Sau Tết, thật khó cười
Dẫu Tết đã qua đi trong một thời tiết đẹp, nhưng những chuyện không Tết nào không xảy ra, tai nạn và những cái chết, lại trầm trọng thêm vào năm nay, cười không khéo thành nhẫn tâm!
TT&VH: Sau tâm sự chia tay ở số Tất niên, từ số báo này, Remote* khép lại Nhật ký của mình, để nhường lại vị trí cho Camera mỗi tuần sẽ mang tới cho bạn đọc một Clip 5'-những thước-phim-không-hình nhưng đầy ắp hình ảnh của cuộc sống thường nhật.
Clip này, dù muốn, chẳng thể là một clip hài. Dẫu Tết đã qua đi trong một thời tiết đẹp. Hoa sau Tết rẻ như cho bán ngập cả đường, nhưng những chuyện không Tết nào không xảy ra, tai nạn và những cái chết, lại trầm trọng thêm vào năm nay, cười không khéo thành nhẫn tâm! Cũng bởi thế, clip này không có nhân vật. Giá như lờ mờ hiện lên được một hình ảnh nào đó gợi cho người ta lương tâm và trách nhiệm thì người làm clip coi như hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thật khó!
Hình ảnh 1:
Gần đến giao thừa, đi ngang qua một nhóm người dựng những thân cây mía trên vỉa hè, mưu sinh đêm Ba mươi Tết bằng việc bán lộc cho người qua đường, nghe họ than thở với nhau rằng nỗi thiệt thòi lớn nhất của những tối Ba mươi thế này, không phải rét, không phải ế, không phải nhọc nhằn mang vác nặng hoặc phơi mặt ngoài phố, mà là không được xem chương trình Táo quân trên tivi, để cười...! Chỉ để cười thôi!
Dân lúc nào cũng mong được cười.
Nhưng làm thế nào để cười được đâu có dễ.
Hình ảnh 2:
Chương trình Táo quân trên tivi năm nay nhiều người khen hay, bởi vì làm nhiều người cười, dù vẫn chỉ ngần ấy người, ngần ấy chuyện, ngần ấy chỗ phải nói tránh hoặc dừng, cái phần hay nhất là có thêm một Táo Dân, dân như những người chịu lạnh bán mía cây trên vỉa hè tối Ba mươi Tết kia, chịu đựng được tất cả khó khăn của đời sống với nụ cười hồn nhiên thật thà. Ai cũng biết các vị Táo quân trong chương trình cuối năm là đại diện của một ngành. Dân thì chẳng phải một ngành, một bộ, dân là dân. Nhìn Táo Dân trên màn hình mong được cười chợt thấy nhói lòng!
Nhói lòng nữa vì từ màn hình đến đời đúng là chẳng cần gì tô vẽ.
Hình ảnh 3:
Cầu Ghềnh, tai nạn thảm khốc ngày 6/2, tức là mùng 4 Tết, chưa thấy quan chức nào đứng lên nhận mình có trách nhiệm. Trả lời phỏng vấn trên tivi, vị quan chức phụ trách đường sắt của tỉnh xảy ra tai nạn trả lời rằng đang tìm hiểu nguyên nhân...
Mơ thì rất không tiết kiệm, mơ rất xa tận đường sắt cao tốc, nhưng còn bao nhiêu cây cầu con con mà ô tô tàu hỏa cùng đi qua như vậy vẫn tồn tại? Cũng chẳng ai buồn nghĩ đến việc cấm ô tô đi cùng đường sắt. Ô tô thì chen lấn và đi ẩu, đi ngược chiều. Đường sắt thì luôn đầy sự cố. Mấy ngày Tết gần 300 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, vẫn thời sự nếu sang năm Táo Giao thông (tất nhiên là vai diễn) lại tiếp tục nói câu: "Chết bao nhiêu thì đi mà hỏi người chết ấy!". Quan chức thản nhiên được, còn dân sau tai nạn kinh hoàng và đầy nước mắt ấy, thật khó để cười!
Một cảnh trong Táo quân 2011
Hình ảnh 4:
Bổ sung cho hình ảnh trên. Thanh tra giao thông gây tai nạn do say xỉn rồi bỏ chạy. Và tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, 3 - 4 người đánh võng trên một xe phổ biến như thể chỉ cần nghĩ ngoài đường không có cảnh sát giao thông là cũng không cần đến luật giao thông, muốn làm gì thì làm... Người dân tự mình đẩy mình đến chỗ không thể cười.
Hình ảnh 5:
Tất nhiên chẳng thể đổ lỗi cho việc mất điện mà 9 thanh niên đất Hải Phòng chết ngạt tập thể. Của đáng tội, Tết quá buồn khi có những cái chết chẳng bởi một lý do nào. Đầu tiên nghi rằng ma túy, rồi báo nói có, báo bảo không..., nguyên nhân chính là chết ngạt. Một ô tô nổ máy trong căn phòng 40m2 thay máy phát điện sẽ phải coi là thủ phạm. Nếu có Táo Điện lực thật, thì dù có vô can, cũng nên chạnh lòng chút ít.
Theo Thể thao & Văn hóa cuối tuần
---
* Nhật ký Remote: Tên một chuyên mục trên Báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần. Sau tết Tân Mão chuyên mục này đã đổi tên thành Clip 5'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét