Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011
Phát biểu của Tổng thống B. Obama về Ai Cập
-
11.02.2011
Tổng thống: Xin chào buổi chiều tốt đẹp đến với tất cả mọi người. Trong cuộc sống của chúng ta, chỉ có một vài khoảnh khắc rất hãn hữu để làm chứng nhân chứng kiến lịch sử đang diễn ra. Đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó. Nhân dân Ai Cập lên tiếng, tiếng nói của họ được lắng nghe, và Ai Cập sẽ không bao giờ còn giống như trước đây.
Bằng cách rời bỏ quyền lực, Tổng thống Mubarak đã đáp lại lời kêu đòi khẩn thiết của dân chúng Ai Cập cho một sự thay đổi. Nhưng đây không phải là kết thúc quá trình chuyển đổi. Đó là một khởi đầu. Tôi chắc chắn sẽ có những ngày khó khăn trước mặt và nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Nhưng tôi tin tưởng quần chúng Ai Cập có thể tìm thấy câu trả lời một cách hòa bình xây dựng, và tinh thần đoàn kết đã xác định những tuần lễ vừa qua. Nhân dân Ai Cập minh chứng rằng chỉ có nền dân chủ chân chính mới đem đến những ngày tươi sáng.
Quân đội đã phục vụ trong tinh thần yêu nước, có trách nhiệm, và bây giờ sẽ phải bảo đảm rằng sự chuyển đổi đó là đáng tin cậy dưới cái nhìn của người dân Ai Cập. Điều đó có nghĩa là bảo vệ các quyền công dân, thu hồi lệnh giới nghiêm, sửa đổi hiến pháp và luật pháp để thực hiện sự thay đổi không thể đảo ngược, đồng thời đặt ra một lộ trình rõ ràng đối với cuộc bầu cử công bằng và tự do. Trên tất cả, trong tiến trình này, mọi tiếng nói khác biệt phải được tôn trọng. Tinh thần của cuộc nổi dậy hòa bình và sự kiên trì của người dân Ai Cập có thể được coi như luồng gió vũ bão đằng sau sự thay đổi đó.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một người bạn và đối tác của Ai Cập. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp bất cứ hỗ trợ nào là cần thiết – thể theo yêu cầu – để theo đuổi sự chuyển đổi đáng tin cậy về một nền dân chủ. Tôi cũng tin tưởng rằng cùng với sự khôn khéo tương tự và tinh thần doanh nghiệp mà tuổi trẻ Ai Cập đã thể hiện trong những ngày gần đây có thể được khai thác để tạo ra cơ hội mới – việc làm và doanh nghiệp cho phép thế hệ đầy khả năng phi thường này cất cánh. Tôi biết rằng một Ai Cập dân chủ có thể đóng vai trò lãnh đạo có trách nhiệm không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Ai Cập thể hiện vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại hơn 6.000 năm. Nhưng trong vài tuần qua, bánh xe lịch sử đã quay với tốc độ chóng mặt khi nhân dân Ai Cập đòi hỏi những quyền phổ cập toàn thế giới của họ.
Chúng ta đã thấy những người mẹ và những người cha mang con cái của họ trên vai để chỉ cho chúng những gì thật sự tự do là như thế nào.
Chúng ta nhìn thấy một thanh niên Ai Cập nói rằng, “Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự quan trọng. Tiếng nói của tôi được lắng nghe. Mặc dù tôi chỉ là một con người (đơn lẻ), nhưng đây là cách thức mà nền dân chủ được thực thi”.
Chúng ta đã thấy những người biểu tình hô vang “Selmiyya, selmiyya”- “Chúng tôi rất hiền hòa” – được lập lại nhiều lần.
Chúng ta nhìn thấy quân đội không nã súng vào những người họ đã tuyên thệ phải bảo vệ.
Và chúng ta đã thấy các bác sĩ và y tá đổ xô ra đường phố để chăm sóc những người bị thương, tình nguyện viên kiểm tra người biểu tình để bảo đảm rằng họ không mang theo vũ khí.
Chúng ta đã thấy những người có đức tin cầu nguyện với nhau và cùng hô khẩu hiệu – “Hồi-giáo-hữu, Kitô hữu, Chúng tôi là một”. Mặc dù chúng ta biết rằng dị biệt niềm tin tôn giáo vẫn còn chia cách nhiều người trên thế giới và chưa có sự kiện đơn lẻ nào lấp đầy vực thẳm ngay lập tức, sự kiện đó nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải minh xác bởi những sự khác biệt. Chúng ta được xác định bởi nền nhân bản phổ quát mà mọi người cùng chia sẻ.
Và trên hết, chúng ta đã thấy một thế hệ mới xuất hiện – thế hệ sử dụng sự sáng tạo, tài năng và kỹ thuật hiện đại để kêu gọi chính phủ đại diện cho niềm hy vọng chứ không phải nỗi lo âu của họ; một chính phủ đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của họ. Một người Ai Cập đã nói đơn giản là: Hầu hết mọi người đã phát hiện ra trong vài ngày vừa qua… họ có một giá trị nào đó, và điều này không thể bị tước bỏ, không bao giờ nữa hết.
Đây là sức mạnh của nhân phẩm con người và nó không bao giờ có thể bị phủ nhận. Nhân dân Ai Cập đã truyền cảm hứng cho chúng ta và họ đã thực hiện bằng cách từ chối sự bịa đặt rằng công lý chỉ có thể đạt được thông qua bạo lực. Với Ai Cập, đó là đạo-đức-lực bất bạo động – không khủng bố, không chém giết dã man – nhưng là bất bạo động, đạo-đức-lực đã uốn nắn cánh cung lịch sử về hướng công lý thêm một lần nữa.
Trong khi hiện trường và âm thanh nghe được hoàn toàn là Ai Cập, chúng ta không thể không nghe thấy những tiếng vọng của lịch sử – tiếng vọng từ Đức phá đổ bức tường ô nhục, các sinh viên Nam Dương xuống đường, Gandhi dẫn dắt dân tộc ông đến con đường công lý.
Và như Martin Luther King đã nói trong việc kỷ niệm sự ra đời của một quốc gia mới ở Ghana trong khi cố gắng hoàn thiện chính mình, “Có điều gì đó trong tâm hồn khóc thét lên cho tự do.” Đó là những tiếng thét đến từ Quảng trường Tahrir và được toàn thế giới ghi nhận.
Ngày hôm nay đã thuộc về quần chúng Ai Cập và nhân dân Hoa Kỳ xúc động bởi sự kiện xảy ra tại Cairo và toàn cõi Ai Cập, mang đặc tính mà chúng ta mong muốn con cháu chúng ta lớn lên trong thế giới như vậy.
Tahrir có nghĩa là sự giải phóng. Nó là một từ nói lên điều gì đó trong tâm hồn chúng ta muốn gào thét lên cho tự do. Và mãi mãi nó sẽ nhắc nhở chúng ta về nhân dân Ai Cập – những gì họ đã làm, những điều họ tranh đấu cho, làm thế nào họ thay đổi đất nước của họ, và trong khi làm điều đó, thay đổi cả thế giới.
Chân thành cảm ơn các bạn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét