băng giá và cũng có thể lại xuất hiện tuyết rơi nhẹ trên các đỉnh núi cao từ 1.500-2.000m trở lên.

Hiện tượng La Nina đang hoạt động với cường độ còn mạnh và mạnh hơn La Nina 1917-1918, 1975-1976 và 1999-2001. Do vậy, hoạt động của các đợt không khí lạnh cực đới sẽ còn kéo dài cho đến đầu mùa hè 2011.
Đối với miền Trung, từ nay đến tết sẽ còn 2 đợt rét và mưa. Các tỉnh nằm giữa hai ngọn đèo Ngang và Hải Vân do có mưa và sương mù dày đặc kèm theo gió mùa đông bắc thổi mạnh làm cho trời thêm giá buốt trong những ngày giáp tết và đầu xuân. Miền Trung từ Đà Nẵng trở vào cho đến Khánh Hòa trời bớt rét, có mưa nhỏ và có những ngày trời hửng nắng nên ấm áp hơn, tiết trời xuân khá dễ chịu với không khí trong lành.

Hiện nay đang vào thời kỳ cao điểm của mùa khô đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình thời tiết sẽ chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng La Nina đang hoạt động với cường độ còn mạnh nên những đợt không khí lạnh sẽ lan truyền xuống phía nam, do vậy thời tiết có khả năng diễn biến phức tạp. Từ nay đến tết sẽ có vài ngày có mưa trái mùa do các nhiễu động trong đới gió đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường, chỉ là mưa nhỏ và chủ yếu xảy ra ở Đồng Nai, vài nơi thuộc TP.HCM và ven biển ĐBSCL.

Sương mù, triều cường và gió mạnh

Năm nay sương mù xuất hiện trên khu vực Nam Bộ nhiều hơn bình thường. Mỗi đợt không khí lạnh tăng cường, sương mù có thể xuất hiện trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày. Trước tết, trời trở lạnh với nhiệt độ thấp nhất ban đêm có lúc giảm mạnh, tại Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh sẽ xuống thấp khoảng 16-17 độ C, TP.HCM có lúc chỉ còn 18 độ C, còn các nơi khác 19-21 độ C. Do thời tiết khô hanh, độ ẩm giảm chỉ còn khoảng 60-70%, nên trong những ngày giáp tết cần hết sức đề phòng cháy rừng, chợ, khu dân cư, kho hàng do bất cẩn trong sinh hoạt, đốt nương rẫy...

Đợt triều cường vùng hạ lưu các sông ở Nam Bộ từ 17-20 tháng chạp khá cao. Tại TP.HCM, đỉnh triều ở trạm Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức giữa báo động 2 và 3, nên nhiều nơi bị ngập do nước triều dâng cao từ 3-5 giờ sáng và 17-19 giờ, sau đó nước rút nhanh. Đầu xuân sẽ có triều cường vẫn có thể ở mức khá cao từ mồng 1 đến mùng 4 tết. Đối với các tỉnh ven biển, gió mùa đông bắc mạnh còn kéo dài do không khí lạnh tăng cường nên bà con ngư dân đánh bắt vào dịp cuối năm cần chú ý đề phòng gió mạnh cấp 6 cấp 7, giật cấp 8 cấp 9, sóng có thể cao từ 3-5m, biển động mạnh trong những ngày có không khí lạnh tràn về.

Nhìn chung, từ nay đến Tết Nguyên đán, hiện tượng La Nina đang hoạt động với cường độ còn mạnh. Theo phân tích mới nhất ngày 19.1.2011, La Nina mạnh nhất được ghi nhận tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Thái Bình Dương, với các chỉ số của ENSO, bao gồm lượng mây che phủ vùng nhiệt đới, các chỉ số Dao động Nam (SOI), gió mậu dịch và nhiệt độ bề mặt nước biển Thái Bình Dương, tất cả vẫn vượt ngưỡng La Nina (kể từ giữa năm 2010 đến nay). Dựa vào các phân tích trên, La Nina lần này mạnh hơn La Nina 1917-1918, 1975-1976 và 1999-2001, do vậy hoạt động của các đợt không khí lạnh cực đới sẽ còn kéo dài cho đến đầu mùa hè 2011.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan
(Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Na

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

bạn bè In trang này Ăn phở 35 đô ở nước Việt Nam cộng sản

Ăn phở 35 đô ở nước Việt Nam cộng sản

Alastair Leithead
BBC News, Hà Nội

Trong lúc Việt Nam Cộng sản đang ngày càng áp dụng những cách làm của chủ nghĩa tư bản, khoảng cách giàu nghèo đang tăng nhanh.

Tôi đã từng có những ngày kỳ quặc, nhưng ngày Chủ Nhật đó ở Hà Nội chắc chắn là ngày rất kỳ quặc.

Việc đầu tiên tôi làm trong ngày là ngắm một người được bảo quản, trông như bức tượng sáp, sau đó là nếm phở đắt nhất ở Việt Nam- rồi xem chiếc xe hơi đắt giá nhất.

Tôi cũng tới buổi gặp ra mắt của câu lạc bộ những người chơi xe Harley Davison trước khi nếm mùi thực tế bằng cách ngồi khoanh chân trên sàn một nhà hàng và nhắp bia hơi.

'Bác Hồ Chí Minh', cha già dân tộc của nước Việt Nam này đã đề nghị được hỏa táng để không phải nằm lạnh giữa một lăng mộ tối đèn, bao quanh bởi lính bảo vệ luôn thúc giục đoàn khách vào thăm đi cho mau trong yên lặng, tay bỏ khỏi túi, mũ gỡ khỏi đầu.

Hàng trăm người Việt Nam và cả khách du lịch thường xuyên xếp hàng để vào viếng ông, trong hình dáng giống như khi ông vừa qua đời cách đây hơn 40 năm.

Đảng Cộng sản ở đây không muốn thay đổi nhưng với các nhà chọc trời mọc lên ở khu lân cận lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay đổi đang ập tới với ông.

Khách giàu

Địa điểm tiếp theo của tôi là để thưởng thức phở, món súp tiếp đạm cho quốc gia thường được bán với giá một đô la.

Nhưng chúng tôi không đến những quán phở thường mà tới nếm thử loại phở đắt nhất nước với giá 35 đô la một tô.

Hai chiếc xe Porsche hai cầu đỗ bên ngoài quán. Tôi còn không biết là Porsche chế tạo cả xe hai cầu.

Ông chủ quán nói với chúng tôi về chất lượng thịt bò Nhật, độ sạch sẽ của bếp nấu và số tiền mà những người giàu sẵn sàng bỏ ra để húp món phở đắt nhất Việt Nam.

Một thực khách thú nhận ông vừa ăn món phở đặc biệt của nhà hàng và gần như cảm thấy có lỗi khi nói với tôi ông làm cho chính phủ.

Chúng tôi cũng nhận được ánh mắt nghi ngờ của một Ủy viên Trung ương Đảng bước nhanh ra khỏi cửa và chui vào chiếc Mercedes trong lúc người trông nom tôi thử món phở mà cô nói không tới mức 35 đô la ngon hơn phở cô thường ăn.

Đồng sàng dị mộng

Vâng, người trông nom chúng tôi...


Những nguyên tắc được bảo quản từ thời ông Hồ có vẻ vẫn thắng thế

"Đảng" cũng thích kiểm soát. Nhưng đây không phải là nước cộng sản mà chúng ta tưởng tượng ra từ những năm 1950-1960.

Dĩ nhiên cờ đỏ treo ở mọi góc phố nhưng hình búa liềm tung bay trên đường đối diện với một cửa hiệu Chanel trong khi các áp phích tuyên truyền nằm ngay gần cửa hàng Louis Vuitton.

Những biểu tượng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản - đồng sàng dị mộng.

Ngay cả những người trông nom chúng tôi cũng cười và nhún vai khi được hỏi ý thức hệ và thực tế có thể dung hòa như thế nào.

Họ tỏ ra thẳng thắn và trung thực về những điều quái dị. Ít nhất tôi từng nghĩ họ sẽ phản ứng xã giao và nghiêm nghị, thậm chí đầy đức tin.

Còn ông chủ khách sạn đưa ra cách lý giải riêng: "Vỏ là cộng sản nhưng ruột là tư bản".

Chúng tôi đã thấy lớp vỏ đó - một tập thể các 'đồng chí' tại Đại hội Đảng nhất loạt đồng tình về đội ngũ lãnh đạo mới.

"Có ai phản đối không?" - vị chủ tọa hỏi với cái nhìn lướt qua.

Dĩ nhiên là không. Chất vấn hệ thống là điều không thể dung thứ.

Nhưng rồi tất cả những đấu đá, tranh cãi diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Đoàn kết bề ngoài là cách họ thể hiện Sức mạnh.

Hột xoàn

Và chúng tôi đã nhìn thấy phần 'ruột' trong cuộc gặp với một trong những người giàu nhất nước.

Chúng tôi được nghe về dự án nhiều triệu đô la xây tòa nhà cao nhất miền Trung, khách sạn ngoài bờ biển của ông và khu biệt thự cao cấp giá hai triệu đô la mỗi căn, các khu công nghiệp và mục tiêu kiếm nhiều tiền hơn nữa qua việc thay thế bỏ hãng xưởng may áo sơ mi và giày để xây nhà máy làm đồ điện tử công nghệ cao.

"Nếu Đảng đi con đường khác với người dân Việt Nam thì họ không thể sống sót được," ông dũng cảm nói.

Đó là sự tự tin từ đến từ tiền cải.

Và thanh niên 26 tuổi tràn đầy tự tin cũng cho tôi xem chiếc xe Rolls-Royce Phantom được chế tạo theo đơn đặt hàng đang hợm hĩnh phô kính trước mặt những người bán hàng rong đội nón lá.

Người anh toát ra toàn kim hoàn và hột xoàn. Khi là chủ cửa hàng bán xe đắt tiền như thế này, người ta có thể dùng điện thoại giát vàng và đồng hồ gắn kim cương.

Ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Một thành viên ngoại quốc của câu lạc bộ Harley Davidson

Thế còn câu lạc bộ chơi xe Harley Davidson? "Ông sẽ không bao giờ nhìn thấy nhiều xe hạng sang như thế này ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới," một trong những người nước ngoài là thành viên câu lạc bộ nói với tôi.

Và đây chắc chắn là thói quen đắt giá. Những người chơi xe thường có máu nổi loạn.

Ở một góc độ nào đó, tôi nghĩ là họ cũng muốn tỏ ra như vậy nhưng động cơ của chiếc xe họ lái cũng chỉ gầm rú để toát lên mùi tiền trong cảnh xung quanh là người dân nghèo ở Hà Nội.

Tôi đã trải nghiệm một ngày với những người giàu có khi ở đây còn hàng triệu người không xu dính túi.

Sau cơn phấn khích, tôi ngồi uống nước với một nhà báo địa phương.

Cô kể về sự trấn áp, những cuộc gọi lúc nửa đêm, điện thoại bị nghe lén và những cảnh bị bám đuôi.

Những người dám thách thức chính quyền thường bị bỏ tù.

Lớp vỏ vẫn còn rất cứng. Những nguyên tắc được lưu giữ trong tủ kính ở Lăng ông Hồ vẫn là phần chủ đạo.

Những tài năng ham muốn kiếm tiền đang cùng sống với hệ thống chính trị. Nhưng khi đồng tiền đổ vào, nền kinh tế nóng lên, thay đổi là điều không thể cản được.

Đảng có thể giữ phần chèo lái và chỉ đạo, nhưng phải có bàn tay vững chắc lắm thì mới có thể chặn được thủy triều.

PHÚC LỘC THỌ, CÁC CỤ... LÀ AI ?


PHÚC LỘC THỌ, CÁC CỤ... LÀ AI ?

DƯƠNG DUY NGỮ


Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, ông Lộc là một quan tham chuyên ăn của đút lót. Ông Thọ lại là vị quan thực dụng, ưa xu nịnh vua để được ban thưởng, trong dinh của ông cung nữ nhiều chẳng kém ở cung vua. Chỉ có ông Phúc là quan thanh liêm, ngay thẳng, con cháu đề huề.
Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu ta cũng gặp các cụ Phúc, Lộc, Thọ. Các cụ thường được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách, trên nóc tủ chè, có nhà còn làm cả bàn thờ rõ đẹp để thờ ba cụ cầu mong được phúc, được lộc, được thọ. Người sang thì có cả ba cụ bằng gốm Tàu rõ to, rõ đẹp. Người tầm tầm thì bằng gỗ pơ-mu hoặc sứ Bát Tràng…
Xin thưa, theo truyền thuyết, cả ba cụ đều là người Hán và dĩ nhiên đều sinh ra ở Trung Nguyên. Và ba cụ đều làm quan to ở ba triều đại.
Hãy kể theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Phúc. Cụ Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.
Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt ta có câu: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ nhiên phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:
- Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du.
Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:
- Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…
Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.
Cụ thứ hai là cụ Lộc. Cụ Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc.
Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:
- Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?
Còn cụ thứ ba, cụ Thọ. Cụ Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua.
Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy-âm-để-dưỡng-dương.
Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:
- Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.
Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:
- Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?
Cụ Đông Phương Sóc 125 tuổi mới chịu từ giã cõi đời. Khi cụ chết thì con không còn, cháu cũng đã hết cơm hết gạo mà chắt đích phải làm ma, phải thay cha, thay ông, chở cụ nội. Vậy làm quan như cụ, thọ như cụ phỏng có ích gì?
Qua ba bức tượng Phúc, Lộc, Thọ người đời thấy, người Hoa Hạ thật là tài giỏi. Họ đã khéo xếp ba vị thừa tướng, ba tính cách khác nhau ở ba triều đại khác nhau để răn đời.
Trong ba điều ước Phúc, Lộc, Thọ ấy chỉ có thể được một mà thôi.
( Theo Chút lưu lại)

Câu chuyện đàn chó sói Đỗ Mai Lộc

Câu chuyện đàn chó sói
Đỗ Mai Lộc

Kỳ 1: Đại hội Đàn Chó Sói

Trước khi đi vào câu chuyện, bạn đọc chú ý từ viết tắt để tránh nhầm lẫn:

• CS – Chó Sói;
• ĐCS – Đàn Chó Sói;
• BCT – Bầy Chó To trong Đàn Chó Sói;
• CNCS – Chủ Nghĩa Chó Sói;
• ĐC – Đồng Chó;
• CT – Chó Tổ;
• HCT – Hồ Chó Tổ

Chuyện kể rằng:

– Trong khu rừng nọ, các loài thú cùng nhau sinh sống tuân theo quy luật của tự nhiên từ hàng ngàn năm qua. Thỉnh thoảng có những xung đột từ bên trong để lựa chọn đàn thú cầm đầu khu rừng hoặc các loài thú trong rừng đoàn kết với nhau để chống lại thú rừng từ phương Bắc xâm phạm.

Lần này cũng vậy, khu rừng bị loài thú phương Tây đến xâm phạm và cai trị, vì bản năng sinh tồn tất cả muôn thú cùng nhau đứng lên bảo vệ khu rừng của mình, cuối cùng cũng thành công tuy rằng mất mát, hy sinh cũng rất nhiều. Để bảo vệ thành quả đạt được và duy trì trật tự sau nhiều năm nô lệ, các loài thú cùng nhau bầu đại diện để cai quản khu rừng. Lần này, tham gia cai quản khu rừng thời gian đầu có những Chó Sói (CS), lúc đầu các loài thú khác không đồng ý CS cai quản, vì sợ bản năng sống bầy đàn tàn bạo, độc ác, nham hiểm. Để trấn an dư luận, lấy lòng các thú khác trong rừng, những CS đầu đàn đã tuyên bố chúng tham gia cùng các loại thú khác cai quản khu rừng với trách nhiệm của một loài thú yêu rừng, đồng thời cũng thông báo tự giải tán bầy đàn và từ bỏ bản năng ĐCS. Muôn thú trong rừng cùng nhau bàn bạc và thống nhất trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và bảo vệ sự độc lập, tự do cho khu rừng. Đã xây dựng nên “Nguyên tắc Sống chung” cho khu rừng, trong đó có những điều khoản như: Không có sự độc tài lãnh đạo của Đàn Chó Sói (hay bất cứ loại thú nào). Muôn thú được bình đẳng và hưởng đầy đủ quyền tự do mà tạo hóa ban tặng…

Cứ tưởng mùa xuân thanh bình sẽ trở lại cho khu rừng nhiệt đới giàu có với “rừng vàng, suối bạc, đất phì nhiêu”. Nhưng bất hạnh thay cho muôn loại, từ khi tham gia cai trị khu rừng, bản năng hung ác trổi dậy, lũ CS đã dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ để dần dần tiêu diệt các loài thú khác, lúc công khai, lúc bí mật, lúc cả ĐCS cùng xâu xé từng con thú lớn, lúc hủy diệt từng nhóm thú nhỏ. Đến khi những con thú lớn cùng cai trị khu rừng bị tiêu diệt không còn đối trọng, Chó Sói lúc này mới công khai bộc lộ bản chất dã thú của chúng ra để cai trị khu rừng:

– Phủ nhận công lao của muôn loài đấu tranh giành độc lập cho khu rừng. Ngang nhiên hủy bỏ “Nguyên tắc Sống chung” mà muôn thú đã cam kết từ trước và tự xây dựng một phương thức cai trị khác theo kiểu CS;

– Bản chất CS trước đây đã bị buộc phải tự giải tán, bây giờ công khai và tuyên bố chỉ có ĐCS cai trị khu rừng. ĐCS dùng quyền lực tự nâng quyền hành hơn cả những loài thú khác để cai quản khu rừng;

– Bảo vệ uy quyền ĐCS đưa ra biểu tượng là “hàm răng - nắm đấm” bắt chéo với nhau để răn đe, sẵn sàng đập vỡ đầu, cắn đứt cổ kẻ nào không chấp nhận chính sách cai trị của chúng;

Các Đồng Chó (ĐC) cùng nhau chia chác lợi ích tước đoạt được
– Mục đích của CS là áp đặt toàn bộ muôn thú trong rừng phải theo Chủ Nghĩa Chó Sói (CNCS) do ĐCS cai trị. Chúng xưng hô với nhau là Đồng Chó (ĐC), để cùng nhau cai trị muôn loài, chia chác lợi ích tước đoạt được;

– Cũng như từng dòng tộc, người khai sinh ra gọi là “Thủy tổ”, ĐCS cũng dựng nên một Chó Tổ (CT) để thờ phụng. CT này vốn là một CS, đã đi khắp nơi tích tụ bản chất CS của nhiều vùng miền khác nhau, mức độ tàn ác, âm mưu nham hiểm, biến hóa còn hơn cả loài Hồ ly tinh. Tự đề cao cho mình tài trí hơn kẻ khác, nên CS này tự đặt cho mình cái tên Hồ Cao Mưu. Đàn Chó Sói suy tôn Hồ Cao Mưu là Chó Tổ và thường gọi một cách trang trọng là Hồ Chó Tổ (HCT). Cũng có CS đã gọi là Hồ Chó Mẹ (Má), để thể hiện công lao kẻ đã sinh ra ĐCS phương Nam;

– Đến khi bản chất, bản năng cai trị của CS bị muôn loài oán hận, không còn tin tưởng nữa, ĐCS tô vẽ, thần thánh hóa một HCT với hình ảnh vô cùng đạo đức, tài năng xuất chúng, để mị dân, tuyên truyền, tiếp tục răn đe, lừa bịp, buộc muôn thú phải học tập và bắt chước tấm gương đạo đức HCT nhằm dễ dàng thuần phục;

– Trong ĐCS những con to khỏe, hung hãn, thâm độc nhất lập thành một Bầy Chó To (BCT) mỗi CS trong BCT này kiểm soát một lĩnh vực cụ thể như: Tổ chức, tuyên truyền, đàn áp, bóc lột…

Để củng cố quyền lực, ĐCS đã xây dựng hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, kiểm soát tất cả mọi vị trí trong cộng đồng xã hội. Thần dân, muôn thú trong rừng phải làm việc nhiều hơn để nuôi bộ máy của ĐCS. Năm Cọp trôi qua năm Trâu sắp đến, một mùa Xuân nữa lại về, nhưng muôn thú lầm than, kiếm ăn khó khăn hơn. Đàn Chó Sói tổ chức Đại hội từ dưới lên trên để lập ra Bầy Chó To mới (BCT cũ vốn quá già nua). Muôn thú trong rừng không sót một ai, phải làm việc nhiều hơn nữa để cống nộp cho ĐCS tổ chức hàng chục ngàn đại hội linh đình, quy mô, hoành tráng.

Đêm nằm trời lạnh, bụng đói không ngủ được, Mẹ (Đất Nước) kể cho Con (Dân) nghe “Câu chuyện Đàn Chó Sói”, trong khi ngày ngày phải lo toan nhọc nhằn kiếm sống và cùng với muôn loài gượng gạo ca bài ca “Chào mừng Đại hội Đàn Chó Sói thành công tốt đẹp”.

Đỗ Mai Lộc
© Thông Luận 2011

Một tập đoàn lãnh đạo vô liêm sỉ

Một tập đoàn lãnh đạo vô liêm sỉ
Lê Duy Nhân
Chẳng cần phải đợi đến lúc chính thức công bố, người dân trong và ngoài nước mới biết những khuôn mặt mới mà cũ trên thượng từng quyền lực đảng CSVN, vì việc bầu bán Trung Ương rồi Bộ Chính Trị chỉ là trò trình diễn, trong thực tế việc ai đi ai ở, ai ngồi ghế Tổng Bí Thư, ai ngồi ghế Thủ tướng, ghế Chủ tịch nước, ghế Chủ tịch Quốc Hội thì đã được mua bán, dàn xếp trước đại hội đảng cả năm, nên Sứ quán Mỹ ở Saigon mới biết mà báo cáo về nước (do Wikileaks rò rỉ).

Người ta không ngạc nhiên khi “thế tử” Nông Quốc Tuấn lọt được vào Trung Ương Đảng, vì mưu đồ này đã được “đức vua cha” tiến hành từ trước đại hội X. Nhưng việc nhét Nguyễn Thanh Nghị, con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào Trung Ương Đảng mà không thông qua đề cử của đảng bộ và được bầu ngay tại đại hội, là một hành động coi thường luật lệ Đảng, khinh thường 1.400 đại biểu. Thế mà không một đại biểu nào dám lên tiếng phải đối.

Ngoài Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Chí Vịnh (con trai tướng Nguyễn Chí Thanh, một người từng bị nhiều tướng lãnh lên án và yêu cầu Bộ Chính Trị truất bỏ) một lọat con cháu lãnh tụ cao cấp đuợc cấy vào Trung Ương Đảng trong “qui họach trồng người” của Bộ Chính Trị như :

– Trần Sỹ Thanh, cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, người mới lên chức Chủ tịch Quốc Hội;
– Nguyễn Xuân Anh, con trai của Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Chi vừa nghỉ hưu;
– Phạm Bình Minh, con trai cố Bộ Trưởng Ngọai Giao Nguyễn Cơ Thạch (LTS: Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương);
– Trần Bình Minh, con trai ông Trần Lâm, nguyên Tổng Giám Đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam;
– Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập;

Các đại biểu cắc ké chỉ đến đại hội để nghe diễn văn, vỗ tay và bỏ phiếu theo chỉ thị ngầm còn những đảng viên chóp bu thì Ba Dũng đã mua chuộc, trao đổi hết rồi. Guồng máy lãnh đạo ngày nay được xây dựng trên tiền-quyền, như lời Gs Vũ Huy Từ (Phó Chủ Tịch Hội Khoa Học Kinh Tế Việt Nam): “Tình trạng mua quan bán chức diễn ra quá phổ biến. Chức trưởng phòng một triệu đô, có người nói chức chủ tịch là cả chục triệu đô, chức hiệu trưởng của một trường đại học cũng là tiền tỉ…”. Nhưng chắc chắn chức Hiệu phó trường kiến trúc của “thế tử” Nguyễn Thanh Nghị thì không tốn một xu. Đứa nào dám đòi tiền hối lộ nơi Thủ tướng, người đứng đầu ngành mua quan bán chức

Đại hội Đảng nào chẳng giống đại hội Đảng nào. Từ hơn nửa thế kỷ nay đất nước đã vào “khuôn phép” của Đảng. Bộ Chính Trị Đảng chọn người lãnh đạo, chọn chính sách cai trị dân, đặt ra lụật pháp, thi hành luật pháp theo ý riêng của một nhúm người trong Bộ Chính Trị. Hãy nghe Giáo sư Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa Quản Lý Kinh Tế trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nguyên thành viên Ban Nghiên Cứu Thủ Tướng nói về bầu bán trong đại hội Đảng: “Mình đi bầu một trăm rưỡi ông thì mình có biết gì đâu, tôi có quen biết gì thì cũng chỉ đến được ba chục ông là cùng, thế là bầu mò cho nên đại hội là tiểu hội mà là giả hết, không dân chủ”.

Bầu mò, đại biểu dởm nên cái Trung Ương Đảng nó như thế nào thì ta có thể hình dung ra rồi. Với một tập đoàn lãnh đạo như vậy mà hy vọng nó đổi mới chính trị thì cũng giống như hy vọng mặt trời mọc vào nửa đêm. Chả vậy mà Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ Lợi, từng là Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ phải than rằng: “Vẫn còn đảng trị kim cô, đổi mới cải cách chỉ là trò mị dân, đảng trị kim cô này ăn trên ngồi chốc, đè đầu cưỡi cổ nhân dân…”

Vẫn còn đảng trị kim cô
đè đầu cưỡi cổ nhân dân
Mong ước đảng cầm quyền cắt bỏ cái đuôi XHCN trong kinh tế thị trường cũng là điều hoang tưởng như bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin. Hãy nhìn thẳng vào tâm địa của tập đòan lãnh đạo Đảng thì mới hiểu được tại sao nó tham quyền cố vị và khinh rẻ nhân dân như vậy .

Đại biểu Trịnh Long Biên nói về tình hình tham nhũng, lãng phí, đạo đức suy thoái đã len vào các vùng “nhạy cảm” nghĩa là vùng bất khả xâm phạm tại thượng tầng lãnh đạo. Nên di căn tham nhũng, tham ô, truỵ lạc là từ cấp trên lây lan xuống cấp dưới. Lọai bỏ tham nhũng thì đảng hết đảng viên. Cho nên muốn giữ đảng thì phải dung túng tham nhũng, muốn dung túng tham nhũng thì phải bảo vệ độc tài đảng trị. Vì vậy mà ông Đinh Thế Huynh, Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà Báo, được đưa vào Bộ Chính Trị sau khi dày mặt tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng: “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và nhất quyết không chấp nhận đa nguyên đa đảng”. Ông Huynh dựa vào đâu mà nói Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng? Ai cho ông cái quyền ăn nói vô thiên vô đạo như một bạo chúa thời phong kiến trung cổ như vậy?

Điểm qua danh sách Bộ Chính Trị mới, người ta ngán ngẩm đến độ không muốn nghe nói đến tên của họ. Lại vẫn 9 vị nổi tiếng dốt nát kinh bang tế thế, nhưng xảo quyệt về mưu chước cầm quyền, cực kỳ tham nhũng, cửa quyền, nặng tinh thần bè phái hơn tình yêu nước thương nòi. Đối với dân thì độc ác như hùm beo, đối với kẻ thù thì khúm núm hèn nhát như bầy khỉ trước miệng cọp. Năm người mới thì từ tài trí tới đức độ đều mờ nhạt không hơn gì những người đã rút lui. Báo VNExpress chỉ nói rằng trong Bộ Chính Trị có 10 vị có bằng tiến sĩ, mà không nói ai có - ai không và bằng tiến sĩ về môn gì, có giống như “Tiến sĩ Xây Dựng Đảng” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hay “Tiến sĩ Tuyên Giáo” của ông Tô Huy Rứa hay “Tiến sĩ Hợp tác Lao động Nước ngoài” của thế tử Nông Quốc Tuấn không?

Ai còn một chút nghi ngờ về “tài đức” của tập đoàn lãnh đạo CSVN thì xin nghe phát biểu của ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam về mối quan hệ giữa đảng cộng sản và nhân dân:

“Một thực tế đau lòng hiện nay là tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang phổ biến ở khắp nơi.”

Những phản biện gay gắt nhất đều xuất phát từ những cựu đại công thần Đảng, từ những người anh, người thầy của tập đoàn lãnh đạo hiện nay. Nhưng nước thánh đổ đầu vịt cũng thế thôi. Khi những người lãnh đạo đã bị tiền-quyền biến thành những kẻ vô liêm sỉ thì con đường cứu quốc duy nhất là đạp đổ cái chính quyền vô cảm đã sinh ra nó và trên hết là phải vứt bỏ cái chủ nghĩa hoang tưởng và phi nhân đã đẻ ra cái chính quyền vô đạo đó.

Xin mượn lới ông Vladimir Putin, Thủ tướng Nga, (từng là nhân viên cao cấp của mật vụ KGB khi Đảng Cộng sản Liên Xô cũ chưa sụp đổ) để kết luận bài này:

“Kẻ nào tin những gì Cộng Sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời Cộng Sản là không có trái tim”.

Lê Duy Nhân
© Thông Luận

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Thư gửi các tân ủy viên Trung ương

Thư gửi các tân ủy viên Trung ương
Cập nhật lúc 20/01/2011 05:57:00 AM (GMT+7)
- Các vị là người đã có chức danh, xin hãy phấn đấu để thành danh, nghĩa là ghi đậm được dấu ấn của mình trên cương vị mới - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng gửi gắm.
>> Tân Tổng Bí thư: “Tôi làm không phải để đánh bóng”
>> Toàn văn họp báo của tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
>> Ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng bí thư
>> "Tổng bí thư phải là con chim đầu đàn"
>> Tân TBT: Kiên định độc lập tự chủ, phát huy dân chủ
LTS: 1 tuần Đại hội Đảng XI đã kết thúc với việc ra mắt ban lãnh đạo mới của Đảng. Với 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương khóa XI, người dân đang kỳ vọng đó sẽ là những người đáp ứng tốt được yêu cầu mới của lịch sử và chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà đi tới một thời kỳ phát triển mới. VietNamNet giới thiệu lá thư của nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh gửi các ủy viên Trung ương này.
Theo những gì mà toàn Đảng, toàn dân được biết thì các vị đều là những người xứng đáng vì đã hội đủ các tiêu chuẩn đức, tài theo như quy định về tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương đã được công bố và được xác nhận của Đại hội.
Các vị đã được đề cử, các vị không rút lui khi tiến hành bầu cử có nghĩa là các vị đã tự xem xét, tự đánh giá mình một cách nghiêm túc, chân thành với tinh thần cộng sản và Đại hội đã tin tưởng ở sự thành thật nơi các vị, đã quyết định bầu các vị, tức là tín nhiệm, giao trọng trách cho các vị, có nghĩa là các vị tự giác dấn thân, sẵn sàng hy sinh chiến đấu cho Đảng, cho dân tộc với tư cách là một chiến sĩ tiền phong tiêu biểu trong Đội tiền phong của dân tộc.

Biểu quyết tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: Hoàng Long
Chúng tôi cùng đa số các tầng lớp nhân dân đã từng tin và vẫn đang giữ trọn niềm tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn có tư cách của một đảng chân chính cách mạng, nhất định trước sau vẫn khắc cốt, ghi lòng, tạc dạ lời căn dặn của Người rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr249).
Thực trạng Đảng ta và trong xã hội ta - như chính các văn kiện Đại hội đã thẳng thắn chỉ rõ - đang có những biểu hiện suy thoái, tiêu cực làm giảm sút đáng kể uy tín của Đảng và là một nguy cơ của chế độ. Đại hội lần này đã tỏ thái độ kiên quyết chỉnh đốn đội ngũ và thể hiện quyết tâm làm xoay chuyển tình hình để tiếp tục tiến lên. Những tuyên bố ấy của Nghị quyết Đại hội đang có sức hấp dẫn sự chú ý của toàn dân tộc, đang hâm nóng tinh thần những người đã, hay đang có dấu hiệu nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Sứ mệnh lịch sử của Đảng trong giai đoạn mới, trước tiên, đặt lên vai các đồng chí tân ủy viên Trung ương, tân ủy viên Bộ Chính trị và tân Tổng bí thư bởi vì các vị có trọng trách trước tiên trong việc biến những tuyên bố tích cực của Đảng thành hiện thực.
Là một đảng viên cộng sản theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn.
Là một ủy viên trong Ban chấp hành TƯ của Đảng thì vinh dự lại càng lớn.
Trên đất nước này, ở thời đại ta đang sống, hẳn không có gì vinh dự nào hơn thế!
Vinh dự vì được có quyền uy là người lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng duy nhất cầm quyền. Cũng cần nói thêm một ý này của Ph.Ăngghen là không có quyền nào mà lại không có lợi trong đó. Cái lợi không chỉ là ở sự đãi ngộ vật chất để các vị an tâm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân mà còn có cái lợi về tinh thần, là niềm tự hào về sự phấn đấu của bản thân, là người đem lại vinh quang cho cả quê hương, dòng tộc và gia đình mình, là người sẽ góp phần làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi Việt Nam trong thời kỳ mới.
Là những người có bề dày kiến thức và kinh nghiệm, các vị thừa hiểu rằng người lãnh đạo, quản lý ắt phải có quyền uy, nếu xã hội không được điều khiển bằng quyền uy thì sẽ là xã hội vô tổ chức, sẽ rối loạn. Quyền uy của mỗi người, của mỗi tổ chức chính là sức mạnh của những người có chức vụ nắm giữ và buộc những người khác phải phục tùng. Nhưng sức mạnh ấy do đâu mà có?
Trước hết, quyền và uy có tính khách quan, do toàn Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc thay mặt ủy thác, giao phó. Trước khi được bầu, các vị chưa có quyền uy. Sau Đại hội, các vị đã là người có quyền uy. Đó là quyền uy từ bên ngoài trao cho mỗi người, do tính tất yếu khách quan mà có.
Thứ hai, quyền uy còn có mặt chủ quan, là sức mạnh của chính bản thân mỗi người. Đó là trí tuệ (trí tuệ không đồng nghĩa với bằng cấp, học hàm, học vị; nó là khả năng vượt trội trong việc nắm bắt quy luật, có khả năng dự báo, dám quyết và dám chịu trách nhiệm trước những vấn đề khó khăn mà với tư duy của nhiều người, có khi là số đông, chưa đạt tới).
Đó là đạo đức, là nhân cách của một "người lớn" mà người ta thường gọi là những đại nhân. Đã là người lớn thì chắc chắn phải là một người không nhỏ hẹp, không tư túng, không tham quyền cố vị, không thiên vị, biết tôn trọng mình và tôn trọng danh dự của Đảng, danh dự của dân tộc; có tinh thần quốc sỉ (xấu hổ vì sự kém cỏi của quốc gia) như cách nói của C.Mác.
Vĩ đại như Bác Hồ mà Người đã từng nói mình lấy làm xấu hổ vì để đồng bào còn bị khó khăn, thiếu thốn hoặc bị đọa đầy đau khổ. Những người có đức, có tài như thế, tự bản thân họ toát ra một sức mạnh cảm hóa, hấp dẫn, lôi cuốn những người khác. Xưa đã thế và nay lại càng cần như thế. Đạo đức, nhân cách của mỗi người chính là sức mạnh tạo nên quyền uy của họ mà những người khác tự giác tin theo và phục tùng.
Chúng tôi tin rằng, ở những mức độ khác nhau nhưng các vị ít nhiều đều có sức mạnh tự thân đó.
Nhân dân coi các vị là những người ưu tú của Đảng và của dân tộc, mỗi vị đều là một viên ngọc quý của quốc gia, nhưng nhân dân cũng hiểu rằng không phải mọi viên ngọc đều sáng trong như nhau đều không có tì vết gì. Bác Hồ đã từng nói rằng: “Trong Đảng tá gồm những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta... Tuy vậy, không phải người người đều tốt, việc việc đều hay... Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại... Rất giản đơn, dễ hiểu: Đảng ta không phải trên trời rơi xuống. Nó ở trong xã hội mà ra... Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khỏe, bình an” (T5, tr.262-263).
Nhân dân tin, rất tin là các vị sẽ thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thì Đảng ta, trước hết là Ban chấp hành TƯ sẽ ngày càng trong sạch, đoàn kết.
Ph.Ăngghen đã nói về việc xuất hiện các vĩ nhân như sau: "Dĩ nhiên thật là một điều ngẫu nhiên thuần túy mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó, trong một nước nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tốt hay xấu nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện".
Thời thế đòi hỏi trước sau cũng phải xuất hiện những người anh hùng đáp ứng yêu cầu của thời thế nhưng những người anh hùng cũng có thể góp phần tạo ra thời thế mới, thậm chí một thời đại mới. Lịch sử dân tộc ta và chính lịch sử của Đảng ta đã chứng tỏ điều đó. Hy vọng rằng vận nước đã tới, các vị sẽ là những người đáp ứng tốt được yêu cầu mới của lịch sử và chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà đi tới một thời kỳ phát triển mới, tới bến bờ hạnh phúc: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Là người đã có chức danh, xin các vị hãy phấn đấu để thành danh, nghĩa là ghi đậm được dấu ấn của mình trên cương vị mới, ở một địa phương, đơn vị mà các vị đảm nhiệm, để Tổ quốc, nhân dân vinh danh.
Chúc các vị thành công, luôn xứng đáng với vinh dự và trọng trách vừa được trao để đáp ứng niềm tin và hy vọng của đồng chí, đồng bào và bè bạn gần xa.
Trần Đình Huỳnh

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Danh sách trúng cử Bộ Chính Trị khóa 11

1. Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X.

2. Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.

3. Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X.

4. Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.

5. Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IX, X.

6. Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X.

7. Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X.

8. Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X.

9. Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X.

10. Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.

11. Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

12. Ngô Văn Dụ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

13. Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

14. Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

——

Tân Tổng Bí Thư

Ông Nguyễn Phú Trọng

Bài viết kính tặng Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp

VỀ MỘT CÂU NỔI TIẾNG CỦA NGŨ TỬ TƯ: TRỜI TỐI, ĐƯỜNG XẤU BUỘC PHẢI ĐI NGƯỢC, LÀM TRÁI ?


Bài viết kính tặng Tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông được đắc cử tại Đại hội Đảng lần thứ XI !
Phúc Lộc Thọ.
Ngũ Tử Tư còn có tên gọi là Ngũ Viên vốn là người nước Sở, nay là địa bàn tỉnh Hồ Bắc. Về Ngũ Tử Tư hiện còn có nhiều truyền thuyết: Một đêm bạc đầu, Đào mả quất roi, Móc mắt treo nơi cửa thành...
Đặc biệt, Ngũ Tử Tư đã để lại cho đời sau một câu nói nổi tiếng, đó là câu nói với Thân Bao Tư, một bạn cũ người đang theo phò vua Sở Chiêu Vương, kẻ thù giết cha và anh của Ngũ Tử Tư: “Trời tối, đường xấu buộc phải đi ngược, làm trái !”
Trước khi đi sâu vào giới thiệu văn cảnh ra đời và hàm ý của câu nói nổi tiếng kể trên, xin giới thiệu vài nét về Ngũ Tử Tư.
Theo truyện Đông Chu Liệt Quốc, Ngũ Viên có tên tự là Tử Tư người nước Sở là người văn võ song toàn, cha ông là Ngũ Xa là người chính trực làm quan nước Sở, nhưng bị kẻ xấu hãm hại, bị vua khép vào tội phản nghịch bắt giam lại để xử tội. Sở Bình vương là vua nước Sở sợ hai con của Ngũ Xa sẽ làm phản nên ép Ngũ Xa viết thư dụ hai con về triều để vua phong chức. Nhận được thư của cha, Ngũ Thượng là anh của Ngũ Viên tin cha theo về triều nhưng Ngũ Viên biết trước sự lừa dối của vua Sở không theo mà lập tức trốn đi, trước khi đi còn bảo với một viên quan đại phu nước Sở rằng:
"Nước Sở muốn còn giữ được cúng tế thì chớ giết cha và anh ta, bằng không thì tất ta phải diệt nước Sở mới hả lòng căm tức của ta!"
Vua Sở không bắt được Ngũ Viên tức giận giết cha và anh của Ngũ Viên đồng thời đưa quân đi khắp nơi để bắt Ngũ Viên. Do bị truy lùng khắp nơi nên ông đi đến cửa quan định sang nước Ngô mà không qua được. Một đêm nằm suy nghĩ không ngủ được, đứng dậy đi đi lại lại trong nhà, nghĩ ngợi đến tận sáng hôm sau thì toàn bộ râu, tóc biến thành trắng xóa. Sau đó ông được người giúp đỡ đưa qua cửa quan sang nước Ngô.
Sang Ngô, ông đã giúp công tử Quang giành ngôi báu, tức là vua Hạp Lư. Hạp Lư trọng dụng ông, cho làm quan đại phu. Ngũ Viên tiến cử Tôn Vũ cho vua Ngô. Vua Ngô rất tin dùng ông và Tôn Tử giao trọng trách gánh vác đất nước cho hai người.
Nhờ có sự trị vì về chính trị và quân sự của Ngũ Viên và Tôn Tử nên nước Ngô trở lên thịnh trị mở mang bờ cõi, thuần phục nhiều nước. Sau khi đánh bại nước Việt, Hạp Lư, Ngũ Viên và Tôn Tử đã đánh chiếm sang nước Sở và tiến vào thành Sính Đô của nước Sở.
Khi đó Sở Bình vương, kẻ đã giết cả cha và anh của Ngũ Viên đã chết, con của Sở Bình vương là Sở Chiêu vương nối ngôi cũng trốn đi nên Ngũ Viên không bắt được, ông tức giận đào mộ của Sở Bình vương lên rồi dùng roi đồng đánh luôn ba trăm roi vào thi thể của Sở Bình vương khiến cho thịt nát, xương rơi để báo thù cái tội giết cả nhà Ngũ Viên khi trước.
Trước hành động báo thù tàn khốc của Ngũ Tử Tư, Thân Bao Tư, một bạn cũ của Ngũ Tử Tư đang tìm cách chạy theo Sở Chiêu Vương hiện đang “ tị nạn chính trị “ ở nước Tần, trước khi sang Tần, Thân Bao Tư có tìm gặp Ngũ Tử Tư và trách: Đều là con dân nước Sở cả sao Ngũ Tử Tư lại nỡ báo thù tàn độc như vậy với Sở Bình Vương ?
Ngũ Tử Tư đã lập tức trả lời Thân Bao Tư: Trời tối, đường xấu buộc phải đi ngược, làm trái…Tốt nhất bây giờ thì ông ( Thân Bao Tư ) hãy đi đường ông, còn tôi đi đường tôi, đừng có thuyết phục nhau làm gì cho mất thì giờ…Ngũ Tử Tư có ý nói rằng: Hoàn cảnh buộc ông phải ác, phải hành xử không theo cái đạo lý thông thường được…
Câu nói nổi tiếng đó của Ngũ Tử Tư thiết tưởng hiện nay vẫn coi tươi nguyên giá trị khi áp dụng vào các lĩnh vực quản trị xã hội…Trước tiên, cái lĩnh vực dễ nhận thấy nhất về sự tuyệt đối đúng của cái phương châm ứng xử mà Ngũ Tử Tư, đó là lĩnh vực giao thông công cộng tại các thành phố lớn.
Khi mà người tham gia giao thông buộc phải lưu thông vào những con đường chật hẹp, barie chồng chất, đường đã nhỏ lại gồ ghề, khúc khuỷu; ánh sáng lại nhá nhem, tù mù thì người tham gia giao khó lòng chấp hành đúng luật, kể cả những công dân gương mẫu nhất. Tình trạng người tham gia giao thông nếu không cố ý hay vô tình “đi ngược, làm trái…” thì mới lưu chuyến được, mới thoát được, mới giải quyết được việc riêng là điều mà ai cũng thấy, và bất cứ ai cũng đã đôi lần sa vào hoàn cảnh này…
Phúc Lộc Thọ tôi viết bài này muốn khai thác những ý tứ sâu xa hơn trong câu nói của Ngũ Tử Tư để kính tặng ông vì: qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua nhưng công trình nghiên cứu lý luận đã được công bố của ông, được biết ông cũng là người am hiểu, yêu mến và ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ?
Nhắc và bàn tới câu nói của Ngũ Viên là dịp chúng ta cân nhắc lại các mối quan hệ nhằng nhịt thuộc phạm trù quản trị xã hội nói theo cách của người phương Tây; còn người Trung Hoa gọi đó là: kinh bang tế thế…là lĩnh vực mà ông là người đứng đầu của tổ chức chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tự nhận trách nhiệm trước dân tộc vạch ra các con đường đi và chế tác ra các phương tiện giao thông chuyển tải, chuyên chở các nhu cầu thiết yếu của dân tộc ngày càng phát triển và tiến triển…
Một thể chế cùng với những con đường được thiết kế, xây dựng để đáp ứng sự lưu thông đi lại, làm ăn sinh sống của người dân nếu lại bị nhập nhèm, nếu không minh bạch, lại xấu do chủ ý hoặc do trình độ nhân thức hạn chế của chính người xây ra con đường đó, tất yếu sẽ đẩy người tham gia giao thông vào vòng khốn khó, buộc họ vào tình thế buộc phải tìm cách “ đi ngược, làm trái…” Bởi người xưa từng đúc kết:” Cùng tắc biến và biến tắc thông…”
Tình trạng “ đi ngược, làm trái “ trong xã hội chúng ta, trong đất nước của chúng ta không còn là hành vi cực chẳng đã của đám dân đen mà còn lan sang cả trong bộ máy công quyền cấp cao, cả trong bộ máy Đảng ? Cha ông ta đã từng đúc kết: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn ?!
Muốn xã hội trở nên yên bình hơn, phát triển bền vững hơn, mong các ông lưu tâm đừng để người dân giống như người khi tham gia giao thông hiện nay, muốn về sớm nhà mình, muốn đạt được mục đích… thì chỉ còn cách phải “đi ngược, làm trái” !
Bởi vì, chính ông cũng đã có lần thổ lộ:
Nghĩ mình phận mỏng, cánh chuồn
Khuôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng ?
"Khuôn thiêng" của ông bây giờ đã "vuông tròn " rồi, bây giờ ông chỉ phải tìm cách khắc phục cái "phận mỏng" nữa là coi xong !
P.L.T
Được đăng bởi Phạm Viết Đào-Nhà văn vào lúc 12:20
Gửi Email Bài đăng Này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Google Buzz
5 nhận xét:

Hà Minh Thành nói...
Thứ tư, ngày 19 tháng một năm 2011
ĐIỀU LỆ MỚI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC
LẦN THỨ XI
*
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
_____________________________¬___
Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2011
ĐIỀU LỆ
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng
thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011)

-----
ĐẢNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG
Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc : tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Chương I
ĐẢNG VIÊN
Điều 1.
1. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
2. Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện : thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Điều 2.
Đảng viên có nhiệm vụ :
1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.
2. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định.
Điều 3.
Đảng viên có quyền :
1. Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.
2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.
4. Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Điều 4.
Thủ tục kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại) :
1. Người vào Đảng phải :
- Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
- Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
- Được hai đảng viên chính thức giới thiệu.
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
2. Người giới thiệu phải :
- Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
- Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
3. Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ :
- Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.
Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.
- Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
- Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.
4. Nơi chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện giới thiệu thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp cử đảng viên về làm công tác tuyên truyền, xem xét, giới thiệu kết nạp vào Đảng. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
Điều 5.
1. Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.
2. Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xoá tên trong danh sách đảng viên dự bị.
3. Nghị quyết của chi bộ về đề nghị công nhận đảng viên chính thức phải được cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.
4. Đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp.
Điều 6.
Việc phát và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định.
Điều 7.
Đảng viên tuổi cao, sức yếu, tự nguyện xin giảm, miễn công tác và sinh hoạt đảng do chi bộ xem xét, quyết định.
Điều 8.
1. Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên.
2. Các trường hợp trên nếu đảng viên có khiếu nại thì chi bộ báo cáo cấp uỷ có thẩm quyền xem xét.
3. Đảng viên xin ra khỏi Đảng do chi bộ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền chuẩn y kết nạp quyết định.
Chương II
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG
Điều 9.
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là :
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
3. Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Điều 10.
1. Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước.
2. Tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI. Việc lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định lập hoặc giải thể đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Điều 11.
1. Cấp uỷ triệu tập đại hội khi hết nhiệm kỳ, thông báo trước cho cấp dưới về thời gian và nội dung đại hội.
2. Cấp uỷ triệu tập đại hội quyết định số lượng đại biểu và phân bổ cho các đảng bộ trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng đảng bộ trực thuộc, vị trí quan trọng của từng đảng bộ, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Đại biểu dự đại hội gồm các uỷ viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu.
4. Việc chỉ định đại biểu chỉ thực hiện đối với tổ chức đảng hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở đại hội để bầu cử được, theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
5. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận. Cấp uỷ triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do đại hội cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu đang bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, bị khởi tố, truy tố, tạm giam.
6. Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu hoặc đảng viên được triệu tập tham dự và có ít nhất hai phần ba số tổ chức đảng trực thuộc có đại biểu tham dự.
7. Đại hội bầu đoàn chủ tịch (chủ tịch) để điều hành công việc của đại hội.
Điều 12.
1. Cấp uỷ viên phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh; chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có kiến thức và năng lực tham gia lãnh đạo tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đoàn kết cán bộ, đảng viên, được quần chúng tín nhiệm.
2. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định; số lượng cấp uỷ viên cấp nào do đại hội cấp đó quyết định, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Cấp uỷ các cấp cần được đổi mới, bảo đảm tính kế thừa và phát triển qua mỗi lần đại hội.
3. Đoàn chủ tịch (chủ tịch) hướng dẫn bầu cử :
- Đại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử.
- Danh sách bầu cử do đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua.
- Bầu cử bằng phiếu kín.
- Người trúng cử phải được số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập hoặc so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập.
Trường hợp số người có số phiếu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì lấy số người có số phiếu cao hơn; nếu ở cuối danh sách trúng cử có nhiều người ngang phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu thì bầu lại số người ngang phiếu đó để lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn ngang nhau, có bầu nữa hay không do đại hội quyết định.
Nếu bầu một lần mà chưa đủ số lượng quy định, có bầu thêm nữa hay không do đại hội quyết định.
Điều 13.
1. Cấp uỷ khoá mới nhận sự bàn giao từ cấp uỷ khoá trước, điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
2. Việc bổ sung cấp uỷ viên thiếu do cấp uỷ đề nghị, cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định; số lượng cấp uỷ viên sau khi bổ sung không vượt quá tổng số cấp uỷ viên mà đại hội đã quyết định. Khi thật cần thiết, cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định tăng thêm một số cấp uỷ viên cấp dưới.
3. Khi thật cần thiết, cấp uỷ cấp trên có quyền điều động một số cấp uỷ viên cấp dưới, nhưng không quá một phần ba tổng số cấp uỷ viên do đại hội đã bầu.
4. Cấp uỷ viên xin rút khỏi cấp uỷ, do cấp uỷ xem xét đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định; đối với Uỷ viên Trung ương, do Ban Chấp hành Trung ương quyết định. Cấp uỷ viên đương nhiệm ở đảng bộ từ cấp tỉnh trở xuống, khi có quyết định nghỉ công tác để nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến đơn vị khác ngoài đảng bộ thì thôi tham gia các cấp uỷ đương nhiệm ở đảng bộ đó.
Đối với Uỷ viên Trung ương khi có quyết định thôi giữ chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể để nghỉ hưu thì thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm.
5. Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp uỷ này không nhất thiết là 5 năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên.
6. Đối với tổ chức đảng không thể mở đại hội được, cấp uỷ cấp trên trực tiếp chỉ định cấp uỷ của tổ chức đảng đó.
Điều 14.
1. Cấp uỷ mỗi cấp lập các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.
2. Khi cần, cấp uỷ lập tiểu ban, hội đồng, tổ công tác và giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.
Chương III
CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG Ở CẤP TRUNG ƯƠNG
Điều 15.
1. Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.
2. Đại hội đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần; bầu Ban Chấp hành Trung ương. Số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức và Uỷ viên Trung ương dự khuyết do Đại hội quyết định.
Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc chuyển Uỷ viên Trung ương dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế Uỷ viên Trung ương chính thức khi khuyết.
3. Khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường. Đại biểu dự Đại hội bất thường là các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm, đại biểu đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc đầu nhiệm kỳ, đủ tư cách.
Điều 16.
1. Ban Chấp hành Trung ương tổ chức chỉ đạo thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đại hội; quyết định những chủ trương, chính sách về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng Đảng; chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng nhiệm kỳ tiếp theo, Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có).
2. Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới.
3. Ban Chấp hành Trung ương họp thường lệ sáu tháng một lần; họp bất thường khi cần.
Điều 17.
1. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong số Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Số lượng Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
2. Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng : chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.
Chương IV
CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG Ở CÁC CẤP ĐỊA PHƯƠNG
Điều 18.
1. Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do cấp uỷ cùng cấp triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.
2. Đại hội thảo luận văn kiện của cấp uỷ cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu cấp uỷ; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.
3. Khi cấp uỷ xét thấy cần hoặc khi có trên một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu và được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập đại hội đại biểu bất thường.
Đại biểu dự đại hội đại biểu bất thường là các cấp uỷ viên đương nhiệm, đại biểu đã dự đại hội đại biểu đảng bộ đầu nhiệm kỳ, đang sinh hoạt tại đảng bộ, đủ tư cách.
Điều 19.
1. Cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh uỷ, thành uỷ), cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ) lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu; nghị quyết, chỉ thị của cấp trên.
2. Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ do ban thường vụ triệu tập thường lệ ba tháng một lần; họp bất thường khi cần.
Điều 20.
1. Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.
2. Số lượng uỷ viên ban thường vụ và uỷ viên uỷ ban kiểm tra do cấp uỷ quyết định theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Ban thường vụ lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu, nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cùng cấp và cấp trên; quyết định những vấn đề về chủ trương, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của cấp uỷ.
4. Thường trực cấp uỷ gồm bí thư, các phó bí thư, chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ, của ban thường vụ và cấp uỷ cấp trên; giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban thường vụ.
Chương V
TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG
Điều 21.
1. Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
2. Ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp uỷ cấp huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở); cấp uỷ cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc tổ chức đảng đó trực thuộc cấp uỷ cấp trên nào cho phù hợp; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp.
3. Tổ chức cơ sở đảng dưới ba mươi đảng viên, lập chi bộ cơ sở, có các tổ đảng trực thuộc.
4. Tổ chức cơ sở đảng có từ ba mươi đảng viên trở lên, lập đảng bộ cơ sở, có các chi bộ trực thuộc đảng uỷ.
5. Những trường hợp sau đây, cấp uỷ cấp dưới phải báo cáo và được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý mới được thực hiện :
- Lập đảng bộ cơ sở trong đơn vị cơ sở chưa đủ ba mươi đảng viên.
- Lập chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở có hơn ba mươi đảng viên.
- Lập đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng uỷ cơ sở.
Điều 22.
1. Đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của tổ chức cơ sở đảng do cấp uỷ cơ sở triệu tập năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá một năm.
2. Đại hội thảo luận văn kiện của cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu cấp uỷ; bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên.
3. Khi cấp uỷ xét thấy cần hoặc khi có trên một nửa số tổ chức đảng trực thuộc yêu cầu và được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên bất thường.
Đại biểu dự đại hội đại biểu bất thường là các cấp uỷ viên đương nhiệm, đại biểu đã dự đại hội đại biểu đảng bộ đầu nhiệm kỳ, đang sinh hoạt tại đảng bộ, đủ tư cách. Dự đại hội đảng viên bất thường là những đảng viên của đảng bộ đó.
4. Đảng uỷ, chi uỷ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần.
5. Đảng uỷ cơ sở có từ chín uỷ viên trở lên bầu ban thường vụ; bầu bí thư, phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; dưới chín uỷ viên chỉ bầu bí thư, phó bí thư.
6. Đảng bộ cơ sở họp thường lệ mỗi năm hai lần; họp bất thường khi cần. Chi bộ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp bất thường khi cần.
Điều 23.
Tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ :
1. Chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
2. Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển đảng viên.
3. Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; chấp hành đúng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
4. Liên hệ mật thiết với nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng.
Đảng uỷ cơ sở nếu được cấp uỷ cấp trên trực tiếp uỷ quyền thì được quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên.
Điều 24.
1. Chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên; mỗi chi bộ ít nhất có 3 đảng viên chính thức. Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều tổ đảng; tổ đảng bầu tổ trưởng, nếu cần thì bầu tổ phó; tổ đảng hoạt động dưới sự chỉ đạo của chi uỷ.
2. Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí. Chi bộ, chi uỷ họp thường lệ mỗi tháng một lần.
3. Đại hội chi bộ do chi uỷ triệu tập năm năm hai lần; nơi chưa có chi uỷ thì do bí thư chi bộ triệu tập. Khi được đảng uỷ cơ sở đồng ý có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá sáu tháng.
4. Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần, bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu chi uỷ, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi uỷ viên.
Chương VI
TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM
Điều 25.
1. Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
2. Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam hoạt động theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3. Các ban của cấp uỷ đảng theo chức năng giúp cấp uỷ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.
Điều 26.
1. Quân uỷ Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong Quân đội và một số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương.
2. Quân uỷ Trung ương nghiên cứu đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; lãnh đạo mọi mặt trong Quân đội.
3. Tổng cục Chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên của Quân uỷ Trung ương. Ở mỗi cấp có cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan chính trị cấp trên.
Điều 27.
1. Cấp uỷ đảng trong bộ đội chủ lực và bộ đội biên phòng ở cấp nào do đại hội cấp đó bầu, lãnh đạo các đơn vị thuộc cấp mình về mọi mặt; trường hợp đặc biệt do cấp uỷ cấp trên chỉ định.
2. Đảng uỷ quân khu gồm các đồng chí công tác trong đảng bộ quân khu do đại hội cùng cấp bầu và các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trên địa bàn quân khu được chỉ định tham gia; lãnh đạo thực hiện nghị quyết của cấp trên, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phối hợp với cấp uỷ địa phương thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trong quân khu.
3. Tổ chức đảng quân sự địa phương ở cấp nào đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương cấp đó về mọi mặt, đồng thời chấp hành nghị quyết của đảng uỷ quân sự cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương. Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp với cấp uỷ địa phương chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong lực lượng vũ trang địa phương.
4. Đảng uỷ quân sự tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã gồm các đồng chí công tác trong đảng bộ quân sự địa phương do đại hội cùng cấp bầu, đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương và một số đồng chí ngoài đảng bộ quân sự địa phương được cấp uỷ địa phương chỉ định tham gia. Đồng chí bí thư cấp uỷ địa phương trực tiếp làm bí thư đảng uỷ quân sự cùng cấp.
Điều 28.
1. Đảng uỷ Công an Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định gồm một số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong Công an nhân dân và một số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài Công an nhân dân, một số đồng chí công tác thuộc Đảng bộ Công an Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng uỷ Công an Trung ương nghiên cứu đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về đường lối, chính sách, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lãnh đạo mọi mặt công tác trong công an.
2. Cấp uỷ công an cấp nào do đại hội cấp đó bầu, trường hợp thật cần thiết do cấp uỷ cấp trên chỉ định. Cấp uỷ lãnh đạo các đơn vị thuộc cấp mình về mọi mặt.
3. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong các đơn vị thuộc đảng bộ công an, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương; phối hợp với cấp uỷ địa phương chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong lực lượng công an địa phương.
4. Cơ quan xây dựng lực lượng công an mỗi cấp đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị, công tác quần chúng trong đảng bộ, hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan xây dựng lực lượng cấp trên.
Điều 29.
1. Tổ chức đảng công an nhân dân địa phương cấp nào đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp uỷ cấp đó, đồng thời chấp hành nghị quyết của đảng uỷ công an cấp trên về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; lãnh đạo xây dựng lực lượng công an nhân dân ở địa phương và xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
2. Đảng uỷ công an tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã do đại hội đảng bộ cùng cấp bầu.
Chương VII
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG
VÀ UỶ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP
Điều 30.
1. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.
2. Các cấp uỷ đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Điều 31.
1. Uỷ ban kiểm tra các cấp do cấp uỷ cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp uỷ và một số đồng chí ngoài cấp uỷ.
2. Các thành viên uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý.
3. Uỷ ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của uỷ ban kiểm tra cấp trên.
Điều 32.
Uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ :
1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp uỷ viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
3. Giám sát cấp uỷ viên cùng cấp, cán bộ diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp uỷ và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
4. Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp uỷ thi hành kỷ luật.
5. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng.
6. Kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp.
Điều 33.
Uỷ ban kiểm tra có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.
Chương VIII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 34.
Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
Điều 35.
1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.
2. Hình thức kỷ luật :
- Đối với tổ chức đảng : khiển trách, cảnh cáo, giải tán;
- Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
- Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo.
Điều 36.
Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm :
1. Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).
Đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp uỷ viên cấp dưới.
Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền quyết định khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý.
2. Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.
3. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
4. Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp.
5. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định.
6. Đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức thì tuỳ mức độ, tính chất vi phạm mà cách một hay nhiều chức vụ.
Điều 37.
Thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm :
1. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng cấp dưới.
2. Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp uỷ cấp trên cách một cấp quyết định. Quyết định này phải báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
3. Chỉ giải tán một tổ chức đảng khi tổ chức đó phạm một trong các trường hợp : có hành động chống đường lối, chính sách của Đảng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.
Điều 38.
1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Trường hợp tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm thì cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên quyết định các hình thức kỷ luật theo thẩm quyền, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đó.
3. Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng và khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba số thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và do tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định.
Điều 39.
1. Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật.
2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên quyết định.
3. Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến.
4. Quyết định của cấp dưới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.
5. Quyết định của cấp trên về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải được thông báo đến cấp dưới, nơi có tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; trường hợp cần thông báo rộng hơn thì do cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.
6. Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
7. Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật, thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
8. Khi nhận khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết; chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương, sáu tháng đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại, phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết.
9. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kỷ luật.
Điều 40.
1. Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.
2. Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, cấp uỷ cấp trên trực tiếp lập tổ chức đảng mới hoặc giới thiệu sinh hoạt đảng cho số đảng viên còn lại.
3. Đảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp uỷ, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
4. Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
Chương IX
ĐẢNG LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC, MẶT TRẬN TỔ QUỐC
VÀ ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Điều 41.
1. Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
2. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
3. Đảng giới thiệu cán bộ đủ tiêu chuẩn để ứng cử hoặc bổ nhiệm vào cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.
4. Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hoá thành các văn bản luật pháp của Nhà nước, chủ trương của đoàn thể; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
Điều 42.
1. Trong cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do bầu cử lập ra, cấp uỷ cùng cấp lập đảng đoàn gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi không lập đảng đoàn thì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan đó thực hiện chức năng lãnh đạo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
2. Đảng đoàn do cấp uỷ cùng cấp chỉ định; có bí thư, nếu cần, có phó bí thư. Đảng đoàn làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ.
3. Đảng đoàn lãnh đạo, thuyết phục các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng.
4. Khi cần, đảng đoàn triệu tập các đảng viên trong tổ chức để thảo luận chủ trương của cấp uỷ và bàn biện pháp thực hiện.
Điều 43.
1. Trong cơ quan hành pháp, tư pháp cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp uỷ cùng cấp lập ban cán sự đảng gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi không lập ban cán sự đảng thì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan đó thực hiện chức năng lãnh đạo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
2. Ban cán sự đảng do cấp uỷ cùng cấp chỉ định; có bí thư, nếu cần, có phó bí thư. Ban cán sự đảng làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ.
3. Ban cán sự đảng lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng.
Chương X
ĐẢNG LÃNH ĐẠO ĐOÀN THANH NIÊN
CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH
Điều 44.
1. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
2. Cấp uỷ đảng lãnh đạo trực tiếp tổ chức đoàn cùng cấp về phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng, tổ chức, cán bộ.
Điều 45.
Đảng viên còn trong độ tuổi đoàn phải sinh hoạt và công tác trong tổ chức đoàn.
Chương XI
TÀI CHÍNH CỦA ĐẢNG
Điều 46.
1. Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác.
2. Ban Chấp hành Trung ương quy định thống nhất nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng, mức đóng đảng phí của đảng viên.
3. Hằng năm, cấp uỷ nghe báo cáo và quyết định nhiệm vụ tài chính của cấp mình.
Chương XII
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ ĐẢNG
Điều 47.
Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng.
Điều 48.
Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng.
( Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN )
________________
Được đăng bởi Phạm Viết Đào-Nhà văn vào lúc 10:36
Gửi Email Bài đăng Này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Google Buzz
2 nhận xét:

Hà Minh Thành nói...

Báo chí Vn loan tin chậm quá, ba cái tin tào lao này báo Nhật họ đã đăng từ cả tuần trước, bình luận rôm rả. Ngay cả chính phủ Nhật trước ngày 12 cũng đã biết trước ông nào lên Tổng bí thư ông nào giữ lại cái ghế thủ tướng và Nhật không cần điều chỉnh chính sách đối với VN. Bày đặt bầu bán cho tốn tiền dân.
10:58 Ngày 19 tháng 1 năm 2011
nguoilangduso7 nói...

Hihi, Các bác dân chủ nhân quyền, bọn "phản động", các lực lượng "diễn biến hòa bình" hãy mau mau cuốn cờ giải thể đi là vừa. Hãy xem điều lệ mới của mấy ông cộng sản mà xem: lực lượng công an và quân đội sẽ được đặt trực tiếp đưới sự lãnh đạo trực tiếp của cái gọi là cấp ủy đảng. Vì vậy sẽ không còn cảnh như ở Rumani xưa kia, công an hay quân đội không bắn vào nhân dân mà quay súng bắn vào chính mình, không có cảnh quân đội từ chối ủng hộ tổng thống như ở Tuynisi mới đây. Không biết nên vui hay buồn đây!
11:34 Ngày 19 tháng 1 năm 2011

Đăng một Nhận xét

Tìm kiếm Blog này

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Hãy nghe và nói theo cách của mình !

Lưu trữ Blog